Sự việc lạ lùng nói trên xảy ra vào ngày 12/6/2016 tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Trong đám cưới của ông Hùng (60 tuổi, là cán bộ phòng giáo dục) với bà Hường (49 tuổi, là hiệu trưởng một trường tiểu học) thì vợ cũ của ông Hùng cùng những người con và cháu xuất hiện trước khu vực rạp cưới rải vàng mã, đốt nhang, phóng loa “gọi hồn cha về”.
“Muốn biến đám cưới thành đám ma”
Khi nghe câu chuyện rải vàng mã trong đám cưới chồng cũ, tôi cứ nghĩ đó là chuyện bịa đặt. Thật là khó tưởng tượng ra cảnh ấy, dù trong đời sống chúng ta cũng từng chứng kiến những cảnh “phá đám cưới”, nhưng phá bằng cách “chơi trò âm binh” thì thật ngoài sức tưởng tượng.
Không rõ ai đã nghĩ ra cái “kịch bản” quái đản này? Người vợ hay những người con? Hay đó chính là trò của các thầy cúng? Nhưng dù là ai chăng nữa thì tôi thấy cũng thật đáng sợ. Nghĩ ra cái trò ấy đã khó, thực hiện nó còn khó vạn lần.
Có lẽ, khi làm điều này, người vợ và những người con kia hận chồng, hận cha của mình ghê lắm. Nỗi hận đó, tưởng chừng như một ngọn lửa, có thể thiêu rụi tất cả, thì việc rải vàng mã, đốt nhang, gọi hồn nào có xá gì (!) Có lẽ là vậy. Tôi biết, sự thù hận khiến con người có thể làm những điều độc ác còn hơn thế nhiều.
Nhưng người chồng kia đã làm điều gì để vợ và các con mình hận thù đến như vậy? Theo câu chuyện kể bên lề, được sắp xếp lại thì chúng ta có thể hình dung đây là một bi kịch gia đình. Ông Hùng từng là người chồng, người cha tốt, có trách nhiệm và yêu thương vợ con.
Dường như cả đời ông không làm điều gì sai quấy, ngoại trừ cách đây vài năm ông bỗng dưng… tìm thấy “một nửa” khác đích thực của đời mình. Cái “một nửa” ấy chính là bà Hường. Từ khi yêu bà Hường, ông Hùng dĩ nhiên xao nhãng tình thương và trách nhiệm gia đình. Ông cũng muốn li dị để được sống chung với người mình yêu. Tất nhiên là cả vợ và con ông đều không đồng ý.
Lúc này, các thành viên trong gia đình cho rằng mọi chuyện đang yên đang lành, bỗng dưng ông Hùng “đổ đốn” chắc là do bà Hường chuốc “bùa mê thuốc lú”. Đó là suy luận thông thường của tất cả chúng ta. Ở đời, có những việc chúng ta không lý giải được, nhất là những gì thuộc về ngóc ngách của tâm hồn.
Chúng ta cũng không phải là người trong cuộc để hiểu rõ “quy trình sa ngã” của ông Hùng như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc một người đàn ông muốn li dị vợ để gắn bó đời mình với một người phụ nữ khác là hoàn toàn chính đáng, đúng pháp luật.
Trong trường hợp, chúng ta không hiểu điều gì đã xảy ra thì cũng nên tôn trọng người đàn ông ấy. Tất nhiên, ở đây là nói trên lý thuyết, mà lý thuyết thì bao giờ cũng khác với thực tế.
Thực tế, người vợ và các con ông Hùng không chấp nhận điều đó. Cụ thể ở đây người vợ chỉ chấp nhận cho ông Hùng li dị, nhưng không đồng ý cho ông cưới vợ lần nữa. Có lẽ, theo bà đó là nỗi đau quá lớn. Khi ông Hùng tổ chức đám cưới “rình rang” với bà Hường, chẳng khác nào “tố cáo” rằng hôn nhân của ông từng không hạnh phúc. Đó là điều mà bà vợ ông Hùng không muốn, không chịu đựng nổi. Tôi nghĩ là vậy.
Nhưng ở đây, theo như tôi thấy thì suy nghĩ ấy có điều gì đó không đúng. Hạnh phúc, chưa bao giờ là một dạng vật chất cụ thể, có hình hài rõ ràng, có thể nắm bắt được một cách chắc chắn. Hạnh phúc là cái gì đó mơ hồ, khó nắm bắt, nhưng khiến ta suốt đời phải đi tìm.
Có thể, ông Hùng từng rất hạnh phúc với vợ và các con, nhưng rồi chợt một ngày ông thấy có một “lực hấp dẫn” khác đang lôi cuốn mình. Ông không thể cưỡng được và lao đi tìm nguồn hạnh phúc mới. Có thể ông đúng. Cũng có thể ông sai lầm. Nhưng không vì như thế mà ông không được tôn trọng. Không vì như thế mà vợ và các con ông Hùng tự làm xấu hình ảnh của gia đình mình đi.
Đừng mang nỗi đau của mình ra làm trò cười
Tôi nhớ khi còn bé, tôi thường bị những người lớn trong xóm khích động để làm trò cười mà không tự biết. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là có một lần cô bạn học của ba tôi đi xe gắn máy đến nhà tôi chơi. Khi tôi ra ngõ thì mấy người hàng xóm bảo: “Cái cô kia là bồ của ba mày đó”. Tất nhiên là họ nói giỡn để ghẹo tôi. Nhưng lúc đó tôi còn quá bé và tôi tưởng thật.
Thế là tôi vào nhà xách con dao xắt rau heo mang ra chém như điên vào cái bánh xe gắn máy. Chặp sau, ba tôi phát hiện ra, ông giận dữ vô cùng. Nhưng tôi nhớ cô bạn của ba tôi thì cười hiền hậu và xin ba tha tội cho tôi. Nụ cười hiền ấy giải thoát cho tôi một trận đòn nhừ tử và làm tôi nhớ mãi cho đến tận hôm nay.
Cái nụ cười hiền hậu và độ lượng ấy làm cho tôi xấu hổ chết đi được. Cũng chính cái nụ cười hiền hậu nhẹ nhõm đó, tôi biết chắc cô không phải là người xấu. Còn nếu lúc đó, cô cũng giận dữ như ba tôi thì không biết chuyện gì xảy ra. Và ký ức tôi chắc đã hằn một vết đau, mang một hình hài xấu xí.
Trở lại câu chuyện rải vàng mã trong đám cưới ở trên, tôi nghĩ rằng người vợ và những người con kia chắc đã đau đớn lắm. Có thể, họ biết việc làm của mình là đáng xấu hổ, nhưng lúc ấy nỗi đau và cơn giận đã bốc lên cao lắm rồi. Hành động ấy cũng thể hiện một sự bất lực, tuyệt vọng.
Xem toàn bộ đoạn trích clip thì thấy họ không có hành động phá phách đám cưới, mà chỉ là muốn phá đi cái không khí đám cưới. Họ như muốn dựng lên trước mắt mọi người một khung cảnh đối nghịch: bên trong kia là tiếng nhạc xập xình, ly cụng vui nhộn; còn phía ngoài này là vàng mã tung lả tả, nhang khói nghi ngút và “tiếng gọi hồn” não nề.
Đến đây, chắc nhiều người sẽ cho rằng: “Người đàn bà kia sao mà ác quá, sao mà nhẫn tâm phá hoại hạnh phúc gia đình người ta như vậy”. Chắc hẳn, nhiều lời chỉ trích ác ý sẽ nhắm vào người phụ nữ này. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, không ai sống trên đời này muốn “sắm vai ác” cả. Ai cũng muốn được sống trong yêu thương và tôn trọng, đặc biệt là phụ nữ với tâm hồn nhạy cảm và mong manh.
Trả lời về việc rải vàng mã, những người con của ông Hùng cho rằng do bà Hường đã khiêu khích, xúc phạm họ bằng những tin nhắn giễu cợt. Tuy nhiên phía bà Hường cho rằng mình hoàn toàn không nhắn bất cứ một tin gì, và nếu có tin nhắn thì công an sẽ dễ dàng tìm ra.
Thú thật là tôi không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng những điều mà bà Hường nói cũng rất đáng suy ngẫm. Theo bà Hường thì bà từng có một đời chồng, nhưng sống không hạnh phúc và đã chia tay. Với ông Hùng thì đây xem như là “tình già”, họ đồng điệu và nương tựa vào nhau không vì lý do vật chất hay gì khác.
Trả lời với báo chí, bà Hường nói: “Tôi nghĩ rằng nếu một gia đình hạnh phúc thì dù có muốn phá cũng không phá nổi. Tôi không làm điều gì sai trái cả. Thử hỏi, những người con làm thế này thì liệu là người bố có hòa thuận được không? Nếu thật sự tôn trọng, yêu thương bố thì không bao giờ làm thế cả”.
Như tôi đã nói ở trên hạnh phúc không phải là cái gì đó cụ thể dễ gọi tên và nắm bắt một cách chắc chắn. Cũng có người sống trong hạnh phúc mà không biết. Cũng có người sống trong hạnh phúc mà sai lầm.
Nhưng tôi biết chắc một điều rằng: “Hạnh phúc không phải là một hiện vật trong viện bảo tàng có ghi chữ “Cấm sờ vào hiện vật”. Hạnh phúc là một thực thể sống, sinh động. Và do nó sống động nên không dễ nắm bắt. Muốn nắm bắt và giữ được hạnh phúc thì chúng ta cũng phải sống động theo nó”.
Thêm một điều nữa, cuộc sống đôi khi giáng xuống chúng ta những cú đau điếng choáng váng. Nhưng dù thế nào thì cũng biết tha thứ, độ lượng, đừng biến nỗi đau của mình thành trò cười cho thiên hạ. Trong mọi trường hợp, tha thứ cho kẻ khác, trước hết là làm nhẹ lòng mình.
Còn như khi vàng mã đã rải, nhang đã đốt, miệng đã phóng loa hú gọi hồn người sống rồi thì không rút lại được. Cú “tiễn đưa” này thật là ác nghiệt cho ông Hùng và cả vợ con của ông. Bây giờ, có thể gỡ xuống những thứ trên mạng, nhưng không bao giờ gỡ được miệng lưỡi thế gian, cũng như làm sao gỡ ra được tâm khảm những người trong cuộc.