Theo hiệp hội ung thư Mỹ: Ung thư ruột già có tỉ lệ tử vong cao thứ 2 trong nhóm bệnh ung thư. Để tránh mắc bệnh, việc kiểm tra sớm là vô cùng cần thiết để cứu mình.
Mới đây, Lực lượng Đặc biệt về Các dịch vụ Phòng ngừa của Mỹ (USPSTF) vừa tái khẳng định khuyến nghị đã được đưa ra từ năm 2008. Theo đó, việc khám ung thư ruột già cần được tiến hành thường xuyên bắt đầu từ khi bước vào tuổi 50 trở đi.
Ung thư ruột già (đại trực tràng) vẫn là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ở Mỹ, đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong số các bệnh ung thư. USPSTF ước tính năm nay Mỹ sẽ có khoảng 130.000 người chẩn đoán bị mắc ung thư đại trực tràng, và sẽ có khoảng 49.000 ca tử vong.
Tiến sỹ Douglas Owens của Đại học Stanford phát biểu trong thông cáo báo chí của USPSTF như sau: “Có nhiều phương pháp khám ung thư ruột già nhằm làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh này. Chúng tôi khuyến khích mọi người lựa chọn phương pháp phù hợp nhất, dựa trên tư vấn từ bác sĩ”.
Nhằm đưa ra hướng dẫn cập nhật về việc khám ung thư ruột già, USPSTF đã xem xét số liệu của một số phương pháp kiểm tra.
Bên cạnh phương pháp nội soi ruột già (colonoscopy), còn có soi đại tràng sigma (sigmoidoscopy – với mức độ thâm nhập gần hơn nhiều so với soi thông thường;
CT ruột già; xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân; và phuơng pháp mới được thông qua gần đây là thử phân tìm tế bào ung thư.
Giáo sư Owens cho biết: “Các bằng chứng thuyết phục cho thấy khám ung thư đại trực tràngthực sự hữu ích, nhưng không mấy người tận dụng dịch vụ y tế ưu việt này”.
Đối với những người cao tuổi, độ tuổi từ 76-85, các chuyên gia cho rằng, lợi ích do khám mang lại sẽ nhỏ hơn, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, việc kiểm tra vẫn có thể có lợi cho một số người trong độ tuổi này, đặc biệt là những người trước đây chưa từng khám và còn đủ sức khoẻ để tiến hành điều trị trong trường hợp chẩn đoán mắc ung thư.
Hội Ung thư Mỹ cũng đồng quan điểm với USPSTF trong việc khuyến nghị mọi người soi đại tràng.
Theo đó, nếu tìm thấy các polyp (tổn thương có hình dạng giống như khối u, có thể lành tính hoặc biến thành ác tính), và loại bỏ chúng thì trong nhiều trường hợp sẽ giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Bắt đầu từ khi bước vào tuổi 50, cả phụ nữ và đàn ông đều ở cấp độ nguy cơ trung bình đối với ung thư đại trực tràng và nên tiến hành thăm khám.
Các phương pháp kiểm tra đại tràng
Theo Hội Ung thư Mỹ, mọi người khi bước vào tuổi 50 nên kiểm tra nhằm phát hiện ung thư đại bằng một trong các phương pháp sau đây:
Những phương pháp giúp phát hiện polyp và ung thư
• Nội soi đại tràng linh động sigma (Flexible Sigmoidoscopy): Thực hiện mỗi 5 năm một lần. Nếu kết quả dương tính cần thực hiện nội soi đại tràng.
• Nội soi đại tràng (Colonscopy): Thực hiện mỗi 10 năm một lần.
• Chụp cản quang kép dùng thuốc thụt barium (Double-contrast barium enema): Thực hiện mỗi 5 năm một lần. Nếu kết quả dương tính cần thực hiện nội soi đại tràng.
• Chụp cắt lớp đại tràng (nội soi đại tràng ảo – CT colonography): Thực hiện mỗi 5 năm một lần. Nếu kết quả dương tính cần thực hiện nội soi đại tràng.
Những phương pháp chủ yếu nhằm phát hiện ung thư
• Xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên guaiac (Guaiac-based fecal occult blood test hay gFOBT): Thực hiện mỗi năm một lần.
• Xét nghiệm sinh hoá miễn dịch phân (Fecal immunochemical test hay FIT): Thực hiện mỗi năm một lần.
• Xét nghiệm DNA trong phân (Stool DNA hay sDNA): Thực hiện mỗi 3 năm một lần.
Ở cả 3 phương pháp trên: Nếu kết quả dương tính cần thực hiện nội soi đại tràng.
Riêng với hai phương pháp liên quan đến xét nghiệm phân: Nên dùng bộ xét nghiệm mang về nhà để xét nghiệm nhiều mẫu. Chỉ làm xét nghiệm 1 lần tại cơ sở y tế không đủ để có kết quả chính xác.
Nếu ở nhóm nguy cơ cao, hãy kiểm tra ngay từ bây giờ. Khi bạn ở nhóm nguy cơ cao mắc ung thư đại cần thăm khám trước khi bước vào tuổi 50 và/hoặc với mật độ thường xuyên hơn.
Bạn thuộc nhóm nguy cơ cao nếu:
• Có tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến.
• Có tiền sử mắc các bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn).
• Gia đình có tiền sử rõ ràng của bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp.
• Gia đình có tiền sử di truyền triệu chứng ung thư đại trực tràng như đa polyp tuyến gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch (hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp – HNPCC).
Bảng dưới đây hướng dẫn thời điểm và phương pháp thăm khám đối với những người nằm trong nhóm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Lực lượng Đặc biệt về Các dịch vụ Phòng ngừa của Mỹ (U.S. Preventive Services Task Force – USPSTF)
USPSTF được thành lập vào năm 1984, là một hội đồng độc lập, tự nguyện gồm các chuyên gia của Mỹ trong lĩnh vực phòng ngừa và y khoa dựa trên sở cứ. USPSTF có vai trò nâng cao sức khoẻ của mọi người dân Mỹ dựa trên những khuyến nghị có sở cứ về các dịch vụ phòng ngừa lâm sàng như xét nghiệm, tư vấn, dược phẩm phục vụ phòng ngừa.
Các thành viên của USPSTF đến từ lĩnh vực dược phòng ngừa và chăm sóc ban đầu, bao gồm nội khoa, bác sỹ gia đình, nhi khoa, bác sỹ tâm thần, sản khoa, phụ khoa và điều dưỡng. Các khuyến nghị của USPSTF dựa trên sự xem xét chặt chẽ những sở cứ đã được bình duyệt của chuyên gia, nhằm giúp các bác sỹ lâm sàng và bệnh nhân quyết định phương án phòng ngừa phù hợp.
Bắt đầu từ năm 1998, Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Y tế của Mỹ (AHRQ) đã được Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ tổ chức họp lực lượng USPSTF và hỗ trợ tổ chức này về mặt khoa học, hành chính, truyền bá thông tin.
Hàng năm, USPSTF làm báo cáo tới Quốc hội Mỹ về những thiếu hụt sở cứ quan trọng trong các nghiên cứu liên quan tới dịch vụ phòng ngừa lâm sàng, cũng như đề xuất lĩnh vực ưu tiên cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn.
Hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society – ACS)
ACS được thành lập từ năm 1913 tại New York City, là tổ chức y tế thiện nguyện lớn nhất tại Mỹ, với cam kết cứu chữa và dành chiến thắng trong trận chiến chống ung thư.
ACS thực hiện nhiệm vụ:
– Trợ giúp mọi người sống khoẻ: ACS giúp mọi người phòng chống ung thư hoặc phát hiện ra bệnh một cách sớm nhất. ACS thực hiện tuyên truyền về phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư, giúp mọi người bỏ thuốc, thăm khám đúng và có một phong cách sống khoẻ mạnh.
– Trợ giúp mọi người bình phục: ACS cung cấp miễn phí các thông tin, chương trình, dịch vụ và tham vấn cộng đồng cho bệnh nhân, người hồi phục sau điều trị và những người chăm sóc người bệnh.
– Tìm kiếm các cách thức chữa trị: ACS có quỹ để tiến hành các nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây ung thư, quyết định phương án phòng chống tối ưu nhất và tìm ra cách thức mới để điều trị.
– Chiến đấu chống ung thư: ACS cùng với các nhà làm luật đưa ra những luật giúp việc phòng chống ung thư và kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia trận chiến.