Giờ làm việc phải phù hợp với đồng hồ sinh học. Các chuyên gia thuộc Đại học Oxford cho rằng những nhân viên phải dậy sớm để có mặt ở công ty lúc 9 giờ kém 5 sẽ dễ mắc bệnh tật.
Bắt nhân viên “check-in” trước 10 giờ là tương đương với hành xác vì nó khiến họ dễ nhiễm bệnh, kiệt sức và căng thẳng. Trước độ tuổi 55, nhịp điệu sinh học của người trưởng thành hoàn toàn không tương thích với giờ làm việc phổ biến hiện nay là 9 giờ kém 5. Hậu quả là năng suất làm việc của họ sẽ giảm sút, tinh thần cũng kém tươi.
Tiến sĩ Paul Kelley dẫn đầu nghiên cứu cho rằng cần phải có một sự dịch chuyển lớn đối với giờ đi làm và đi học để phù hợp hơn với nhịp sinh học của con người.
Nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ 10 tuổi sẽ không thể tập trung vào việc học trước 8 giờ 30 sáng. Tương tự, trẻ 16 tuổi chỉ nên bắt đầu vào lớp lúc 10 giờ và sinh viên đại học nên bắt đầu lúc 11 giờ sáng.
Tiến sĩ Kelley tin rằng chỉ cần thay đổi giờ vào lớp cũng có thể cải thiện điểm số đến 10%. Tương tự, công ty mà buộc nhân viên đi làm sớm thì chỉ khiến hiệu quả làm việc bị giảm sút, còn khiến sức khỏe của nhân viên tụt dốc.
“Phải đợi đến khi 55 tuổi người ta mới nên làm việc lúc 9 giờ. Còn vào lúc tuổi trẻ thì 10 giờ sáng làm việc là hợp lý. Nhân viên thường thiếu ngủ. Chúng ta đang sống trong một xã hội thiếu ngủ trầm trọng. Sinh viên mất trung bình 10 tiếng ngủ mỗi tuần vì phải dậy sớm đi học”, tiến sĩ Kelley nói. “Gan và tim có nhịp điệu làm việc nhất định, vậy mà bạn buộc chúng phải tăng tốc trước 2-3 tiếng. Đây là một vấn nạn quốc tế. Chúng ta không thể thay đổi nhịp điệu sinh học trong suốt 24 giờ. Bạn không thể ép mình phải quen dậy vào một giờ nào đó. Thật tai hại khi thức dậy sớm và cố gắng nhồi nhét thức ăn khi cơ thể bạn chưa muốn”.
Tình trạng thiếu ngủ gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe. Chỉ cần 1 tuần ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm sẽ dẫn đến 711 thay đổi về gene. Thiếu ngủ dẫn đến mất trí nhớ dài hạn, mất khả năng tập trung, dễ nghiện ma túy và rượu. Thiếu ngủ cũng khiến con người kiệt sức, lo lắng, giận dữ, hành xử bốc đồng, tăng cân, huyết áp cao, miễn dịch giảm, căng thẳng và nhiều triệu chứng bệnh tật khác.
Dù biết giấc ngủ là quan trọng nhưng không phải ai cũng ngủ đủ mỗi đêm, đặc biệt là các nguyên thủ quốc gia:
– Cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng ngủ chỉ 4 tiếng mỗi đêm trong vòng 1 tuần, tuy nhiên ban ngày bà cũng cố chợp mắt để bù lại.
– Khi được hỏi mỗi người dân nên ngủ bao nhiêu là đủ, hoàng đế Napoleon Bonaparte trả lời: “6 tiếng đối với đàn ông, 7 tiếng đối với phụ nữ, 8 tiếng cho thằng đần”.
– Tổng thống Mỹ Barack Obama thường chỉ ngủ 6 tiếng mỗi đêm.
– Ông trùm địa ốc Donald Trump ngủ chỉ 3-4 tiếng mỗi đêm.
– Cố thủ tướng Anh Winston Churchill chỉ ngủ 4 tiếng/đêm trong thời kì Thế chiến thứ II, nhưng ông chợp mắt khoảng 2 tiếng vào đầu giờ chiều.
– Nhà khoa học Albert Einstein ngủ 10 tiếng mỗi đêm, chưa tính thời gian ngủ ngày.
– Tỷ phú Bill Gates cho biết ông cần phải ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm thì mới tỉnh táo và sắc bén được.