Nếu ai đến bến xe Yên Nghĩa để nhận hàng chắc chắn biết việc này. Không đưa tiền cho nhóm bảo kê ở đó, đừng hòng mang được hàng ra khỏi bến.
Chắc hẳn nhiều người đã từng xem những bộ phim xã hội đen Hồng Kông hay gần đây là một số phim nhựa được chiếu ở Rạp, trên mạng như Bụi đời chợ Lớn, Hương Ga,… thường tập trung miêu tả về hoạt động của các băng nhóm chuyên bảo kê, thu tiền bất chính của người dân, hộ kinh doanh tại các bến xe, bến tàu.
Tưởng rằng chuyện băng nhóm bảo kê chỉ có ở trong phim nhưng thực tế ngay bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội đã tồn tại hoạt động này từ rất lâu.
Theo phản ánh của người dân, mỗi lần đến bến xe Yên Nghĩa để nhận hàng hoá, họ đều phải chi tiền cho một nhóm người trong bến. Số tiền phải nộp tuỳ theo kích cỡ thùng hàng, thùng bé thì 10 nghìn, thùng to 20 nghìn đồng. Không đưa tiền cho nhóm người này, đừng mong ra khỏi bến.
Anh Hùng, một người thường phải đến bến xe Yên Nghĩa nhận hàng, phản ánh: “Thông thường mỗi tháng tôi đến đây lấy hàng 5 lần. Lúc nhà xe vận chuyển hàng xuống là kiểu gì cũng có người ra thu tiền. Thùng bé thì 10 nghìn đồng, thùng to 20 nghìn đồng. Có những hôm tôi nhận 6, 7 thùng phải đưa cho họ gần 100 nghìn. Nhà xe thấy còn xót ruột, bảo biết vậy chúng em đi đến gần bến rồi gọi anh ra lấy thì đỡ phải mất nhiều tiền thế này. Nhưng nếu trả hàng giữa đường thì lại sợ bị CSGT xử phạt. Biết là vô lí nhưng không dám phản ánh vì sợ lần sau đến bị trả thù”.
Anh Hùng cho biết thêm, nhóm người này trên danh nghĩa là chuyển đồ, có nghĩa ai nhờ chuyển hàng thì họ làm rồi thu tiền, nhưng thực tế kể cả không chuyển gì cho khách thì người nào muốn mang hàng ra khỏi bến cũng đều mất tiền. Có lần đã chở hàng ra khỏi gần bến xe anh Hùng vẫn bị nhóm người đó phóng xe đuổi theo đòi tiền.
Ngày 6/7, trước khi chuẩn bị đi nhận hàng ở bến xe Yên Nghĩa, anh Hùng gọi điện báo cho phóng viên để cùng đi theo tận mắt chứng kiến.
Chúng tôi đi hai xe máy vào trong bến. Vừa qua cổng, bảo vệ ở đây đã thu mỗi xe 5 nghìn đồng phí vào bến. Tiền ngay thóc thật, “dĩ nhiên” không có vé.
Vào bên trong, anh Hùng khẽ chỉ cho tôi nhận diện những người tham gia lấy tiền hàng hoá. Qua quan sát, tại bến xe Yên Nghĩa có đến hơn chục người làm việc này. Họ mặc quần áo bảo hộ màu vàng sẫm, bên cánh tay đeo một băng đỏ, ngồi khắp nơi trong bến xe.
“Ở đây đông lắm đấy, anh làm gì cũng phải cẩn thận, họ mà phát hiện là ăn đòn như chơi”, anh Hùng cảnh báo.
Qua gần nửa ngày quan sát, nhận thấy đúng như lời anh Hùng phản ánh. Hoạt động đếm thùng hàng rồi thu tiền diễn ra công khai. Đã có những vụ cãi vã xảy ra do có người mới không hiểu luật lệ này trong bến. Nhưng cuối cùng vị khách hàng cũng đành phải móc túi trả tiền vì “chả dại mà làm căng với đội bến xe bến tàu”.
Trong ngày, anh Hùng nhận một thùng hàng ở quê gửi lên. Trong lúc bê hàng từ ô tô cho lên xe máy, một người trong nhóm bảo kê đi đến “xin” anh 10 nghìn đồng, cho dù người này không chuyển đồ hay làm giúp anh Hùng việc gì cả.
Những hình ảnh trên đã được phóng viên quay lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho anh Hùng vì anh còn phải đến đây lấy hàng thường xuyên, chúng tôi chưa công khai.
Sau khi thu thập đầy đủ tư liệu về hoạt động bảo kê, thu tiền hàng bất chính tại bến xe Yên Nghĩa, phóng viên đã phản ánh lại với lãnh đạo bến xe. Vị giám đốc bến thừa nhận hoạt động trên là có và ông đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng “không hiểu sao” đến nay vẫn còn.