Ngày Phụ nữ Việt Nam là ngày mà bất cứ một người phụ nữ nào cũng mong đợi những lời chúc, những món quà nhỏ… Thế nhưng, ở góc khuất nơi thành thị, vẫn có những người phụ nữ hàng ngày phải chật vật mưu sinh để nuôi sống gia đình mà không biết đến ngày lễ tôn vinh họ.
Đi trên phố phường những ngày dịp lễ 20/10, dễ dàng bắt gặp rất nhiều người phụ nữ bươn chải trong đêm để kiếm sống, hỏi họ về ngày 20/10 của mình, hầu như chỉ nhận được nụ cười mệt mỏi hay thoáng chút chùng xuống trong ánh mắt. Những ai trải lòng, thì chỉ đơn giản mong rằng: Mong chồng không uống rượu như ngày hôm qua, mong bán được hết hàng để có tiền cho con đóng tiền học hoặc kiếm thêm được ít tiền chữa bệnh đau khớp…
Việc kiếm được bát cơm manh áo giữa nơi thành thị đất chật người đông không phải việc đơn giản. Mối lo “cơm áo gạo tiền” khiến họ quên rằng có một ngày mà họ xứng đáng được tôn vinh
Trong dịp lễ này, phụ nữ sẽ được nhận hoa, quà, lời chúc tặng, ướm thử những váy áo mới thì xung quanh ta vẫn có rất nhiều phụ nữ không có nhiều thời gian dành cho mình mà phần lớn thời gian dành để lao động kiếm sống. Đằng sau họ là một gia đình chờ bàn tay của mẹ, của vợ, ngày 20/10 đối với họ chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, nếu khác, chỉ khác rằng: “ngày này bán đắt hàng hơn”.
Ngày Phụ nữ Việt Nam, trên khắp các phố phường, đâu đâu cũng thấy những bông hoa tươi thắm. Đây là dịp mà bất cứ một người phụ nữ nào cũng mong đợi những lời chúc, những món quà nhỏ từ các ông chồng hay những người con hiếu thảo. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng may mắn được như thế. Ở góc khuất nơi chốn thành thị, vẫn có những người phụ nữ hàng ngày phải chật vật mưu sinh để kiếm sống. Họ là những chị lao công quét rác ở đường phố Hà Nội, là những chị công nhân cần mẫn, là những người thu mua ve chai, lạch cạch chiếc xe đạp cà tàng, lưng đẫm mồ hôi.
Tại khắp các ngõ chợ trong ngày ngày lễ 20/10 dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ phải đội gió, mưa bươn chải kiếm sống. Đối với họ, ngày lễ này dường như không tồn tại và khi được hỏi thì hầu hết đều có câu trả lời “chúng tôi biết ngày 20/10 là ngày Phụ nữ Việt Nam nhưng cũng không để ý nó đến và đi qua khi nào”
Chị Nguyễn Thị Hạ (quê Sơn La) khi xuống Hà Nội làm phụ hồ, không bị trêu ghẹo thì cũng phải hứng chịu những lời nói năng thô thiển của cánh đàn ông. làm được một thời gian, chị chuyển sang đi bốc vác ở chợ hoa quả Long Biên. Ban ngày, chị đi dọn nhà thuê, từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, chị ngồi ở khu chợ hoa quả, ai thuê gì thì bê vác đó, mỗi ngày cũng được trên dưới 200 nghìn đồng.
Có thời gian chị đi làm từ tờ mờ 2-3 giờ sáng, để ra khỏi mấy cái ngõ hun hút cũng gặp phải cơ man chuyện phức tạp. Ở xóm trọ nhỏ, đèn đường nhập nhoạng, dân cư phức tạp, hễ gặp mấy ông say rượu hay đám người hút chích ngả ngốn, vạ vật nơi hốc tường, bãi trống là chị thót tim vì sợ…
Đối với những người phụ nữ này, niềm hạnh phúc trong ngày Phụ nữ Việt Nam là có thể kiếm được nhiều tiền lo cho gia đình, con cái. Đằng sau lớp khẩu trang của họ là khuôn mặt gầy gò, khắc khổ, chất chứa bao nỗi lo lắng về gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền. Cũng như những người phụ nữ đồng cảnh ngộ khác, ngày 20/10 đối với chị là một điều xa xỉ.
Những người mẹ với hình ảnh tảo tần, vất vả sớm hôm luôn là hình ảnh đẹp trong tiềm thức mỗi con người.
Bươn chải ngược xuôi giữa dòng đời, trong mỗi người phụ nữ tha phương dường như chưa bao giờ có ý niệm về ngày 20/10, ngày tôn vinh những người phụ nữ, người mẹ, người chị. Với họ, ngày nào cũng là ngày phải bươn trải mưu sinh. Họ tất bật với những gánh hàng rong sờn vai áo, mồ hôi chảy dài trên những khuôn mặt đen sạm vì thời gian. Những chiếc xe đạp cũ kỹ, những chiếc rổ, đôi quang gánh là “cần câu cơm” nuôi cả mấy miệng ăn.
Như những nàng ong chăm chỉ kết hoa làm đẹp cho đời nhưng mối lo ‘cơm áo gạo tiền’ đôi khi khiến họ quên mất rằng có một ngày mà họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng và yêu thương.
Khi “một nửa của thế giới” hân hoan chào đón ngày 20/10 với những lời chúc yêu thương và những bó hoa tươi thắm từ người thân, bạn bè thì vẫn còn không ít chị em chẳng bao giờ biết hay nghĩ tới một ngày dành cho họ. Cuộc mưu sinh khiến nhiều người phụ nữ bắt đầu một ngày từ mờ sáng, với gánh hàng rong nặng trĩu hay đạp những chiếc xe đạp cũ kỹ đi cho đến khi đường phố lên đèn, thưa bóng người mới về.
Những khóe mắt khẽ cười, nhưng chắc chắn đó không phải niềm vui vì ngày 20/10 họ sẽ được tặng hoa, tặng quà, mà đó là niềm mong mỏi một ngày mới buôn may, bán đắt. Với những người phụ nữ tần tảo nắng mưa này, có lẽ mong ước lớn nhất trong ngày 20/10 của họ là sẽ bán được nhiều hàng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về phụ giúp chồng, chăm lo cho con ăn học.
Tôi cứ thầm mong, giá như có một phép màu, để tất cả những bà, những mẹ, những chị em gái trên khắp mọi miền đất nước, bất kể sang giàu, trí thức hay lao động, thành phố hay nông thôn đều biết đến cảm giác hạnh phúc trong ngày Phụ nữ Việt Nam!
Theo WTT