Giá vàng SJC ngày 6/7 đã thực sự tăng phi mã, tiếp cận mốc 40 triệu đồng/lượng, phá mọi kỷ lục trong vòng 3 năm.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đã có một ngày “mỏi tay” điều chỉnh giá khi kim loại quý này tăng liên tục tăng từ thời điểm mở cửa đầu giờ sáng. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, một lượng vàng trong nước đã tăng đến 2 triệu đồng.
Mỏi tay điều chỉnh giá
8h35 – giờ mở cửa phiên giao dịch đầu ngày, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở ngưỡng 37-37,5 triệu đồng, tăng 600.000 đồng so với đóng cửa ngày 5/7
Sau chỉ khoảng một tiếng giao dịch, doanh nghiệp này đã điều chỉnh tăng thêm 500.000 đồng mỗi lượng, đưa giá bán lên 38 triệu đồng.
Đến khoảng 10h, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh đến 38,6 triệu đồng và bắt đầu cơn sóng thay đổi giá.
Giá thay đổi chóng mặt từ đầu giờ chiều. Từ mức 37,9-38,8 (mua vào- bán ra) được niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 13h30, vàng được điều chỉnh bán ra lên 39 triệu rồi 39,2 triệu mỗi lượng.
Đến 15h30, giá vàng SJC của Tập đoàn DOJI niêm yết cho thị trường Hà Nội ở mức 38,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau, giá vàng lại đồng loạt được các doanh nghiệp, ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng tiếp.
Lúc 16h30, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào ở mức 38,8 triệu đồng /lượng mua vào và bán ra ở mức 39,82 triệu đồng/lượng. Cùng thời điềm này, TP Bank Gold niêm yết giá bán ra lên đến 40,1 triệu mỗi lượng, và mức giá này được đơn vị này duy trì cho đến chốt phiên.
Chốt phiên, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm nhẹ 100.000 đồng, đứng ở mức 39,7 triệu đồng mỗi lượng bán ra, mua vào ở 38,7 triệu đồng. Chênh lệch mua bán mỗi lượng vàng vẫn nới rộng đến 1 triệu đồng.
Tại Hà Nội, DOJI chốt phiên giao dịch với giá vàng SJC bán ra ở mức 39.72 – cao hơn mức giao dịch một ngày trước đó tới 2,22 triệu đồng/ lượng.
Như vậy là giá vàng trong nước đã lần lượt chinh phục các mốc 36 – 37 – 38 triệu đồng trong 3 buổi sáng liên tiếp, và tiếp tục vượt mốc 39 triệu để tiếp sát mốc 40 triệu một lượng trong buổi chiều nay. Đây là mức tăng khó ai ngờ tới. Với mốc 39,8 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng đã nhảy cóc tới 4 triệu đồng/lượng trong 3 ngày, và tăng đến 7,2 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong 1 tháng, nếu tính từ mức giá thấp nhất vào ngày 3/6 là 32,64 triệu đồng một lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng lúc 17h ngày 6/7 (giờ Việt Nam) đang được giao dịch ở mốc 1.370 USD/Ounce mặc dù ở thời điểm sáng qua đã xuống ngưỡng 1.340 USD/Ounce. Tính từ đầu năm tới nay thì kim loại quý này đã tăng tới 29%. Nhưng theo dự báo, mốc 1.370 có thể bị phá vỡ khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tháng 8/2016 các nhà đầu tư đang sẵn sàng mua với giá 1.374 USD/Ounce.
Sự bất thường của thị trường
Giá vàng tăng được cho là xuất phát từ sự kiện Brexit. Nhưng việc giá tăng mạnh trong ngày hôm nay còn đến từ những đồn đoán rằng, các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất thấp, khiến nhà đầu tư càng khẳng định triển vọng bi quan của kinh tế toàn cầu. Vì thế, nhu cầu mua vàng để trú ẩn lại tăng mạnh.
Nhìn lại diễn biến giao dịch với thị trường vàng trong nước, Phòng Kinh doanh Vàng – Tập đoàn VBDQ DOJI đánh giá: “Giá vàng trong nước dường như đang chưa biết đi đâu về đâu, khi giá thế giới leo dốc rồi lại đổ đèo”.
Đại diện của DOJI cũng cho rằng, với tâm lý hoang mang trước những thông tin đa chiều của thị trường vàng, trên thị trường đã hình thành tâm lý chạy theo đám đông hỗn độn với “người bán, kẻ mua”.
Trong 3 phiên trở lại đây, lượng khách mua vào có phần nhỉnh hơn thay vì bán ra chiếm chủ đạo ở những phiên trước.
Cũng vì vậy mà trong vòng một tháng qua, giá vàng trong nước từ chỗ thấp hơn giá thế giới đến 1 triệu đồng/lượng thì hiện tại đã cao hơn giá quốc tế tới 2,8 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Thế Hùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, người có 20 năm nghiên cứu về vàng và nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn chuyên về xuất nhập khẩu vàng MKS Finance SA tại Việt Nam, khuyên người dân nên bình tĩnh trước sự biến động quá mạnh quá giá vàng.
Ông Hùng nhận định, đã có sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong vòng một tuần qua. Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra lên tới một triệu đồng thể hiện sự bất thường, không hợp lý ở góc độ thị trường. Chênh lệch này cũng giúp các cơ sở kinh doanh vàng kiếm lời.
Vị chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét lại biến động này, để có những điều chỉnh cho hợp lý.
TS Hùng cũng nhắc lại lịch sử giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng một lượng ở thời điểm năm 2011 thì đã có sự đổ xô đi mua vàng, và sau đó giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, giá vàng Việt Nam tăng mạnh kể từ cuối tháng 6 đến nay là ảnh hưởng giá vàng thế giới và đây là xu thế chung.
Thực tế kể từ đầu tháng 7, lượng người dân đi mua vàng đã gia tăng đáng kể và có hiện tượng đầu cơ trở lại. Tuy nhiên, giá vàng trong nước khó tăng quá mạnh, do chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước hiện tại đã khá tốt, đặc biệt từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vàng ra đời đến nay.
Từ chính sách quản lý vàng tại Nghị định 24 đã khiến giá vàng trong nước thường xuyên thấp hơn giá thế giới trong một thời gian dài, chấm dứt được hiện tượng đầu cơ, buôn lậu vàng qua biên giới về Việt Nam. Ông Lực khuyên người dân nên bình tĩnh và xem xét thấu đáo để tránh hiện tượng đầu tư vàng theo đám đông.
Theo Zing