Theo thống kê mới nhất, hơn 4 triệu đàn ông Việt sẽ lâm vào cảnh ế vợ ngay từ năm 2018. Tư tưởng thích con trai hơn con gái trong quan niệm của nhiều gia đình, dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Việt Nam.
Chính lối suy nghĩ còn nhiều lạc hậu của các gia đình, thích con trai hơn con gái, và tìm mọi cách để có thể sinh con trai đã khiến cho dân số cả nước đang dần có sự chênh lệch rõ rệt.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Dân số, 55 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước có sự chêh lệch giới tính, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh với 112,8 nam/100 nữ. Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Dù đã có quy định cấm tiết lộ giới tính khi siêu âm nhưng bất chấp điều đó, nhiều cơ sở vẫn thông tin để tình trạng này diễn biến khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình cho biết, nếu thực trạng mất cân bằng giới tính, còn tiếp diễn như hiện nay thì khoảng 30 năm sau, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự chênh lệch giới tính nam hơn nữ khoảng trên 10%. Dự kiến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu nữ giới. Việc mất cân bằng này đồng nghĩa với chuyện 4,3 triệu nam giới có thể sẽ không lấy được vợ.
Nhu cầu có con trai được lý giải trong văn hóa nho giáo từ xưa là để nối dõi tông đường. Con trai mang tên dòng họ, có trách nhiệm kế thừa và xây đắp truyền thống và danh dự của gia đình. Con trai sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên. Không có con trai được xem như là một điều bất kính với tổ tiên. Con trai là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là các vùng nông thôn. Con trai kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già.
Tỷ số giới tính khi sinh cao trong 30 năm qua đã để lại những hậu quả xã hội ở Ấn Độ và Trung Quốc, điển hình là sự thiếu trầm trọng số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Ví dụ, những dự báo năm 2001 cho thấy Ấn Độ thiếu khoảng 36 triệu phụ nữ. Điều này đã tạo ra những căng thẳng trong xã hội tại các quốc gia này, với một số lượng lớn nam giới trẻ tuổi không có khả năng lấy vợ hoặc không có bạn tình.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc đã khiến nhiều nam giới ở đây buộc phải tìm cô dâu ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia Châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ, mà nguyên nhân của nó là do tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia này trong các thập kỷ trước.
Chính sự mất cân bằng về giới tính này sẽ kéo theo những hậu họa khó lường về các vấn nạn xã hội. “Cánh mày râu” sẽ khó có thể lấy được vợ, rơi vào tình trạng “ế vợ cục bộ”. Tình trạng thiếu phụ nữ sẽ nảy sinh ra vấn nạn mua bán trẻ em gái, phụ nữ, mại dâm…
Ngoài ra, để lấy được vợ, các chàng trai phải cạnh tranh nhau khốc liệt từ rất sớm thông qua việc trau dồi cho mình nhiều kiến thức, chăm chút vẻ bề ngoài, kỹ năng cưa bạn tình, tập rất nhiều môn thể thao và năng khiếu. Cuối cùng phải kiếm được thật nhiều tiền có sự nghiệp vững chắc thì may ra mới lấy được vợ. Sẽ tạo thành áp lực lớn ngay từ rất sớm cho các cậu bé khi còn nhỏ tuổi.
Theo phunuhiendai