Người không đi làm, ở nhà chăm con sẽ bị cho là “ăn bám”. Mà kẻ ăn bám thì không được coi trọng. Những quan niệm này đối với bà mẹ chăm con nhỏ chẳng khác nào xát muối vào lòng họ…
Câu chuyện ở nhà chăm con bị mang tiếng là ăn bám chồng luôn là đề tài được bàn luận sôi nổi trong các hội nhóm mẹ bỉm sữa. Hầu như bà mẹ nào cũng từng trải qua cảm giác bị coi là kẻ ăn bám trong thời gian ở nhà chăm con nhỏ. Có nhiều gia đình không tìm được người trông em bé cho mẹ đi làm nên thời gian 6 tháng đó sẽ kéo dài thêm 1- 2 năm. Đối với những gia đình có kinh tế khiêm tốn thì chuyện giữ bà mẹ ở nhà chăm con là phù hợp hơn thay vì phải thuê người trông trẻ, giúp việc.
Phụ nữ hay đàn ông gì cũng giống nhau ở chỗ: lúc nhỏ họ được cha mẹ thương yêu, cưng chiều cho đến khi lớn lên. Nhưng khác nhau là lúc lập gia đình, phụ nữ phải hy sinh rất nhiều cho gia đình chồng nhưng không được ghi nhận. Nếu như chúng ta cho rằng thời buổi này là nam nữ bình đẳng nhưng bình đẳng ở đâu không thấy, chỉ thấy ngay trong chính căn nhà của mình đã bị bất bình đẳng rồi. Các ông chồng nếu như cho rằng mình là trụ cột trong nhà, gánh vác kinh tế gia đình thì người vợ lại là người cực nhọc hơn rất nhiều lần và phải ngậm đắng nuốt cay chứ mấy ai dám lên tiếng than vãn. Phụ nữ Việt Nam mình giỏi chịu đựng lắm, cực khổ đến đâu cũng cắn răng chịu được vì chồng vì con. Vậy mà đàn ông có biết không hay chỉ cho rằng mình đã kiếm tiền thì vợ phải lo chu toàn mọi thứ còn lại, kể cả việc sinh và chăm sóc con?
Đã có không ít chị em sau thời gian dài nhẫn nhịn không được nữa thì mới lên mạng chia sẻ nỗi lòng:“Cay đắng quá, không ngờ anh ấy lại đối xử với mình như vậy”. Phụ nữ luôn là như thế, hy sinh, chịu đựng đến một lúc bị thất vọng, đau khổ rồi chẳng biết trách ai?
Bất cứ cặp vợ chồng nào cũng đều mong muốn mình có con, nhưng khi sinh con ra thì mọi trách nhiệm giao hết lên vai người vợ. Còn các ông chồng, họ ra đường kiếm tiền 8 – 9 tiếng một ngày là coi như hết bổn phận. Họ buộc vợ mình ở nhà chăm con, lo chuyện bếp núc nhưng những lúc bực tức lại buông lời miệt thị, cho rằng vợ mình là “kẻ ăn bám” khiến không ít chị em ấm ức đến rớt nước mắt.
“Kẻ ăn bám”, chỉ vỏn vẹn 3 chữ nhưng vô cùng nặng nề, vô cùng ê chề và thấp hèn đến mức chẳng chấp nhận được. Không hiểu vì sao những ông chồng, bố mẹ chồng hay những người khác họ nghĩ gì mà lại thốt ra được 3 chữ này. Ăn bám thì đồng nghĩa với việc không được tôn trọng và người vợ ăn bám trong mắt các ông chồng chắc hẳn là y như thế. Nhưng, hãy phân tích xem một ngày của “kẻ ăn bám” diễn ra như thế nào trong khi những ông chồng được ở trong môi trường máy lạnh sạch sẽ, quần áo tinh tươm và nghỉ ngơi đúng giờ.
Nếu như các ông chồng sẽ ngủ một giấc ngon và dậy đúng giờ để đi làm thì kẻ ăn bám đã thức một đêm 5,7 lần để trông con. Kẻ ăn bám phải giữ con cho người đi làm ăn cơm trước, phải làm tất tần tật việc nhà và phải đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho người đi làm về ăn. Kẻ ăn bám thì có thể không cần ăn sáng, cơm mỗi bữa có ăn ít 1 chút cũng không sao vì ở nhà thì đâu có mệt như người đi làm? Kẻ ăn bám thì vốn dĩ đâu có việc gì để làm có phải không?
Lịch trình một ngày của kẻ ăn bám kể sơ sơ thì là như thế này: sáng có thể nướng thêm 1 chút rồi dậy vệ sinh cho con, thay bỉm rồi nấu đồ ăn cho con. Tranh thủ lúc đồ ăn chín thì cho con uống vitamin, sau đó cho con ăn, cho uống, rồi trông con chơi. Trong thời gian con chơi, tranh thủ đặt nồi cơm, nấu đồ ăn cho gia đình, con mà quấy khóc thì tay bế tay nấu. Được cái cái con nhỏ thì lúc nào cũng quấy khóc, ngủ trưa một chút là lại đòi mẹ. Tối đến sau bữa cơm chật vật với con nhỏ thì tranh thủ tắm táp một chút rồi quay sang lo cho chồng, thu xếp vài thứ, giặt giũ, phơi đồ. Rồi đi ngủ thì một đêm thức dậy không biết bao nhiêu lần vì con quấy khóc và kẻ đi làm thì cần yên tĩnh để ngủ ngon. Một ngày của kẻ ăn bám mệt mỏi như thế đó!
Hầu như bà mẹ bỉm sữa nào cũng sẽ có hoàn cảnh tương tự nhau như thế. Bởi mới nói, chăm con là chuyện không của riêng ai, cũng không có ai được ưu ái nên đừng tùy tiện gọi người ở nhà chăm con là KẺ ĂN BÁM. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ không phải làm việc gì cả, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác, họ sung sướng.
Kẻ ăn bám là luôn phải đối diện với những thứ thật sự mệt mỏi. Vì không phải lúc nào con cũng khỏe mạnh vui tươi, không phải lúc nào con cũng tự chơi, không phải lúc nào con cũng ngoan. Con hay bày bừa, phá phách, cào xé mọi thứ. Chưa kể những lúc con ăn, ị, nôn ói khắp mọi nơi, nghịch đủ thứ, con rúc chỗ nọ chỗ kia, con ăn vạ, con ngang bướng,… Chưa kể có những lúc đầu óc không còn bình tĩnh được nữa, cảm giác muốn nổ tung thật sự. Đã vậy, đầu tóc, quần áo đâu phải lúc nào cũng thơm tho. Hầu như lúc nào cũng ở trong trạng thái bù xù, lôi thôi, hôi hám và tâm trạng cáu gắt khó tính. Nhưng nếu những kẻ ăn bám chưa kịp làm việc gì thì sẽ có câu hỏi: “Ở nhà làm cái gì mà…!”. Ừm, những kẻ ăn bám đâu có làm gì đâu, chỉ ngồi chơi cả ngày và đợi chồng đem tiền về thôi mà!
Những kẻ ăn bám đã hy sinh như thế, một ngày có 24 tiếng mà đã quần quật suốt 20 tiếng thì thử hỏi có người đi làm nào cực như những kẻ ăn bám này không? Thế mà họ chẳng hề đòi lương, chẳng hề tị nạnh, chẳng đòi được cảm ơn và những lúc mệt mỏi nhất, áp lực nhất mới lên tiếng than vãn đã bị cho là lười biếng, vô dụng, tính toán so đo với chồng. Chưa kể xấu xí một chút đã bị chồng chán chồng chê, ra ngoài tòm tèm với gái trẻ đẹp ngay. Còn gia đình chồng, những người xung quanh sẽ bàn tán, đánh giá những kẻ ăn bám này mà không một lần thương xót, cảm thông cho họ.
Vậy đấy, người phụ nữ sinh ra đã khổ, càng lớn lại càng khổ. Nhưng nếu họ gặp được người đàn ông biết yêu thương, hết lòng chăm sóc họ thì họ được an ủi phần nào. Còn nếu không là coi như ngậm bồ hòn làm ngọt. Những người đàn ông ơi, nếu có đọc được bài viết này thì hãy coi trọng người phụ nữ của mình. Hãy ở bên cạnh, phụ giúp cô ấy những việc lớn nhỏ, thông cảm và hiểu cho nỗi lòng của họ chứ đừng đứng ngoài cuộc mà phán xét. Các anh cũng quên ngay việc gắn 3 chữ “kẻ ăn bám” đối với vợ mình đi. Bởi không có cô ấy tình nguyện làm hậu phương vững chắc thì các anh có được nhà cửa sạch sẽ êm ấm, quần áo tinh tươm, cơm ngon canh ngọt và yên tâm làm việc hay không? Chưa kể cô ấy còn hy sinh tuổi xuân để sinh cho các anh những đứa con bụ bẫm, ngoan ngoãn mà không đòi hỏi gì. Không có cô ấy, liệu các anh có được mái ấm hạnh phúc hay không?
Đàn bà ở nhà chăm con không phải ăn bám, mà họ là những người vợ, người mẹ tuyệt vời, nhớ nha!
Theo Oxii