Cha ông ta xưa nay vẫn thường nói: “Khôn đâu có trẻ, khỏe đâu có già”, những lời của người xưa đều là những lời mang hàm nghĩa thâm sâu được đúc kết từ kinh nghiệm bao đời để lại.
Trên đời này người tài hoa không thiếu mà người thành công lại chẳng được mấy ai. Tại sao? Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu nhất chính là không thấu hiểu được hàm nghĩa sâu xa của những lời cha ông để lại.
Người già trải qua nhiều sự việc, đi qua nhiều con đường, những sự việc trải qua cũng chẳng hề ít. Đối với việc nhận biết thế giới, họ là những người có sự hiểu biết thâm sâu. Vậy nên trí huệ ẩn chứa trong những lời tiền nhân để lại rất đáng để mỗi người trong chúng ta học tập và lĩnh hội. Làm người đối nhân xử thế phải đối đãi ra sao, chuẩn mực đạo đức đo lường thế nào, nhân tín, lễ nghĩa… đều là chuẩn mực đối chiếu.
Dưới đây là 12 lời dạy vô cùng thâm thúy của cổ nhân mà mỗi người đều nên tham khảo:
1. Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư
Không nghe lời tiền nhân, chịu thiệt trước mắt đó là việc xưa nay không hiếm. Lời của các bậc tiền nhân, câu câu chữ chữ truyền lại đều là gốc căn của trí huệ. Thực tiễn chính là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm định chân lý, mỗi câu nói của tiền nhân đều qua thực tiễn bao đời đúc rút ra. Những người dùng lời tiền nhân để nhắc nhở ta cũng chính là những người thân thích của ta, chúng ta không thể không cân nhắc.
Các bậc tiền nhân đều là những người đã trải qua muôn vàn khổ cực, muôn vàn con đường và muôn vàn kinh nghiệm thực tế. Vậy nên đối với nhận thức xã hội của thế giới này họ sớm đã nhìn thấu được chân lý.
2. Làm người mà không có lợi thì không dậy sớm
Ý nói rằng con người ai cũng có bản tính tránh khổ tìm sướng, thế nên chỉ khi nào có lợi ích họ mới chịu thức khuya dậy sớm để nỗ lực. Người với người hợp tác với nhau, cùng nhau sinh tồn thì cần phải xem đến yếu tố lợi ích, trong xã hội chúng ta không đâu là rời tách khỏi yếu tố lợi ích này.
Con người ai ai cũng theo đuổi lợi ích, người theo đuổi thứ này, người theo đuổi thứ khác, cũng giống như nước chảy chỗ trũng chẳng thể nào dừng. Theo đuổi lợi ích đó là bản năng của con người, chúng ta chẳng thể nào thanh trừ tận gốc nó được. Vậy nên chúng ta chỉ có thể dẫn đạo, là điều chúng ta vẫn gọi là: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”. Người quân tử yêu quý tiền bạc nhưng luôn biết thủ giữ chữ đạo làm người, vậy nên người quân tử chỉ kiếm những đồng bạc chính nghĩa, chứ không kiếm thứ tiền bạc bất nhân.
3. Tài do đức dưỡng, trí do tâm sinh
Người muốn kiếm tiểu tài thì dựa vào sức, kiếm đại tài thì lại phải dựa vào đức. Người mà đức không nhiều, tâm không thiện thì chẳng thể có được đại tài (giàu có). Cổ nhân có câu: “Hậu đức tải vật”, chỉ một người có đức đủ lớn mới có thể dung chứa được vạn vật. Muốn kiếm tiền, muốn phát tài thì trước tiên tu dưỡng tâm tính bản thân. Một người chỉ khi có đủ đầy đức hạnh thì mới có được tài phú tròn đầy.
Trên đời không có việc gì khó, khó là khó ở lòng người, có tâm ắt có hành động, có yêu ắt có phó xuất, có mơ ước ắt có hy vọng. Con người nhẫn nại bao nhiêu thì có được sức chịu đựng bấy nhiêu, có định lực bấy nhiêu, mấu chốt cũng lại là ở chỗ dụng tâm. Tâm chân thành, trời kính đất nể, người tương thân mọi việc thuận dòng.
4. Thà làm người nghèo mệnh chứ không nên làm người nghèo tướng
Nghèo tướng ở đây là nói đến người sống ki bo tủn mủn. Tương phản, một người có phú tướng thì dù sinh ra trong cảnh cơ hàn cũng không hề phải sợ, làm người thì hơn nhau ở chỗ khí chất, không thể vì lợi mà bán rẻ tự tôn của mình. Tuy nhiên người nghèo tướng lại sẵn sàng vì lợi mà bán đi tự tôn của mình, bán rẻ lương tâm, đây chính là điều đáng sợ. Người mà nghèo tướng thì dù có tiền bạc đầy nhà cũng người đời chán ghét, bạn bè xa lánh.
Còn người nghèo mệnh thì có thể thông qua sự tu dưỡng bản thân, nỗ lực làm việc, hành thiện tích đức mà dần bồi đắp để cải biến vận mệnh của mình.
5. Trong tâm có ân, trong mệnh có phúc
Nhân sinh tại thế, điều quan trọng là cần phải sống với lòng biết ơn, biết cảm ơn vạn sự vạn vật và người thân đã nuôi ta khôn lớn, cũng như tương trợ chăm nom. Một người mà biết nhớ đến công ơn người khác thì ắt cũng là người tốt, người lương thiện, tất nhiên sẽ được trời đất chứng minh mà bồi đắp hạnh phúc vuông tròn.
Có câu: “Nhân vô thập toàn”, vậy nên làm người thì nên nhớ điểm tốt người khác và bao dung điểm xấu của người. Có như vậy mới có thể sống mỗi ngày đều là một ngày vui, một ngày ý nghĩa không uổng phí. Ngược lại nếu như sống mà chỉ nhớ đến điểm xấu của người khác thì ắt sẽ bị u buồn đêm ngày đeo bám. Có câu: “Làm người mà luôn nhớ đến sai lầm của người khác cũng chính là tự đeo gông cùm cho chính mình”.
6. Đừng vì ngủ không ngon mà trách giường cong gối cứng
Việc trên đời thì phân ra ba loại: Việc của trời, việc của người, và việc của chính mình. Làm người đừng có đem việc của mình đẩy cho trời cao, cũng như đẩy lên thân kẻ khác. Nếu như vấn đề là ở tự thân thì phải tự thân xử lý, đừng tìm người mà đùn đẩy hay cậy nhờ. Có câu “vạn sự tùy tâm khởi, vạn sự tùy tâm diệt, cảnh tùy tâm sinh, việc tùy tâm biến”, chỉ có cải biến chính mình mới có thể thay đổi được gốc rễ vấn đề.
7. Sống thì làm, chết mới buông
Làm người thì sống một ngày, nỗ lực một ngày, cố gắng nỗ lực đến phút cuối cùng mới gọi là kết thúc. Câu nói này nghe có vẻ bi quan nhưng nó lại là triết lý, ai sinh ra trong đời mà không vậy chứ?
Cuộc sống kỳ thực rất giản đơn, khi cần làm việc thì làm việc, khi cần nghỉ ngơi thì nghỉ ngơi, khi cần ăn cơm thì ăn cơm, cũng như mặt trời lên, rồi mặt trời lặn. Cuộc sống chính là từng ngày trôi qua như thế.
Cuộc sống cũng lại rất phức tạp, ân ân, oán oán muôn đời luôn tồn tại. Người nghĩ thông thì coi là dư vị thế nhân, người bế tắc thì đất trời rung chuyển, tất cả đều do tâm người tuyển trạch. Sống thì chỉ có dựa vào trí huệ và sự lao động của chính mình, có như vậy mới ung dung tự tại.
8. Phúc hay họa đều từ miệng mà ra
Người có tu dưỡng thì nghe nhiều nói ít, lúc cần nói thì mở miệng đôi câu, khi không cần thì không nên loạn ngữ. Ở đời thì chỉ có những kẻ hiểu ít mới thích nói nhiều, tự kiêu tự đại thể hiện bản thân. Lão Tử có câu: “Đại trí nhược ngu”, người càng thông minh thì càng có vẻ ngoài khờ khạo ngốc nghếch, người càng khéo léo lại càng như người vụng về thô lỗ. Người thực sự có bản sự và tài năng thì những lúc bình thường lại luôn có vẻ như chẳng chút tích sự gì, còn người dốt nát lại luôn muốn thể hiện hơn người.
Vậy nên bất luận làm việc gì thì cũng cần phải phải chú ý miệng lưỡi của mình, trăm cái họa, ngàn cái nạn cũng đều khởi nguồn từ cái miệng. Có câu:
“Cái thân làm tội cái đời, cái miệng nói làm thành lời hại thân
Bao nhiêu tội họa đường trên, đều có cái miệng mới cần phải tu”.
9. Tiền bạc công minh, ái tình dứt khoát
Làm người thì đừng vì tiền bạc mà mất đi tình cảm. Vẫn biết người trong giang hồ, thân bất do kỷ, ở đời thì người ở đâu thì có tranh chấp lợi ích, có thị phi ở đó. Tuy nhiên tình cảm, nhân cách mới làm nên được mối chân tình, chứ tiền bạc thì nay còn mai mất, chẳng thể làm nên tình cảm, có chăng cũng chỉ là thứ tình cảm như bọt nước phù vân.
10. Thà im lặng để người khác nghi ngờ mình không biết, còn hơn là mở miệng để người khác chứng thực mình thực sự không biết
Kỳ thực câu nói này rất triết lý, đáng để cho mỗi chúng ta suy ngẫm. Thường thì một người thích nói về bản thân điều gì thì chính là họ đang thiếu điều đó. Ví như người không có học thì lại thích khoe tài trí, người không tiền lại tỏ vẻ làm sang. Biết nói chuyện chỉ là một loại năng lực, nhưng biết im lặng lại là thể hiện trí tuệ.
11. Lòng rộng một tấc thì được lợi ba phân
Tâm người rộng bao nhiêu thì đường rộng bấy nhiêu, lòng người hẹp bao nhiêu thì đường cũng hẹp bấy nhiêu. Phàm làm người đối nhân xử thế mà có thể khoan dung độ lượng sẽ khiến trên có người nhường, dưới có kẻ kính. Giữa dòng đời bôn ba, gặp việc, đối nhân nếu chúng ta có thể nhẫn xin hãy nhẫn, có thể nhường xin hãy nhường. Có câu: “Nhẫn một bước sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”.
Xã hội phức tạp, lòng người đa đoan, học được cách thích ứng với người, đừng bắt người thích ứng với chúng ta. Làm người bất lộ sơn cũng bất lộ thủy, thông minh tự mình biết, tài hoa tự mình hay, không nhất thiết phải tự chứng minh bản thân mình. Hoa thơm thì bướm ắt tự tìm, bản thân mình có năng lực người khác ắt cũng tự nhìn ra đâu cần ta phải nói. Người có thể khiêm nhường được như vậy thì sẽ được người người tôn kính, người người thương yêu, khi gặp khó khăn cũng ắt được người người tương trợ.
12. Ngày cười ba lần không cần thuốc
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, người có thể lạc quan yêu đời thì ắt bệnh tật cũng lìa xa. Vậy nên mệnh tốt không bằng tâm thái tốt, lòng người khoáng đãng, tính cách hài hòa có thể dung nạp vạn sự vạn vật.
Sống khoáng đãng cũng là sống rộng lượng, bao dung, vậy nên khoáng đãng cũng là một mỹ đức mà chúng ta cần có, là một cảnh giới sống lạc quan. Chỉ người có thể lạc quan đối đãi với mọi việc mới có thể vui vẻ tươi cười, một cảnh giới cao thâm mà không phải ai cũng có được, chỉ những người thực sự có trí huệ hơn người mới có thể đạt tới.
***
Lời của tiền nhân mộc mạc mà hàm nghĩa lại cao thâm, tuy gần gũi lại chẳng kém phần cao quý. Nhân sinh tại thế, nếu như chúng ta có thể thấm nhuần được những cổ huấn mà tiền nhân để lại thì đường đời mười phần khó khăn cũng giảm được bốn, năm phần…
Theo PNGD