Để phân biệt được đâu là người quân tử, đâu là kẻ tiểu nhân không hề dễ, nhưng cũng chẳng phải việc quá khó. Bạn chỉ cần để ý xem giữa cách họ nói và cách họ làm có tương đồng với nhau hay không là biết rõ.
Có một lần, Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, lời nói của tiểu nhân có đặc điểm chung gì không? Làm thế nào mới có thể phân biệt được người quân tử và kẻ tiểu nhân?”.
Khổng Tử trả lời: “Quân tử dùng hành động của mình để nói, lời nói đi đôi với việc làm, đều chiểu theo đạo lý thánh hiền; tiểu nhân chỉ là trổ miệng lưỡi, yêu cầu và chỉ trích người khác nhưng chính bản thân thì lại không làm được”.
“Quân tử thành thật đối đãi với người khác, khi biết bạn bè có những hành vi không phù hợp với nhân nghĩa đạo đức, thì sẽ dùng lời lẽ nghiêm khắc để khuyên bảo, và cũng khuyến khích những người xung quanh hướng thiện, tất cả đều xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và sự yêu mến đối với người khác; tiểu nhân có điểm chung là đều dựa trên cơ sở tác loạn, ngoài mặt thì tỏ vẻ bằng lòng nhưng sau lưng lại là công kích lẫn nhau”.
Khổng Tử còn nói: “Quân tử lo nghĩ về hành đạo, tiểu nhân nghĩ về lợi ích”. Chính là nói những sự việc mà quân tử và tiểu nhân nghĩ ở trong lòng mỗi ngày đều là khác nhau.
Quân tử sẽ không như nước chảy bèo trôi, càng không thông đồng làm loạn, chuyện bận tâm mỗi ngày là làm thế nào để hành đạo nghĩa; điều tiểu nhân nghĩ đến chỉ là hạn cuộc trong không gian lợi ích cá nhân của mình.
Quân tử trong tâm luôn giữ phép tắc thủy chung, hành xử chừng mực, không vượt quá giới hạn; tiểu nhân thì luôn suy xét đến lợi ích cá nhân, trong đầu chứa toàn là những thứ nhờ vả, lợi dụng người khác, làm sao để kiếm được món hời.
Lời nói và việc làm của mỗi người đều từ tâm mà sinh ra, quân tử có tấm lòng nhân ái, hành xử theo đạo lý, vì thế ngôn hành đương nhiên là thiện lương nhân hậu, được mọi người yêu mến.
Khi nơi nào đó xuất hiện một chính nhân quân tử với thiện niệm thuần chính, thì tự nhiên tạo ra được ảnh hưởng đến cả vùng, có khả năng khôi phục lại đạo đức lương tri, mang lại thuần phác, mỹ đức cho nơi đó.