Kiên trì là một yếu tố quan trọng trong việc thành công nhưng hiếm người có được. Vì vây phải trau dồi qua thời gian và rèn luyện.
Thành công là điều bất kỳ ai cũng đều mong muốn có được trong cuộc sống. Đó có thể là thành công trong sự nghiệp, trong xây dựng gia đình hay thực hiện ước mơ, hoài bão. Nhưng có một thực tế tại sao có những người đã cố gắng tột độ nhưng vẫn thất bại? Tại sao những người thất bại chiếm đa số so với một số ít những người thành công?
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới thành công là sự kiên trì, thứ mà hiếm người có được. Kiên trì là một trạng thái tinh thần, vì vậy nó có thể được trau dồi và rèn luyện. Vậy làm sao những người thành công, những tỷ phú hay nhà khoa học vĩ đại có thể rèn luyện được đức tính này. Tác giả nổi tiếng Napoleon Hill chỉ ra rằng, lòng kiên trì dựa trên những động cơ cơ bản sau:
1. Mục đích rõ ràng
Biết mình muốn gì là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phát triển lòng kiên trì. Một động cơ mạnh mẽ luôn giúp ta vượt qua được nhiều ghềnh thác. Thông thường khi được làm việc mình lựa chọn có phương hướng, đường đi rõ ràng sẽ khiến con người tự tin vào quyết định của mình khi phải đối mặt với thử thách
2. Khát vọng
Lòng kiên trì có thể đạt được và duy trì khá dễ dàng nếu bạn theo đuổi một mục đích mà bạn khao khát mãnh liệt. Trong cuốn sách The Art of the Deal (tạm dịch: Nghệ thuật thương lượng), ông trùm bất động sản Donald Trump từng viết: “Tôi không thực hiện thương lượng vì tiền. Bởi tôi không những đã có đủ tiền mà còn có nhiều hơn mức tôi cần. Tôi thực hiện thương lượng vì lòng yêu thích”. Động lực khiến ông trùm này thực hiện những thương vụ táo bạo không phải vì tiền mà là khát vọng mong muốn đem lại những công trình có giá trị, cung cấp dịch vụ giải trí tới mọi người.
Tất nhiên khi theo đuổi khát vọng lớn và làm tốt công việc, bạn sẽ được trả công xứng đáng. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân mình bạn đang khát vọng nhất điều gì và đi theo tiếng gọi của nó.
3. Sự tự lực
Có một sự thật hiển nhiên là thành công của người này không thể trao tặng hay truyền lại cho người khác, đây là tài sản đặc biệt của mỗi người. Bạn không thể nhìn vào thành công của người khác và ao ước mình cũng được như thế mà không cần tự nỗ lực thực hiện. Tin vào khả năng của bản thân có thể tiến hành một kế hoạch khuyến khích bạn theo đuổi kế hoạch đó với lòng kiên trì.
4. Có kế hoạch rõ ràng
Khi bạn xác định được mục tiêu rõ ràng, có khát vọng cháy bỏng và sự nỗ lực thì một kế hoạch rõ ràng là đường đi tiếp theo hướng bạn tới thành công và giúp bạn vượt qua những khó khăn, chán nản, kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Những kế hoạch được tổ chức, dù lỏng lẻo và hoàn toàn không thực tế, cũng khuyến khích được lòng kiên trì.
5. Có hiểu biết đúng đắn
Biết được rằng những kế hoạch của mình là đúng đắn dựa trên kinh nghiệm và sự quan sát cũng khuyến khích lòng kiên trì, “suy đoán” thay cho “hiểu biết” sẽ tiêu diệt sự kiên trì. Điều này cũng giống như đi việc bạn đi tới đích nhờ có bản đồ định hướng sẽ tốt hơn là phỏng đoán hướng đi.
6. Sức mạnh ý chí
Thói quen tập trung suy nghĩ vào xây dựng kế hoạch để đạt được một mục đích rõ ràng cũng dẫn đến lòng kiên trì.
7. Thói quen
Lòng kiên trì là kết quả trực tiếp của thói quen. Jim Ryun từng phát biểu: “Động lực là thứ giúp bạn bắt đầu. Thói quen là thứ giữ cho bạn tiếp tục bước tới.” Vì vậy hãy rèn luyện những thói quen tốt từng bước một. Những thói quen tốt như tư duy tích cực, kiên nhẫn hay kỷ luật sẽ khiến bạn trở nên kiên trì đi tới đích phía trước thay vì dễ dàng bỏ cuộc như những người làm ngẫu hứng.
Hãy tự khám phá bản thân bạn và xác định xem những động lực nào bạn còn thiếu để có được phẩm chất quan trọng này.
Vậy xây dựng lòng kiên trì có khó hay không? Sau khi hiểu các động lực đằng sau phẩm chất này, bạn có thể xây dựng thói quen kiên trì bằng 4 bước cần thiết sau:
Bước 1: Một mục đích xác định được hậu thuẫn bởi một khát khao cháy bỏng nhằm thực hiện nó.
Bước 2: Một kế hoạch rõ ràng được thể hiện ua những hành động liên tục.
Bước 3: Một tâm trí miễn dịch với những ảnh hưởng tiêu cực và gây nản lòng, bao gồm cả những lời bình phẩm thiếu tích cực của họ hàng, bạn bè hay những mối quan hệ quen biết.
Bước 4: Kết giao thân thiện với một hay nhiều người cùng chí hướng sẽ khuyến khích bạn tiếp tục theo đuổi kế hoạch cũng như mục đích của mình.