Nếu xung quanh bạn có những người không quân tử, hãy tỉnh táo và áp dụng các biện pháp được gợi ý dưới đây.
Phân biệt người quân tử với kẻ tiểu nhân
1. Quân tử kết giao từ tâm, tiểu nhân kết giao vì lợi ích
Người quân tử không bao giờ muốn kết bè kéo cánh nhưng ngược lại, kẻ tiểu nhân luôn có một đám bạn bè “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Người quân tử kết bạn xuất phát từ tấm lòng, sự trân trọng dành cho nhau còn kẻ tiểu nhân kết bạn vì một hay nhiều cái lợi nào đó. Vì thế nên với người quân tử, bạn bè quý ở chữ tinh (tinh túy), còn với tiểu nhân, bạn bè quý ở chữ đa (nhiều).
Và cũng vì thế nên kẻ tiểu nhân không bao giờ có bạn bè chân chính. Đối với họ, lợi ích bản thân cao hơn tất cả. Chỉ cần nhu cầu, lợi ích bị đụng chạm, họ sẽ coi bạn là thù.
Nếu như xung quanh một ai đó chỉ toàn là bạn rượu thịt, chẳng nghi ngờ gì nữa, đó khó có thể là một người quân tử.
2. Người quân tử thể hiện lòng biết ơn bằng hành động, kẻ tiểu nhân chỉ biết nói lời chót lưỡi đầu môi
Những người có nội tâm nhân đức luôn sẵn sàng dùng hành động để biểu thị lòng biết ơn, sự cảm ơn nhưng kẻ tiểu nhân thì chỉ giỏi “võ mồm”.
Nhận được ân huệ từ người khác, người quân tử sẽ cảm kích từ trong tâm và họ sẽ dùng hành động thực tế để báo đáp. Nhưng kẻ tiểu nhân khi nhận được ân huệ của người khác thì cảm thấy mình “hời” và nghĩ cách làm sao để có thể chiếm nhiều hơn nữa mà hoàn toàn chẳng nghĩ đến việc trả ơn.
3. Người quân tử suy nghĩ cho đám đông, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ cho bản thân
Người quân tử biết nghĩ cho mọi người, khiến mọi người vui vẻ thoải mái trong khi kẻ tiểu nhân chỉ biết lấy lòng cấp trên để mưu lợi cá nhân.
Chọn cách suy nghĩ cho đám đông, đồng thời vẫn không quên nghĩ cho cấp trên, đó là biểu hiện của người có nhân phẩm tốt. Họ sẵn sàng làm mọi việc quan tâm, giúp đỡ những người khác trong khi những người có nhân phẩm tệ chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của bản thân.
4. Người quân tử không thể chịu được sự xúc phạm về mặt tinh thần, kẻ tiểu nhân không thể chịu được sự thiệt thòi về mặt vật chất
Với kẻ tiểu nhân, họ có thể bán rẻ nguyên tắc và trở thành người sống chẳng có một chút lòng tự tôn nào nhưng người quân tử thì không bao giờ làm vậy.
Một người quá xem trọng giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần, việc bán đứng nhân cách hay nguyên tắc để đổi lấy lợi ích là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và đó chính là một kẻ tiểu nhân thực thụ.
Ngoài ra, những kẻ tiểu nhân còn có thêm các biểu hiện khác như:
Thích nịnh nọt người khác, ngồi chỗ nọ nói xấu chỗ kia, gió chiều nào xoay chiều đó, có sở trường là đổ vấy trách nhiệm cho người khác, bịa chuyện đặt điều và rất giỏi trong việc tranh thủ lúc người khác gặp nguy, bồi thêm cho họ nhát dao chí mạng, giẫm lên vai họ để đạt được mục đích của mình…
Đề phòng tiểu nhân bằng những cách nào?
1. Không nhân nghĩa với kẻ tiểu nhân
Với kẻ tiểu nhân, có lẽ chúng ta không nên quá lương thiện. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, với người quân tử, ta đối đãi theo cách dành cho người quân tử, với kẻ tiểu nhân, ta đối đãi theo cách dành cho kẻ tiểu nhân, miễn sao trong lòng không hối hận là được.
2. Không nhu mì mềm yếu trước kẻ tiểu nhân
Tiểu nhân sở dĩ là tiểu nhân bởi họ thường có xu hướng bắt nạt những người yếu đuối và sợ những người cứng rắn.
Gặp phải người cứng rắn hơn, họ thường thu người lại. Vì thế, với kẻ tiểu nhân, chúng ta không nên tỏ ra sợ hãi mà cần cứng rắn, mạnh mẽ, để họ biết bạn không phải là người dễ bắt nạt.
Kẻ tiểu nhân không giống với kẻ ác. Kẻ ác có tâm địa hiểm độc nhưng kẻ tiểu nhân thì khác, họ sẽ trở nên thật thà và ít nguy hiểm hơn nếu gặp người mạnh hơn mình.
3. Giữ khoảng cách, giữ mình trước kẻ tiểu nhân
Sống chung một môi trường với kẻ tiểu nhân, nên không thể tránh được sự va chạm thì điều nên làm nhất chính là giữ mình, giấu mình. Đừng dễ dàng bộc lộ quan điểm của bản thân, cũng không nên để họ biết mọi điều về mình, không nhận xét ai xung quanh trước mặt họ.
Bởi lẽ những lời nói vô tư của bạn rất có thể sẽ trở thành vũ khí mà những kẻ tiểu nhân sẽ sử dụng để chống lại chính bạn.
4. Không tranh luận với kẻ tiểu nhân
Tiểu nhân không nói chuyện đạo lý, nói chuyện nguyên tắc với họ chẳng có ý nghĩa gì. Vì thế trước mặt tiểu nhân, không cần phải giảng giải đạo lý, điều đó chỉ khiến họ thêm hận bạn chứ chẳng ích gì.
Điều nên làm nhất là không nên lãng phí công sức tranh luận với họ, việc ai nấy làm, đường ai nấy đi, đó là lựa chọn tối ưu.
Theo soha