Con người ta cần phải biết học cách đối mặt với cái chết, và làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống, cho cộng đồng trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Có một lần, ghé thăm blog của cậu bạn cùng tuổi, thấy bạn có một bài thơ nói về những nguy hiểm luôn rình rập mỗi chúng ta trong cuộc sống này, tôi bất giác giật mình khi nhận ra trong nhịp sống của xã hội hiện đại này, không ít người luôn mang trong mình một cảm giác chông chênh khi cảm nhận được về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Chẳng phải vậy sao, khi ngày nào mỗi chúng ta cũng nghe nhan nhản trên đài báo, tivi tin tức về những người đang lặng lẽ nói lời từ tạ trần gian… Có người chết vì tai nạn, vì cãi cọ, đâm chém, thù hằn; vì thất tình, chán nản; vì bon chen kèn cựa, cạnh tranh nhau một quyền lợi hay một vị thế nào đó trong cuộc sống dẫn đến hãm hại lẫn nhau; vì bệnh tật hiểm nghèo không cách chữa – và thậm chí là có thể chữa nhưng gia đình quá nghèo, không thể trang trải nổi, đành bất lực nhìn những người thân của mình từ từ ra đi…
Rồi lại có những cái chết đớn đau vì miếng cơm manh áo – giống như trường hợp của một đôi vợ chồng trẻ mà hôm vừa rồi về thăm quê, tôi được nghe mọi người kể lại: Xe máy chất đầy mấy bao tải rau, chồng chất lên nhau, vợ ngồi ở đằng khung xe trước, đi trên đoạn đường nhỏ, gặp một đống gạch nhà ai đó xếp cản lối, người chồng đánh tay lái ra để tránh, chẳng may xe trượt ngã, lao đầu xuống một con mương thoát nước nhỏ bên đường… Đầu xe cắm xuống bùn cùng hai con người bất hạnh, và những tải rau nặng đè lên, không thể thoát được ra. Hai vợ chồng nọ chết ngạt – với một thai nhi 2 tháng tuổi trong bụng và để lại giữa cuộc đời một đứa con khác mới lên 2 tuổi.
Phải vì cuộc sống này quá chật chội và ngột ngạt như thế, đầy những sự ích kỷ và tham lam nên luôn có những người chọn cách đi ra khỏi thế gian, mà tìm cho mình một chốn khác bình yên hơn chăng?
Có một lần, ông thầy dạy của tôi đã kể cho nghe câu chuyện về một người đàn ông may mắn thoát chết trong một chuyến bay do trục trặc của một bộ phận nhỏ trên máy bay. Chỉ khi hạ cánh an toàn trên mặt đất, nhịp tim ông mới đập bình thường trở lại được. Ông vội vã về nhà, gặp vợ và con gái đang cắm nến sinh nhật. Ông kể cho vợ và con nghe về chuyến bay định mệnh vừa rồi, về sự lo lắng không chỉ cho tính mệnh của mình mà cho cả cuộc sống của vợ và con… Vợ ông mỉm cười với một câu nói: – Mọi chuyện cuối cùng đều đã qua, tốt đẹp rồi phải không anh? Anh lên gác chuẩn bị rồi xuống đón khách với mẹ con em.
Người đàn ông lê từng bước chậm chạp lên gác, ngồi giữa căn phòng tối cô đơn. Ông chợt nhận ra, vợ và con gái không hề quan tâm tới câu chuyện mà mình vừa kể… Trong khoảnh khắc ông thấy mình cô đơn ghê gớm, như bị bỏ quên, lạc lõng giữa thế gian, và ngay trong căn nhà nhỏ ấm cúng của mình. Cho đến khi chị vợ chờ lâu mà không thấy chồng xuống, chạy lên thì thấy ông đã treo mình lủng lẳng trên một sợi dây thừng…
Câu chuyện muốn nói về sự quan tâm dành cho nhau trong cuộc sống là cần thiết biết bao nhiêu. Không cứ phải là những điều gì quá ư là lớn lao và to tát. Chính những cử chỉ, những sự quan tâm bình dị, giản đơn lại mang lại cho người khác nhiều cảm động và trân trọng!
Có phải con người ta trong cuộc sống này, ai cũng mải mê chạy theo nhiều ham muốn, tham vọng để thỏa mãn bản thân, mà sự quan tâm dành cho chính con người – là người thân, bạn bè – đôi khi thật ít ỏi không? Và chỉ đến khi không còn sự hiện hữu của một ai đó trên cuộc đời này, trong cuộc sống của ta, hoặc chính ta phải ra đi, cận kề cái chết, ta mới nghĩ nhiều về họ, mới nhận thấy mình đã vô tình và bỏ qua rất nhiều những khoảnh khắc mà có thể mang lại hạnh phúc, sự ấm áp sưởi ấm trái tim nhau…
Giống như câu chuyện về bác sĩ Richard Teo Keng Siang của Singapore, một tỷ phú ở tuổi 40 mà gần đây cư dân mạng đang chia sẻ – như một điển hình cho con người ta chiêm nghiệm về cuộc sống trước ranh giới của cái chết: mải mê chạy theo những ham muốn, cám dỗ vật chất trong cuộc sống mà quên đi sự gắn kết của mình với gia đình, bạn bè xung quanh, quên đi cách cảm nhận và đau cùng nỗi đau của những bệnh nhân ung thư – cho đến khi chính mình trở thành nạn nhân của căn bệnh quái ác đó: ung thư phổi giai đoạn cuối.
Để rồi anh ngậm ngùi chia sẻ lại trên trang blog cá nhân của mình như thế này – một sự thật xót xa, ai cũng nhận ra, nhưng không phải ai cũng có thể làm được: “Mọi thứ tôi có được – sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui… Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không, tôi đã chẳng cảm thấy vui khi nghĩ đến”.
Những chia sẻ của bác sĩ Richard Teo Keng Siang cho chúng ta thấy một điều rằng, chỉ khi sắp chết, con người ta mới biết mình nên sống như thế nào. Hóa ra hạnh phúc không nằm ở vật chất, ở những giá trị ảo và sự ích kỷ thỏa mãn riêng cho bản thân. Hạnh phúc thực sự nằm ở trái tim của tình yêu thương, sự quan tâm dành cho gia đình và đồng loại, làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Và như thế, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy chính ý nghĩa cho đời sống của mình trong niềm hạnh phúc của những người xung quanh như thế, dù chỉ là những sự lắng nghe, chia sẻ thật giản đơn nhưng thật lòng.
Sự hiện hữu trong tôi khi nghĩ về cái chết – luôn là những tiếng kèn đưa đám ai oán, thê lương… Tôi sợ – sợ thứ âm thanh ấy. Nó như khơi, như cứa vào ruột gan người nghe… Nó nhắc nhớ trong tôi về một buổi sớm mùa đông đường đồng lạnh lẽo đưa bà nội tôi về nơi an nghỉ tại nghĩa địa của làng; nhắc nhớ những giọt nước mắt lã chã đã rơi khi tôi chít khăn và đứng đáp lễ trước hài cốt liệt sĩ của người chú ruột hy sinh khi mới 19 tuổi mà tự tay tôi đã mang về từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày xưa – dẫu chưa hề gặp mặt và chú không có một tấm hình nào để lại, nhưng vẫn cứ thấy đau, biết đang tiễn một người thân rời xa mình vĩnh viễn…
Và mới đây thôi, tôi lại chứng kiến nỗi nghẹn ngào của cô bạn lớp trưởng học cùng THPT trước sự ra đi đột ngột của cha. Ngồi bên bạn, trước linh cữu người cha thân yêu của bạn nằm lặng yên giữa căn nhà trong ánh nến bập bùng và khói hương nghi ngút, tôi bất giác rùng mình, nhận ra một điều: tôi và tất cả những người trẻ khác trên thế giới này, rồi lần lượt đều sẽ phải trải qua những cảm giác, những khoảnh khắc giống như cô bạn của tôi đang phải trải qua kia – chứng kiến những người thân và bạn bè quanh mình lần lượt rồi sẽ rời bỏ chúng ta đi mãi trước sự phôi pha đổ đầy theo năm tháng của thời gian…
Còn rất nhiều, vô vàn những sự chia tay rời bỏ khỏi thế gian này mà tôi đã được nghe hoặc tận mắt chứng kiến trong đời, của cả những người trong họ hàng, làng xóm cho đến sự ra đi của những người lạ thoáng gặp qua trên đường đời hay qua màn ảnh nhỏ tivi…
Và như thế, rõ ràng con người chúng ta là loài cô đơn nhất giữa nhịp sống, khi mà từng ngày trôi qua là từng ngày đang nhích dần đến thời điểm những người quanh ta sẽ rời xa mãi mãi, nhích dần đến với ranh giới của sự cô đơn…
Cái chết – con người ta cần phải biết học cách đối mặt với cái chết, và làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống, cho cộng đồng trước khi nhắm mắt xuôi tay… Và đã không ít lần tôi tự hỏi lòng: con người sống với nhau không được bao nhiêu như vậy, sao cứ phải trao cho nhau những mỏi mệt, oán thù, mà không phải là tình yêu và sự bình yên?