Trong một dòng họ có rất nhiều bà cô, ông mãnh chết trẻ nhưng không phải bà cô, ông mãnh nào cũng được gọi là bà cô tổ và ông mãnh tổ. Để làm rõ định nghĩa này vienman.com xin chia sẻ với các bạn những điều mình biết. Mong rằng sẽ góp một số khái niệm giúp cho các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tâm linh.
BÀ CÔ TỔ
Nhiều người đã được biết và tiếp xúc với bà Cô Tổ của dòng họ qua việc gọi Hồn, nhưng có người vẫn không rõ mối quan hệ như thế nào và tại sao lại gọi là bà Cô Tổ.
Nay giải thích như sau:
Tổ ở đây là Tổ tiên, nghĩa là Gia Tiên tiền tổ, Cô là người phụ nữ chưa lấy chồng .
Vậy Cô Tổ được hiểu là :
Hội Đồng Gia Tiên tiền tổ đề cử ra một người nữ nhận lĩnh nhiệm vụ quán xuyến, trông nom, theo dõi, để ý các công, các việc của họ hàng, của các con, các cháu ở trên cõi Trần và tùy duyên độ trì che chở, người đó được gọi là bà Cô Tổ.
Người đảm nhận cương vị bà Cô Tổ phải thỏa mãn hai điều kiện:
- Là người nữ, chưa lấy chồng, bị mất khi còn trẻ tuổi (Cũng có cả trường hợp vài tháng tuổi)
2. Vong linh ở nơi cõi Âm có duyên tu tập theo đạo Mẫu (đạo Tiên) hoặc theo đạo Phật. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ là bà Cô Tổ không đi theo đạo nào, thậm chí có bà Cô Tổ còn bị giam giữ ở nơi địa ngục)
Nói về mối quan hệ thì có thể đối với người này bà Cô Tổ ở đời thứ tư (Gọi là Cụ – Tứ đại), nhưng đối với người khác thì bà Cô Tổ có thể chỉ là em gái của Bố (gọi là Cô). Với người khác nữa quan hệ có thể chỉ gọi bằng Bác. Hoặc xa hơn nữa thì bà Cô Tổ có thể đã thuộc đời thứ 6,7 (Lục, Thất đại)…vv. Nhưng dù mối quan hệ là thế nào đi nữa thì cũng vẫn gọi chung là bà Cô Tổ vì danh hiệu của bà là như vậy.
Danh hiệu khác ngoài bà Cô Tổ :
Trong một số trường hợp bà cô tổ dòng họ có theo đạo mẫu (đạo tiên), nếu theo hầu các bà Chúa (Ví dụ Bà chúa thượng ngàn, Bà chúa thoải phủ) thì bà Cô Tổ có thêm danh hiệu mới là Chúa Cô Tổ.
Nếu theo hầu các Chầu (ví dụ Chầu bé Bắc Lệ, Chầu Chín….) thì bà Cô Tổ có thêm danh hiệu là Chầu Cô Tổ. Nếu Cô Tổ mang hai danh hiệu trên lại có tu tập tốt, thì trong thế kỷ tâm linh hiện nay còn được “bề trên“ giao phó cho nhiệm vụ chấm đồng bắt lính con cháu. Đây hiểu là con cháu có duyên nợ với Tứ phủ hoặc Phật đạo thì bà cô tổ thuận theo đó để mà khai sáng, giác ngộ, hướng dẫn, dạy bảo, đưa đường chỉ lối…cho con cháu theo đường tu cho đúng với phận số. Bởi vậy có người mệnh kim chi đôi nước trong vấn hầu tiên thánh còn hầu cả Cô Tổ nhà mình.
Trong gia đình nhà nào cũng có thờ cúng bà Cô Tổ. Có thể lập bát hương riêng hoặc lập một ban thờ riêng tùy theo điều kiện hoàn cảnh và tùy theo yêu cầu của bà Cô Tổ.
ÔNG MÃNH TỔ
Người ta thường hay quan tâm, kêu cầu, nhắc tới bà Cô Tổ dòng họ chứ không mấy khi quan tâm, tìm hiểu mãnh tổ dòng họ. Vậy mãnh tổ của dòng họ là ai?
Mãnh tổ dòng họ là người nam chết trẻ còn chưa lập gia đình, độ tuổi từ 13 tuổi trở lên hoặc là người đàn ông sống độc thân khi chết trung tuổi hoặc cao tuổi.
Ông mãnh tổ không do Hội Đồng Gia Tiên của dòng họ bầu cử ra mà do Hội Đồng Quan Sai Địa Phủ chỉ định. Mãnh tổ là người tu tập theo đạo Phật hoặc đạo Tiên (Mẫu), chịu trách nhiệm giám sát, quản lý, giúp đỡ các vong linh gia tiên tiền tổ ở nơi địa phủ.
Mãnh tổ chỉ có thể làm Phán Quan (Phán Quan điện ngục hoặc Phán Quan địa ngục) hoặc Hành Sai địa phủ chứ không nắm giữ bất cứ cương vị nào khác. Bởi vậy khi một người thân mất đi, cúng vong 49 ngày hoặc 100 ngày thường trong sớ Gia Tiên bao giờ cũng phải thỉnh đến ông Mãnh Tổ dòng họ…
Trong những trường hợp đặc biệt, mãnh tổ của dòng họ có thể bị giam cầm nơi địa ngục do những tội lỗi gây ra khi hồn tiền dương thế, lúc này vong chưa thể tu học, tuy nhiên nếu được thoát linh địa ngục thì vong sẽ được bổ nhiệm làm Phán quan hoặc Hành sai, sau đó được cấp phép tu học theo một trong hai đạo đã nói ở trên.
Trường hợp đặc biệt hơn nữa là dòng họ vô phúc, mãnh tổ được chỉ định làm Quỷ Thần (hại người). Trường hợp này dòng họ đó không thể nào tồn tại lâu được, đến thời điểm nào đó sẽ mất họ. Cô Tổ dẫu có linh thiêng mà không giác ngộ được con cháu dương trần làm lễ phả độ gia tiên thì cũng không có cách nào cứu nổi.
Nếu ông mãnh tổ là quỷ thần, bà Cô Tổ lại bị giam ở địa ngục thì thật là một cảnh bi đát khốn cùng, dòng họ ấy suy bại, chết yểu, thảm thương, vô phương cứu chữa.
Khi có ông mãnh tổ mới thay thế (thường phải sau hàng ngàn năm dương trần) thì mãnh tổ cũ sẽ siêu thoát sang cõi giới khác, tiếp tục con đường tu tập đạo pháp, hoặc được bổ nhiệm làm tiểu thần chứ không bao giờ quay lại đầu thai làm kiếp người (Trong khi đó Cô Tổ dòng họ có thể thăng thiên và có thể đầu thai vào cõi nhân làm người).
Như vậy chúng ta hiểu rõ ông mãnh tổ cũng có quyền hạn đáng kể, tuy nhiên khi cúng lễ (như ngày mồng 1, ngày rằm…) thì âm luật lại chỉ cho phép thỉnh Cô Tổ dòng họ chứ không được thỉnh đến ông mãnh tổ và khi lập bát hương cũng chỉ lập bát hương Cô Tổ dòng họ đại diện, không được lập bát hương thờ ông mãnh tổ. Nếu một gia đình nào đó có người hợp vía hợp mệnh với ông mãnh tổ dòng họ thì mới được phép khấn mời mãnh tổ về thụ thực trong những nghi lễ cúng khấn và kêu cầu sự giúp đỡ cần thiết.