Bệnh đau lưng là căn bệnh phổ biến thường gặp trong xã hội hiện đại, nhất là đối với những người làm công việc văn phòng. Mặc dù bệnh đau lưng không quá nguy hiểm, nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường nhật. Một chuyên gia nghiên cứu đời sống sinh hoạt của các thổ dân phát hiện ra họ không bao giờ bị đau lưng. Chúng ta hãy học lỏm cách sống của họ để hạn chế căn bệnh này nhé!
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta lệ thuộc nhiều vào máy móc, ngồi nhiều và ít vận động, hiếm khi tập thể dục thể thao. Chính vì vậy mà hầu như ngày nay ai cũng vướng phải hội chứng đau lưng. Dù già hay trẻ, người dân sống trong thời đại ngày nay đều có thể mắc bệnh đau lưng ở nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Đau lưng tuy không phải căn bệnh chết người, nhưng nó làm bạn cảm thấy khó khăn hơn trong cuộc sống hiện tại. Đó là chưa kể đến những cảm giác khó chịu mà bệnh đau lưng mang lại. Ngày nay nhiều người trẻ dù mới chỉ bước vào tuổi 20 đã mắc phải hội chứng đau lưng vì ngồi quá nhiều và ít vận động.
Thế nhưng, đối với những thổ dân, bệnh đau lưng có lẽ là một điều xa xỉ. Theo Esther Gokhale – một chuyên gia nghiên cứu đến từ California, từng đi du lịch vòng quanh thế giới và nghiên cứu thói quen sinh hoạt của cộng đồng thổ dân – đã phát hiện ra những người dân này hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đau lưng.
Mặc dù đôi khi các thổ dân làm nhiều công việc nặng nhọc, vận động chân tay nhiều, dùng nhiều sức ở phần lưng, thế nhưng họ gần như không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những cơn đau lưng. Theo nghiên cứu của Esther Gokhale, ở các bộ tộc gần như không có ai mắc phải căn bệnh đau lưng này.
Chính vì vậy, Esther Gokhale đã tiến hành tìm hiểu lý do tại sao những người thổ dân không bao giờ mắc chứng đau lưng. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thói quen sinh hoạt của họ, Esther Gokhale, phát hiện sự khác biệt rất lớn giữa việc đi, đứng, ngồi giữa thổ dân với những người sống trong môi trường làm việc văn phòng. Nhiều người thổ dân đã lớn tuổi dù làm việc nặng nhọc suốt 9 giờ đồng hồ vẫn không cảm thấy mệt mỏi hay có vấn đề trục trặc gì về sức khỏe.
Điều đặc biệt hơn nữa là nhà nghiên cứu Gokhale còn phát hiện ra rằng cột sống của những người trong bộ tộc có hình chữ J, khác hẳn với cột sống hình chữ S của chúng ta.
Hoài nghi hình dáng cột sống của người thổ dân là do thói quen sinh hoạt tạo thành nên Gokhale đã thử kiên trì luyện tập trong một thời gian dài để có được cột sống giống những người trong bộ tộc. Cuối cùng, cô đã làm được. Gokhale đã thử vận động với nhiều công việc nặng nhọc và cảm thấy mình rất khỏe khoắn khi thực hiện, cô cũng không còn cảm thấy đau lưng nữa.
Theo Tiến sĩ Praveen Mummaneni từ Đại học California, cột sống của chúng ta có hình dạng khác với cột sống của những bộ tộc, thổ dân. Do thói quen lười vận động mà cột sống của chúng ta yếu hơn, dẫn đến dễ bị đau lưng. Như vậy, để hạn chế đau lưng hết mức có thể, bạn hãy cố gắng hình thành thói quen tập thể dục và rèn luyện thật nhiều để tăng cường cơ bắp, điều đó rất quan trọng nếu bạn muốn có lưng hình chữ J như các thổ dân trong bài viết này.