Tạm biệt mùa “nắng như rang”, mưa đã rơi và thời tiết đang dần ẩm lạnh, còn gì hạnh phúc bằng trùm chăn ngủ khì trên chiếc giường êm ái? Nếu điều kiện lý tưởng này vẫn chưa đủ với các cú đêm, hãy tham khảo thêm cách dưới đây nhé
Ai mà chẳng muốn dậy sớm với tinh thần tỉnh táo để dẫn dắt một ngày mới thật sinh động. Càng dậy sớm bao nhiêu thì bạn càng đi trước người khác bấy nhiêu. Nhưng mấy ai làm được điều này, khi mà họ đã quen thức tới 1-2 giờ sáng.
Các cú đêm có thể biện bạch rằng: “Tớ vẫn khỏe, da tớ vẫn đẹp, đầu óc vẫn sáng tạo, chả có vấn đề gì cả”, nhưng các nhà khoa học đã chứng minh hàng trăm ngàn lần rằng: Đi ngủ vào lúc 10-11 giờ tối mới là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Dù bạn còn trẻ và đủ khỏe để thức khuya, nhưng khi già đi một chút, bạn sẽ cảm thấy hối hận vì ngày xưa mình đã phớt lờ khoa học. Nếu muốn thay đổi thì tối nay chính là lúc đấy. Hãy vui lên đi vì các chuyên gia người Mỹ đã tìm ra cách giúp bạn dễ ngủ hơn bao giờ hết chứ không phải trằn trọc “đếm cừu” hay lướt web nữa.
Đắp chăn càng nặng càng dễ ngủ
Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng đắp chăn càng nặng thì bạn càng dễ ngủ. Lý do rất đơn giản: Những chiếc chăn mỏng giống như những cú vờn nhẹ, kích thích hệ thần kinh khiến bạn khó ngủ. Trong khi chăn nặng dày và êm sẽ giúp tinh thần của bạn điềm tĩnh lại. Cách này hiệu quả với hầu hết mọi người.
Đắp một chiếc chăn dày giống như một hình thức massage, nó sẽ giúp bạn thư giãn cơ bắp và thần kinh, giúp xả stress và tạo cảm giác bình an, thoải mái. Điều này cũng giống như khi ai đó ôm bạn vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về lưng bạn. Đây là cảm giác mà chúng ta thường trải qua vào thời thơ ấu, khi bố mẹ bế bạn lên giường và đắp một chiếc chăn dày để ủ ấm bạn. Nếu nhà có trẻ nhỏ, bạn sẽ thấy khi đắp chăn và “cố định” trẻ giữa 2 chiếc gối ôm, trẻ sẽ ngừng khóc và ngủ ngon hơn. Đó là lí do người ta đã chế ra những chiếc gối chặn khá nặng được đổ đầy các loại vỏ đậu, để giúp trẻ an thần và ngủ ngon.
Sự mềm mại của một chiếc chăn dày giúp não sản sinh hóc-môn serotonin, hay còn gọi là hóc-môn hạnh phúc. Trong bóng tối, serotonin sẽ chuyển hóa thành melatonin, chịu tránh nhiệm về thời lượng giấc ngủ. Bạn biết đấy, nếu vào thời điểm cần đi ngủ mà hàm lượng serotonin trong cơ thể quá thấp thì bạn sẽ cảm thấy nôn nao, bồn chồn và khó chịu vì chuyện lên giường giống như là điều gì đó bắt buộc. Đây càng là lý do chính đáng để bạn đắp lên mình một chiếc chăn dày.