Một số bằng chứng khoa học cho thấy các loại thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể ảnh hưởng xấu tới thính lực của phụ nữ.
Lạm dụng thuốc giảm đau dẫn đến nguy cơ nghe kém
Các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Brigham and Women’s (BWH) ở Boston, Mỹ đã khảo sát trên 62.261 phụ nữ tuổi từ 31 – 48, trong 14 năm. Tổng cộng có 10.012 người báo cáo rằng, họ bị nghe kém trong thời gian này.
Cụ thể hơn, nghiên cứu cho thấy, so với phụ nữ sử dụng ibuprofen chưa đến một lần/tuần, những người dùng từ 2 – 3 ngày/tuần có tới 13% nguy cơ bị nghe kém.
Trong khi đó, những phụ nữ sử dụng thuốc từ 4 – 5 ngày/tuần thì nguy cơ tăng lên 21%. Đối với những người sử dụng ibuprofen 6 hoặc 7 ngày/tuần thì con số này tăng lên 24%.
Còn so với những phụ nữ sử dụng acetaminophen chưa đến 1 lần/tuần, những người dùng 2 – 3 ngày/tuần có 11% nguy cơ bị nghe kém, trong khi phụ nữ uống thuốc này 4 – 5 ngày/tuần thì nguy cơ tăng lên 21%.
Acetaminophen còn được biết đến với tên gọi là paracetamol. Đây là một loại thuốc giảm đau nhẹ và hạ sốt. “Cơ chế tác dụng của acetaminophen như là thuốc NSAIDs (thuốc giảm đau kháng viêm không steroid), giúp làm giảm lưu lượng máu đến các ốc tai, từ đó khiến cho chức năng của ốc tai suy giảm, dẫn đến nghe kém”, nhà nghiên cứu Sharon G.Curhan, làm việc tại Bệnh viện Brigham and Women’s nói.
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn có thể tiềm ẩn tác dụng phụ
“Nếu một người có nhu cầu sử dụng thường xuyên thuốc giảm đau thì họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu về lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải, đồng thời tìm kiếm giải pháp thay thế an toàn hơn”, Curhan nói.
Các nhà khoa học giải thích rằng ibuprofen và các thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAID) có thể làm giảm lưu lượng máu đến ốc tai, ảnh hưởng tới chức năng nghe của đôi tai. Trong khi đó, acetaminophen có thể làm giảm lượng “binh lính” bảo vệ ốc tai.
Một hạn chế của nghiên cứu là chỉ dựa trên thông tin do tình nguyện viên cung cấp chứ không thực hiện các bài kiểm tra thính giác và không đánh giá tình trạng tiếp xúc với tiếng ồn của ngươi bệnh. Tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn làm tăng nguy cơ suy giảm thính giác, mất thính giác. Một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2015 kết luận rằng không có dữ liệu chính thức để khẳng định mối liên hệ của thuốc giảm đau và nguy cơ suy giảm thính lực, mặc dù một số tình nguyện viên bị điếc nặng hơn sau quá trình sử dụng acetaminophen kết hợp với thuốc gây ngủ.
Bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây suy giảm thính lực và điều trị ngay lập tức. Chưa nghiên cứu khoa học nào cho thấy việc ngừng sử dụng thuốc giảm đau có thể giúp bạn lấy lại thính lực. Bạn cũng không nên tự ý ngừng thuốc khi chưa có tư vấn của bác sỹ.
Chúc bạn và gia đình luôn khoẻ mạnh!