Hiện nay, không ít người phát hiện ra bệnh ung thư phổi khi đã ở giai đoạn muộn, nguyên nhân là do bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh ở giai đoạn sớm.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay ung thư phổi là căn bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong đứng hàng thứ 2 trong số các bệnh ung thư thường gặp ở người.
Điều đáng nói, căn bệnh ung thư này có tỷ lệ người mắc tử vong ngay trong năm đầu tiên phát hiện bệnh có tỷ lệ rất cao chiếm khoảng 70%, thậm chí có trường hợp từ khi mắc bệnh và tử vong chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng.
BS Tạ Chi Phương (Trưởng khoa Xạ trị – Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là do người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khi phát hiện bệnh đã di căn sang các bộ phận cơ thể khác, vì thế việc chữa khỏi là vô cùng khó khăn.
BS Phương ví dụ trường hợp của một nam bệnh nhân Ng.V.T (36 tuổi, ở Thanh Hóa) từ khi phát hiện cho đến khi tử vong do mắc ung thư phổi chỉ vọn vẹn có 4 tháng trời.
Theo đó, khi bệnh nhân đến viện đã có hạch cổ nổi to, di căn sang xương và gan vì thế các bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm đau, kéo dài thời gian chứ không thể điều trị dứt điểm căn bệnh đó.
Hay như một trường hợp khác là chị H.T.T.H (42 tuổi, quê ở Ninh Giang – Hải Dương), chỉ vì chủ quan nên khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn để chữa trị và tử vong sau 9 tháng nằm viện.
Theo đó, chị H. có tiền sử ho hen lúc bé, vì thế khi có các dấu hiệu ho kéo dài, ho khan, thậm chí khó nuốt nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là những dấu hiệu của bệnh cũng tái phát và chỉ dùng thuốc kháng sinh theo đơn đã kê để điều trị.
Đến khi chán ăn, buồn nôn và cảm thấy đau tức ngực dữ dội mới đi đến cơ sở y tế địa phương thăm khám, ngay lập tức bệnh nhân này được điều chuyển lên tuyến trên vì ung thư phổi giai đoạn cuối.
Từ những trường hợp bệnh cụ thể, BS Phương cho rằng, việc chưa được trang bị kiến thức, chủ quan khi có các dấu hiệu ban đầu là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.
“Người bệnh khi thấy các dấu hiệu như sút cân nhanh, đau tức ngực dữ dội, ho ra máu hay xuất hiện các hạch bất thường ở cổ, nách và những hạch này lớn dần thì bệnh đã quá nặng, khả năng chữa khỏi dường như rất ít”, BS Phương cảnh báo.
Theo đó, BS Phương khuyến cáo, khi có các dấu hiệu ho hoặc ho khan kéo dài từ 7 đến 10 ngày điều trị không khỏi, có biểu hiện chán ăn, sút cân …thì cần phải đi khám ngay lập tức vì đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư phổi.
Ngoài ra, BS Phương cho biết thêm, nhiều trường hợp bệnh nhân dù không có những dấu hiệu như chán ăn, ho kéo dài, sút cân nhưng vẫn mắc ung thư phổi.
Với những trường hợp này, mọi người cần phải chú ý đến các triệu chứng nội tiết như: đau các khớp, ngón tay dùi trống, to dần lên theo thời gian…đó cũng là những biểu hiện của bệnh ung thư phổi.
Cuối cùng, BS Phương chỉ dẫn: “Rất nhiều người bỏ qua các dấu hiệu ban đầu không chỉ ung thư phổi mà tất cả các loại ung thư khác dù đã tuyên truyền rất nhiều.
Vì thế, để phòng và phát hiện bệnh sớm, tốt nhất người dân nên ăn uống khoa học, hớp lý không dùng các chất kích thích, gây nghiện,…đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/1 lần. Chỉ có như vậy mới phát hiện sớm và điều trị bệnh được hiệu quả”.