Loãng xương là bệnh thường gặp của phụ nữ khi bước sang tuổi trung niên. Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương. Ở Việt Nam, loãng xương chiếm tỷ lệ 13-15% phụ nữ sau mãn kinh.
Loãng xương có thể gây biến chứng nặng nề là gãy xương. Loãng xương không phải chỉ cư trú ở một vị trí nào mà nó là một bệnh lí toàn thân, có thể gây tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, xương cẳng tay, xương cánh chậu…
Phụ nữ bị loãng xương ở độ tuổi nào?
Bệnh loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ có tuổi. Phụ nữ trên 45 tuổi, loãng xương chiếm một số lượng lớn số ngày nằm viện, nhiều hơn tất cả các bệnh khác, bao gồm đái tháo đường, nhồi máu cơ tim và ung thư vú. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trong độ tuổi 50 -59 mới chỉ chiếm 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ loãng xương nhanh chóng tăng lên theo độ tuổi và đạt tới 70% ở phụ nữ trên 80 tuổi.
Tại sao phụ nữ lại hay bị mắc bệnh loãng xương hơn nam giới?
Những phụ nữ có tiền sử gia đình bà hoặc mẹ bị loãng xương. Những phụ nữ này được thừa hưởng một bản sao bộ xương yếu ớt dễ gãy từ bà hay mẹ của họ.
Nữ giới có kích thước bộ xương nhỏ và khối lượng xương đỉnh thấp hơn nam. Đặc biệt người châu Á có nguy cơ cao hơn do khối lượng xương nhỏ, thường gầy yếu và lối sống tĩnh hơn nam giới. Họ thường có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, đặc biệt là khẩu phần canxi trong thức ăn thiếu. Tuy nhiên sau khi đạt khối lượng xương đỉnh tối đa vào độ tuổi 20, hàng năm phái nữ mất đi từ 1-3% khối lượng xương. Như vậy, nữ giới mất xương nhiều hơn 40% so với nam giới. Tình trạng mất xương này diễn ra nhanh hơn bắt đầu từ độ tuổi mãn kinh và gia tăng nhanh chóng trong 20 năm sau mãn kinh.
Kinh nguyệt của phụ nữ là một tấm gương phản ánh sức khỏe sinh sản của họ, đảm bảo bởi hoạt động nhịp nhàng của hệ thống nội tiết, đặc biệt là vai trò của các hormone sinh dục. Tuy nhiên kinh nguyệt đồng thời cũng góp phần đánh giá sức khỏe của xương. Phụ nữ mất kinh kéo dài trên 12 tháng; phụ nữ mãn kinh hay mãn kinh sớm trước 45 tuổi, bị mất xương nhiều hơn và dễ mắc chứng loãng xương. Phẫu thuật cắt buồng trứng làm mất xương nhanh chóng (12%/năm)
Phụ nữ phải trải qua thời kỳ mang thai và cho con bú. Khi đó cơ thể họ phải cung cấp nguồn canxi rất lớn cho phát triển thai và nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó họ bị giảm lượng canxi nhanh chóng nếu không được cung cấp lượng canxi đầy đủ. Những người có từ ba con trở lên hay bị loãng xương.
Phụ nữ thường hay bị một số bệnh hệ thống như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp. Chính các bệnh này và các thuốc điều trị như corticoid là thủ phạm gây nên sự mất xương thái quá. Các bệnh nội tiết như đái tháo đường, cường cận giáp, bệnh lý tuyến giáp hay bệnh gan, thận, đường tiêu hóa cũng làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
Đặc điểm cấu trúc và hình thái xương của phụ nữ. Xương bị loãng có tình trạng mỏng vỏ xương, rỗ trong vỏ xương, mỏng bè xương.
Nguyên nhân gây loãng xương ở phụ nữ trung niên
Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid… cũng dễ bị loãng xương.
Dấu hiệu nhận biết bệnh loãng xương ở phụ nữ
Đau cột sống lưng hay cột sống thắt lưng cấp tính thường xảy ra sau khi gắng sức nhẹ, ngã hay một động tác sai. Nhiều khi có tiếng kêu rắc kèm theo đau khi vận động.
Biến dạng cột sống thường thấy lưng còng, vẹo cột sống. Chiều cao giảm dần theo tuổi tác với mức giảm trên 12cm hoặc khi sờ thấy xương sườn cuối cùng chạm vào mào chậu thì sự giảm chiều cao dừng lại. Trường hợp bị xẹp đốt sống bệnh nhân thấy đau lưng, đau âm ỉ, hay đau nhói khi đứng lên hoặc vận động.
Nếu nhiều đốt xương sống bị gãy hay bị xẹp, thì thấy người thấp hơn trước, đi còng lưng hoặc đau lưng. Ở người cao tuổi chỉ sơ ý bị ngã nhẹ cũng dễ bị gãy xương tay, chân do loãng xương.
Cách phòng loãng xương ở phụ nữ trung niên
Trong ăn uống nên ăn thêm một số chất chứa nhiều canxi như: rau xanh, tôm, cua, thịt, trứng. Có thể dùng thêm sữa. Nên dùng loại sữa chứa nhiều canxi ít ngọt không béo.
Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng hoạt động thể dục thể thao vận động cơ bắp làm hạn chế quá trình mất xương và giúp tăng quá trình tạo xương. Khi luyện tập thể dục thể thao cần lưu ý một số nguyên tắc sau đây:
-Vận động cơ bắp nhịp nhàng từ từ ở mức độ vừa phải, cột sống được tập luyện linh hoạt và uyển chuyển.
-Trong trường hợp đã bị loãng xương khi tập thể dục thể thao cần tránh những động tác gây hại cho cốt sống như: trồng chuối ngược có thể làm lúc xẹp đốt sống; động tác cúi gập người nhanh về phía trước có thể làm gãy nứt đốt sống…