Từng là một thương nhân giàu có, sư cô Thích Nữ Chúc Hiền (78 tuổi) đã quyết rũ bụi trần, xuất gia đi tu. Hiện bà sư cô trụ trì, người khởi xướng lập Phòng khám từ thiện tại chùa Tường Quan Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Tại phòng khám này, rất nhiều người bệnh đã được chữa khỏi chỉ bởi những cây cỏ quanh vườn nhà.
Thương nhân rũ bỏ bụi trần để hành thiện chốn cửa phật
Lương y trẻ Bùi Thái Khiêm (37 tuổi) –người đang trực tiếp điều hành phòng khám tại chùa Tường Quan kể lại, mẹ ông ngày trước vốn là thương nhân giàu có. Năm 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Lang (tên tục của sư cô Chúc Hiền) bất ngờ ngưng mọi công việc, quyết định xuất gia tu hành tại chùa Tường Quan.
“Năm sư cô xuất gia, tôi mới học lớp chín. Xa mẹ, ba anh em chúng tôi nương tựa vào nhau để sống. Biết rằng mẹ đi tu sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng đó là tâm nguyện của mẹ nên mọi người trong gia đình đều chấp thuận. Có lẽ mẹ xuất gia hướng thiện bởi bao năm bôn ba chứng kiến quá nhiều mảnh đời cơ cực, chán ghét cảnh bon chen, tranh dành”, ông Khiêm bộc bạch.
Vốn hiểu biết nghề thuốc từ nhỏ nên sau khi vào chùa, sư cô Chúc Hiền được sư phụ chấp thuận cho đứng ra bắt mạch, khám bệnh giúp người dân. Dần dần tạo được uy tín nên thu hút đông đảo người dân tìm đến. Phòng mạch từ thiện xuất phát từ nguồn gốc như vậy.
Để duy trì phòng khám gần hai thập kỉ nay mà không thu bất cứ cắc bạc nào của người bệnh, ông Khiêm giải thích mọi kinh phí đều do một tay sư trụ trì lo liệu.
Vị lương y cũng là con ruột sư cô chân thật cho hay, trước lúc xuất gia, sư cô Chúc Hiền có căn nhà rộng. Cho đến nay căn nhà vẫn được cho thuê để lấy kinh phí trang trải cho hoạt động của phòng mạch từ thiện ở chùa Tường Quan.
Ngoài khám chữa bệnh miễn phí, sư cô Chúc Hiền còn tích cực vận động, quyên góp giúp đỡ người nghèo. Hôm tìm đến chùa thực hiện bài viết này, nhà tu hành xấp xỉ tuổi 80 vẫn đang tích cực cứu trợ người dân nghèo ở huyện Củ Chi, Cần Giờ.
Lại nói về lương y trẻ, may mắn thừa hưởng kinh nghiệm chữa bệnh từ người mẹ đã gửi thân chốn cửa phật. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai quyết tâm theo đuổi nghề y, theo chân sư cô Chúc Hiền khám chữa bệnh để học hỏi thực tế. Mặt khác, ông theo học các lớp đào tạo Đông y nhằm hoàn thiện kiến thức chuyên môn.
Tuy chỉ vừa tròn 37 tuổi nhưng lương y Khiêm được biết đến là vị thầy thuốc trẻ giàu lòng hướng thiện. Hiện một mình anh đảm nhận việc khám chữa bệnh tại chùa: “Bệnh nào chữa được tôi mới nhận, những bệnh vượt quá khả năng đành chỉ dẫn người ta đến chỗ khác chứ nhận chữa trị ồ ạt khiến người ta đặt niềm tin uổng phí”, ông Khiêm mộc mạc chia sẻ.
Tự chế bài thuốc phong thấp trị nhức mỏi
Chứng nhức mỏi chân tay, xương khớp, theo lương y Khiêm, khá phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng chủ yếu do viêm thấp, phong tê thấp. Hay đơn giản ngồi làm việc sai tư thế kéo dài cũng dễ gây nên chứng nhức mỏi. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nhức mỏi chân tay có thể biến chứng sang bệnh gout (đông y gọi là thống phong) rất khó điều trị.
Từ kiến thức bản thân và kinh nghiệm nhiều năm theo sư phụ khám chữa bệnh, lương y Khiêm cho biết có thể loại bỏ chứng nhức mỏi với bài thuốc nam dễ kiếm. Toa thuốc phong thấp vị lương y đang đề cập gồm: Lá lốt (10g), cây mắc cỡ (cây xấu hổ, 10g), quế chi (5g), thiên niên kiện (10g), thổ phục linh (10g), ké đầu ngựa (10g), hà thủ ô (10g), cỏ mực (10g).
Tất cả dược thảo trên đều sơ chế bằng cách phơi khô, sao vàng hạ thổ. Trước khi đem sắc uống, chú ý trộn đều các vị thuốc. Mỗi thang thuốc sắc hai lần nhằm vừa tiết kiệm vừa tận dụng tối dược tính của thuốc.
Lần sắc đầu, đổ nước vừa ngập thuốc, cô còn lại 1,5 chén. Lần thứ hai lấy đúng 1 chén: “Ngày uống 2 lần, nên uống thuốc sau khi ăn chừng 2 – 3 giờ đồng hồ”, lương y Khiêm chỉ dẫn. Tính chất thuốc nam phát huy công dụng chậm chứ không phải uống ngày trước, ngày sau khỏi bệnh. Thế nhưng khi đã lành, bệnh hiếm khi tái phát hoặc cho tác dụng phụ.
Thầy thuốc Khiêm căn dặn thêm, những người mắc chứng nhức mỏi chú ý hạn chế tiếp xúc với nước dễ gây phong thấp. Trong ăn uống, nên kiêng tránh sử dụng quá nhiều thịt bò, cá biển, thịt đà điểu, cà pháo. “Bệnh khỏi nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào cơ địa từng người, kĩ thuật gia giảm của mỗi thầy thuốc khác nhau. Nhưng thực tế cho thấy chỉ cần uống từ 10 thang thuốc trở lên sẽ thấy công hiệu rõ rệt. Ở nhà chùa đã chữa trị khỏi cho hàng trăm bệnh nhân bằng toa thuốc trên”, lương y Khiêm nói.
Trị chứng an thần, ổn định đường huyết bằng hoa sala
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn thuốc trong khuôn viên chùa Tường Quan, lương y Khiêm bật mí trước cổng chùa có hai cây sala (còn gọi hoa đầu lân), hoa sala rụng mỗi ngày nhưng ít ai biết rằng đấy là thảo dược quý. Ông Khiêm chia sẻ, hoa sala đem phơi khô, đem hãm nước uống như trà xanh có tác dụng chữa bệnh.
Hoa sala phơi khô được cho là có tác dụng an thần, ổn định đường huyết
Cụ thể những người mắc chứng mất ngủ, tâm trạng hồi hộp và mất ổn định đường huyết đều có thể vận dụng phương pháp trên. Trong các tài liệu y học từng nhắc đến công dụng hạ đường huyết (hạ huyết áp) của hoa sala.
“Đông đảo người dân tới chùa xin hoa sala về trị bệnh. Họ khẳng định đây là thảo dược quý, trị được nhiều chứng bệnh chứ không chỉ hạ đường huyết. Hiện nhà chùa cũng phơi khô hoa sala, cấp miễn phí cho những ai có nhu cầu. Mỗi lần pha uống bốc nắm nhỏ cho vào bình trà, chú ý tráng qua bằng nước sôi nóng”, thầy thuốc trẻ hành thiện chốn cửa phật cho hay.
Bên cạnh bài thuốc “độc vị” hoa sala, thầy Khiêm chia sẻ thêm phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, an thần từ hoa lá quanh vườn. Theo đó hái hoa sứ trắng, dây tơ hồng và dây nhãn lồng đem thái nhỏ, phơi khô.
Hằng ngày dùng 10g dây tơ hồng, 10g nhãn lồng kết hợp với 5g hoa sứ trộn đều sắc lấy nước uống hai lần. Thời điểm uống thuốc tốt nhất từ 9h – 10h sáng và 4h – 5h chiều.
Giải thích công dụng bài thuốc, lương y Khiêm dẫn chứng rằng kiến thức y học đều thừa nhận dược tính trị bệnh của các thảo dược trên. Ví dụ như dây tơ hồng có chứa chất an thần mà không gây nghiện.