PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, sốt ở trẻ em thường là nỗi lo lớn đối với bất cứ bà mẹ nào. Đây là lời khuyên cần thiết để hạ sốt cho trẻ.
Có những bà mẹ khi thấy con trẻ sốt cao thì bối rối, chạy đôn chạy đáo cho con uống thuốc giảm sốt. Hoặc quấn chăn, quấn áo… Như vậy là làm làm cho trẻ bị ngột. Bác sĩ khuyên đi bệnh viện, nhưng ra khỏi nhà là hết…
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sốt cao thường mới chỉ là triệu chứng chứ chưa hẳn là bệnh. Vì sốt là phản ứng tốt của cơ thể trẻ nhỏ khi không may bị vi trùng thâm nhập.
“Nếu sốt đó không làm cho em bé chán ăn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cơ thể, không làm cho trẻ khó chịu thì người ta không trị sốt mà để nguyên, phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi”, TS Dũng giải thích.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sốt cao lên làm cho bệnh nhi khó chịu, chán ăn,bứt rứt rồi lên cơn co giật, thậm chí là tím tái làm cho bố mẹ lo lắng. Nhưng nếu đi khám mà bác sĩ chẩn đoán co giật đó chỉ do sốt cao, thì đó gọi là co giật lành tính.
“Thông thường như ngày xưa thấy trẻ sốt cao lành tính như vậy thì lo bại não, lo co giật… Nhưng qua khám điều trị rất nhiều rồi, chúng tôi nhận thấy hầu như sau này không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khuyến cáo không cho uống thuốc gì. Các nhà thần kinh y khoa còn cho rằng không cần phải điện não đồ ngay sau cơn giật”.
Chỉ 2 loại thuốc hạ sốt nên dùng
Theo TS Dũng, thường thì trẻ sốt đến 38, 5 độ là cha mẹ rất lo lắng, mà đo nhiệt độ cho trẻ thì chỉ được đo ở nách (không cộng trừ, cứ 38,5 độ). Khi này các bác sĩ khuyên dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen.
“Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau, tuy nhiên, các nước Châu Á khuyến cáo nên dùng Paracetamol. Còn Châu Âu thì họ ưu tiên dùng Ibuprofen… lý do vì các nước Châu Á đang có sốt xuất huyết, còn Châu Âu không có.
Nếu đang có sốt huyết mà cho trẻ dùng Ibuprofen thì càng tăng sự nguy hiểm. Vì xét nghiệm ban đầu chưa thể xác định bé có sốt xuất huyết hay không, nếu cho Ibuprofen thì làm cho sốt xuất huyết nặng thêm”, TS Dũng nhấn mạnh.
Nói thêm về 2 loại thuốc nói trên, TS Dũng cho rằng rất nhiều thầy thuốc cũng sai lầm khi cho trẻ liều dùng xen kẽ.
“Có những trường hợp trẻ sốt dai dẳng, lâu khỏi. Các nhà khoa học làm nghiên cứu, cho một loại thuốc thì không hạ sốt nên bố mẹ cứ lo. Người ta mới so sánh giữa 2 loại xem thuốc nào hạ sốt nhanh hơn. Kết quả là Ibuprofen nhanh hơn, kéo dài hơn Paracetamol”.
TS Dũng nói tiếp: “Tiếp theo người ta làm nghiên cứu xen kẽ lần này uống Paracetamol, lần sau uống Ibuprofen. Sau đó đến nhóm chỉ uống Paracetamol không, nhóm kia chỉ uống Ibuprofen. Kết luân lại là nhóm xen kẽ hạ sốt nhiều hơn”.
Tuy vậy, TS Dũng khuyên người dân không nên cho trẻ uống xen kẽ, bởi vì có tác hại rất nhiều do liều lượng của 2 loại thuốc này khác nhau. Hoặc nếu có ngộ độc thì khó cho các bác sĩ xác định nguyên nhân.
Dùng thuốc nhét hậu môn có tốt không?
Riêng loại thuốc nhét hậu môn, TS Dũng cho biết loại thuốc này thực tế là dùng cho những em bé không uống được, hoặc uống hay nôn ra. Vì vậy người ta dùng loại thuốc này để thay thế, liều lượng cũng giống như loại thuốc uống.
“Tuy nhiên, loại thuốc nhét hậu môn có mấy nhược điểm không được bằng thuốc uống, thứ nhất là hấp thu không thường xuyên, lúc được lúc không, có thể lần này nhét vào trẻ hạ sốt rất nhanh nhưng lần sau lại không ăn thua gọi là hấp thu thất thường.
Nhược điểm thứ hai, nếu trong trực tràng của bé có phân là không tác dụng. Thứ ba là, liều cố định do không được chia viên thuốc ra làm nhiều liều, không được chia đôi…”, TS Dũng phân tích.
Một trong những trường hợp trẻ sốt cao, nhưng nhiều bà mẹ chưa có kinh nghiệm khiến cho tình trạng đứa trẻ càng khó kiểm soát.
TS Dũng cho rằng, nếu trẻ sốt bình thường thì không đáng lo ngại, nhưng sốt cao quá thì phải cho đi bệnh viện.
“Sai lầm đối với các bà mẹ là khi trẻ sốt thì quấn khăn áo, làm cho trẻ bị ngột. Bác sĩ khuyên đi bệnh viện, có khi đưa ra khỏi nhà đã hết vì lúc đó trẻ được đưa ra chỗ thoáng…”, TS Dũng nói.
5 thói quen của cha mẹ khiến trẻ đang sốt gặp nguy hiểm
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, người dân Việt Nam thường dùng miếng dán hạ sốt, chườm lạnh, bôi dầu, kiêng ăn… Điều này thế giới không khuyên.
1. Dán miếng hạ sốt
“Khi trẻ bị sốt, có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt. Không nên cho trẻ dùng miếng dán hạ sốt bởi vừa mất tiền vừa không giúp trẻ hạ sốt, chưa kể đến việc còn gây hại cho trẻ”, ông Dũng cho hay.
2. Chườm lạnh
Thay vì dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chườm lạnh là biện pháp hầu như bố mẹ nào cũng áp dụng khi con sốt nhưng thực chất biện pháp này không có tác dụng mà còn gây hại.
Theo PGS Dũng, khi trẻ sốt bố mẹ thường không hiểu rõ căn nguyên từ đâu, nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không dùng đá chườm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp.
Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh chỉ được thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này không khuyến khích vì hiệu quả rất thấp.
3. Đóng kín cửa
“Khi bị sốt là không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông.
Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét, cơ thể dần ấm lên. Trong khi đó, hầu hết chúng ta lại làm ngược lại, khiến bệnh càng nặng thêm”, TS Dũng khuyến cáo.
4. Uống thuốc hạ sốt khi trẻ mới sốt dưới 38,5 độ
“Cha mẹ không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cũng không cho trẻ uống thuốc co giật sớm, điều này sẽ làm khó cho bác sĩ khi thăm khám”.
Ở trẻ, thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là bé đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.
5. Ăn kiêng
TS.Dũng khuyến cáo chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong và sau khi bị ốm rất quan trọng vì nó sẽ làm cho bệnh mau khỏi, mau phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.
Đặc biệt, trường hợp sốt mất nước, không được bù nước (uống nước Oresol) và ăn uống thiếu chất, trẻ dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, lâu lành bệnh.
Cách xử trí khi trẻ bị co giật
Khi trẻ lên cơn sốt cao dễ dẫn đến hiện tượng co giật, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên người dân, khi phát hiện trẻ co giật thì hết sức bình tĩnh. Vì vậy, khi trẻ lên cơn co giật, thường thì bé có hiện tượng sùi bọt mép.
Khi đó các bà mẹ bình tĩnh bế trẻ đặt nằm nghiêng. (không được gập đầu bé vì không thở được).
Tiếp theo để nguyên không động tĩnh gì đến đứa trẻ.
Không day, không vuốt ngực… Nếu thấy trẻ nghiến răng.
TS Dũng phân tích, trước kia các chuyên gia y tế khuyên chèn ngay một vật dụng nào đó vào giữa hai bên răng mục đích để em bé không cắn lưỡi.
Tuy nhiên, kinh nghiệm sau nhiều năm cấp cứu, bản thân ông Dũng khuyên người dân lúc đó không cố. Mà hay bình tĩnh để qua cơn đó, cằm của bé sẽ mềm ra thì lúc đó dùng một miếng vải hay chiếc khăn tay chèn vào phòng cơn sau.
Theo Soha