Đau lưng là bệnh rất phổ biến hiện nay nhóm đối tượng thượng bị nhất đó là ở người trung niên và người cao tuổi và những nhóm người là dân văn phòng hay những người ngồi một chỗ làm việc.
Bệnh lý đau lưng có hai nhóm: nhóm xác định được nguyên nhân và nhóm không rõ nguyên nhân.
Đau lưng không rõ nguyên nhân thường xảy ra ở những người có thói quen không tốt như tư thế làm việc không đúng: luôn phải làm việc ở tư thế khom lưng, ngồi cúi người về phía trước, tư thế khi ngủ không ngay ngắn, hoặc cố sức khuân vác các vật nặng…
Những trường hợp này xảy ra từ từ và gây đau lưng mãn tính. Đau lưng tìm được nguyên nhân thường thấy nhất là do thoái hóa cột sống hoặc gai cột sống hay thoát vị đĩa đệm.
Đau lưng là bệnh gây cho người bệnh không ít phiền toái vì rất khó khăn trong việc di chuyển, thay đổi tư thế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động.
Có khoảng 80% trường hợp bị đau lưng lần đầu không rõ nguyên nhân, chỉ có 6 – 8% trường hợp do bị lệch đĩa đệm cột sống. Có trên 50% bệnh nhân đau lưng khỏi trong vòng 2 tuần, nhưng tỷ lệ tái phát khá cao sau một tháng trở lên; từ 5-10% bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng cấp chuyển thành mạn tính.
Nguyên nhân đau lưng do bệnh lý.
Nhóm 1: Do xương khớp bị tổn thương như: viêm tủy xương, hoại tử xương, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, khớp bị lão hóa, thoái hóa đĩa đệm cột sống, xoắn vặn vùng giãn đốt sống, chứng gù vẹo cột sống, gãy xương, loãng xương, trượt đốt sống, hẹp ống sống, gân hay là cơ bị rách, bị căng quá mức vì tai nạn hay vì cử động quá mạnh, hoặc đĩa đệm bị xô lệch, khe đốt sống bị hẹp lại… đều có thể sinh đau lưng.
Nhóm 2: Tuy ít gặp nhưng lại đáng ngại hơn, khi đó đau lưng chỉ là triệu chứng của các bệnh như: phình động mạch, ung thư từ nơi khác di căn vào xương sống, ung thư tủy sống, bệnh ankylosing spondylitis, thường bị ở đoạn dưới thắt lưng làm cho gân quanh các đốt xương sống bị vôi hóa làm cử động không được và đau lưng; khối u, áp-xe cạnh cột sống, áp-xe ngoài màng cứng, bệnh thận, loét ống tiêu hóa…
Nguyên nhân đau lưng do thói quen.
Ngủ trên một tấm đệm cũ
Nếu đệm của bạn đã dùng được 10 năm thì bạn nên thay mới cho dù nó chưa hỏng hẳn vì đệm cũ sẽ ảnh hưởng xấu đến cột sống khi ngủ. Đệm mới sẽ giữ cho cột sống thẳng và giữ cho các đốt sống ổn định trong thời gian cả đêm.
Đeo túi quá nặng
Đeo một chiếc túi nặng trên lưng sẽ làm cho cơ thể và cột sống mất cân bằng, thậm chí bị sụn lưng và vẹo cột sống. Một chiếc túi thích hợp là tổng trọng lượng không được nặng quá 10% trọng lượng cơ thể của bạn.
Không tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục hàng ngày có tác dụng rất tốt cho lưng. Không tập luyện hàng ngày khiến các cơ sẽ bị cứng và suy yếu, cột sống bị thoái hóa. Việc tập luyện thể dục hàng ngày cho vùng bụng và lưng là lựa chọn tốt nhất để tránh được đau lưng và thoát vị đĩa đệm.
Ăn vặt quá nhiều
Lượng calo cao và dinh dưỡng kém trong đồ ăn vặt dẫn đến tình trạng bạn bị tăng cân. Cân nặng quá mức tập trung ở khu vực giữa cơ thể làm cho xương chậu bị kéo về phía trước, gây căng thẳng và đau lưng. Những người bị thừa cân còn có nguy cơ bị viêm xương khớp hơn những người bình thường.
Đi giày gót quá cao
Giày gót quá cao buộc bạn phải cong lưng, gây áp lực lên các khớp xương, khiến xương sống bị kéo căng và nguy cơ lớn gây đau lưng và thoái hóa xương sống. Hãy chọn cho mình một đôi giày có độ cao phù hợp để vừa thoải mái di chuyển và không hại lưng.
Ngồi cả ngày
Việc ngồi cả ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, nhất là những nhân viên văn phòng. Khi ngồi làm việc trước máy vi tính hàng ngày, bạn không thể duy trì tư thế thích hợp, do đó gây suy yếu các cơ ở lưng vì thiếu hoạt động. Việc ngồi gây áp lực 50% lên cột sống hơn là đứng. Tư thế ngồi chuẩn là chân và thân tạo góc 130 độ để đỡ tạo lực đè lên cột sống, đầu thẳng, không hướng về phía trước khi ngồi máy tính, thỉnh thoảng hãy đứng lên vận động, đi lại, thư giãn thường xuyên sẽ tốt hơn cho lưng.
Căng thẳng
Nếu bạn bị căng thẳng, toàn bộ cơ thể cũng bị căng thẳng theo bao gồm cả các cơ bắp ở cổ, lưng. Khi đó các cơ này sẽ liên tục bị căng ra. Nếu bạn căng thẳng quá lâu, các cơ này sẽ không có cơ hội được nới lỏng ra sẽ khiến bạn bị đau. Có rất nhiều cách để giảm thiểu căng thẳng như ngồi thiền, tập thể dục hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm.
Giữ thù hận trong lòng
Các nhà nghiên cứu đã cho thấy những người dễ tha thứ cho người khác là những người ít bị oán giận, trầm cảm, giận dữ và ít bị đau lưng hơn. Khi bạn giữ thù hận trong lòng, các cơ bắp cũng bị căng thẳng do đó gây đau lưng. Vì thế hãy tha thứ khi có thể, sống hài hòa và vui vẻ.
Phòng ngừa bệnh đau lưng
Để phòng ngừa đau lưng, cần tránh các tư thế sai như đứng lom khom, ngồi không thẳng, rướn người mang xách vật nặng…
Khi có dấu hiệu đau lưng, nên đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa cột sống để được hướng dẫn điều trị đúng đắn.
Hàng ngày, mọi người cần kiểm soát tư thế làm việc, sinh hoạt và tư thế nằm ngủ sao cho khoa học, hợp lý.
Thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, làm những động tác vươn vai giữa giờ có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa đau lưng do tư thế gây nên.
Khi ngủ, giường phải rộng rãi để có thể trở người một cách thoải mái. Những người luôn ngủ trong một tư thế, không trở mình khiến một phần cơ thể máu huyết lưu thông kém, cơ bắp bị chèn ép, có nguy cơ dẫn đến đau lưng. Tư thế ngủ tốt nhất là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa, tuy nhiên, cần phải thay đổi tư thế thường xuyên.
Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, một số người thường có thói quen rụt cổ, khom lưng hoặc co hông… Những tư thế này tuy có lợi cho những công việc cụ thể nhưng do tư thế đơn điệu, một số cơ bắp nằm trong tình trạng co rút lâu, dễ dẫn đến mệt mỏi, thậm chí bị tổn thương.
Mỗi người ngay từ khi còn trẻ nên chú ý uốn nắn, sửa chữa tư thế làm việc sinh hoạt cho đúng. Đối với những người không thể thay đổi tư thế do tính chất công việc, giữa giờ làm việc nên nghỉ ngơi, thư giãn, làm một số động tác ngược với tư thế làm việc.
Khi thay đổi tư thế nên thực hiện từ từ, không được thay đổi đột ngột. Khi bị trẹo lưng cần phải làm động tác xoay lưng nhẹ nhàng trong phạm vi có thể. Nếu cần thiết có thể đến bác sĩ để khám và điều trị, không nên xoa nắn lưng một cách tùy tiện.
Uống thuốc không phải là phương pháp tốt nhất trong việc phòng ngừa đau lưng. Một phương pháp khác có thể phòng ngừa đau lưng là tập luyện đi lùi.
Tuy nhiên, khi tập luyện phải chọn nơi địa hình bằng phẳng, rộng rãi, tốt nhất là có hai người cùng tập luyện và cần phải kiên trì tập trong một thời gian dài. Thời gian và cường độ luyện tập phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của bản thân, nên tiến hành tuần tự từ thấp lên cao, từ ít đến nhiều.
Một số mẹo hay phòng tránh đau lưng.
Giảm stress
Áp lực công việc cũng là một trong những nguyên nhân làm nên chứng mỏi mệt và đau nhức vùng lưng do cơ bắp mỏi và căng. Giảm được stress, bạn sẽ giảm được đau lưng.
Không nằm ì trên giường
Nhiều người bệnh cho rằng khi bị đau lưng thì nên nằm nghỉ trên giường nhưng điều này thực sự không tốt. Nằm trên giường trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên các đốt sống lưng. Trên thực tế, lưng sẽ trở nên kém linh hoạt. Vì vậy, hãy ra khỏi giường và sinh hoạt như bình thường nếu cơn đau không quá nghiêm trọng.
Thay đổi chế độ ăn hàng ngày
Ngoài việc tập thể dục thường xuyên, những người bị đau lưng nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường giảm đau. Điều này đơn giản bắt đầu từ việc uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Ngoài ra kết hợp với các thực phẩm làm mát cơ thể và giảm viêm như: rau lá xanh, đậu, táo, gừng, bơ, chuối, mùi tây, khoai lang, khoai tây.
Thay đổi liên tục vị trí của đôi chân
Khi thì co chân, khi thì thả về sau, đung đưa chân… nghĩa là giúp chân luôn di chuyển để máu lưu thông dễ dàng.
Vận động
Sau mỗi thời gian ngắn, hãy nên rời khỏi bàn làm việc, chỉ cần vài phút cũng là cách giúp cơ thể vận động.
Cân bằng trên hai chân
Tính chất công việc yêu cầu bạn phải đứng nhiều, hãy chọn một đôi giày thích hợp, thoải mái và luôn đứng thẳng, cân bằng trên cả hai chân.