Tuy không gây nguy hiểm nhưng chứng chuột rút ban đêm khiến bạn khó chịu và mất ngủ.
Chân bị chuột rút (vọp bẻ) vào ban đêm, tiếng Anh gọi là “nocturnal leg cramps” rất thường gặp ở người lớn tuổi và không phải là hiếm gặp ở người trẻ hơn. Tuy gây khó chịu, mất ngủ, nhưng chứng này thường không nguy hiểm. Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng ê đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày.
Ở người lớn tuổi, thần kinh ở chân, nhất là vùng bắp chuối hoặc bàn chân thường trở nên “khó chịu”, dễ bị kích thích hơn. Ðiều này làm cho bắp thịt bị co bóp và đọng chất calcium ở trong các tế bào của các bắp thịt nhiều hơn, khiến cho chúng khó giãn ra hơn.
Nguyên nhân
Chứng chuột rút thường không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân khác có thể gặp là:
– Tình trạng thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể như canxi, magiê, natri và kali. Điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có mang…
– Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, sự giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân.
– Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết.
Đôi khi, một số bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh về bắp thịt, các rối loạn về thần kinh… cũng gây ra triệu chứng chuột rút.
Cách xử lý
Việc đầu tiên của mỗi người là phải xem có bị các yếu tố nào như đã kể trên hay không để tránh. Nếu thiếu khoáng chất, hãy uống sữa hoặc bổ sung một hay hai viên canxi mỗi ngày. Ở người lớn tuổi, cảm giác khát nước thường giảm đi, do đó, cơ thể có thể bị thiếu nước mà không biết. Nên nhớ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục.
Những người ít vận động có thể phòng ngừa chứng chuột rứt ban đêm bằng cách đạp xe đạp tại chỗ một ít phút vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Các bài tập đơn giản làm căng bắp chuối cũng có thể có ích. Một trong những cách đơn giản có thể thực hiện tại nhà là đứng thẳng cách tường khoảng một mét, giơ thẳng hai tay chống vào tường, rồi nghiêng người về phía trước, làm cho bắp thịt ở bắp chuối căng ra, giữä ở tư thế này khoảng 10-30 giây, lặp lại khoảng 5 lần, làm như vậy bốn lần một ngày trong tuần đầu, sau đó mỗi ngày hai lần trong các tuần tiếp theo.
Một số phương pháp khác cũng có thể làm giảm chuột rút ban đêm, đó là chườm nóng ở các bắp thịt bị ảnh hưởng, nhất là trước và sau khi tập thể dục. Cũng cần chú ý đến việc đi giày sao cho vừa vặn và thích hợp.
Những người nào thường mang xăng đan hoặc giày ba ta đế phẳng và mềm khi đi bộ, có thể làm cho bàn chân bị mất độ vòm cần thiết. Chính điều đó cũng có thể gây ra chuột rút và đau bắp chuối hay các bắp thịt ở bàn chân.
Khi đã bị chuột rút, hãy lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên.
Có thể đi tắm hoặc ngâm (trong bồn tắm) nước ấm hoặc xoa bóp bằng nước đá.
Nếu không những chỉ là bị chuột rút thỉnh thoảng vào ban đêm, mà còn bị đau, bị chuột rút thường xuyên khi đi bộ, thì đó có thể là triệu chứng của chứng nghẽn các động mạch đến chân. Trong trường hợp này, cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì có thể nguy hiểm.
Món ăn người hay bị chuột rút nên ăn
Cháo hến: Hến sông 1,5kg, gạo tẻ 100g, gia vị chanh, ớt. Hến luộc chín, lấy nước và thịt bỏ vỏ. Nước luộc hến cùng gạo nấu thành cháo, thịt hến trộn gia vị. Sau đó phi hành mỡ thơm, cho thịt hến vào cùng gia vị mắm muối xào chín. Chờ khi cháo chín kỹ, cho món xào này vào trộn đều là được, thêm chanh ớt rau thơm ăn nóng. Một tuần dùng từ 3 – 4 lần. Công dụng: thịt hến tính mát, tác dụng bổ âm, cung cấp một số vi lượng cần thiết cho cơ thể, chủ yếu là canxi và kẽm. Tái lập và hoàn thiện quá trình dẫn truyền thần kinh, ổn định chức năng cơ bắp, từ đó có giá trị hữu hiệu việc phòng chống co cơ, chuột rút.
Cháo chân gà + thuốc bắc: Chân gà 3 đôi (6 cái), gạo tẻ 100g, hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm mỗi vị 15g, gia vị vừa đủ. Chân gà nướng cho vàng và chín thơm là được. Hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm cho vào ấm đổ nước sắc cho sôi kỹ, lọc lấy nước bỏ bã. Gạo, nước thuốc, chân gà hầm cùng với nhau thành cháo cho chín kỹ, nêm gia vị hành hoa ăn nóng. Công dụng: bổ khí huyết, tăng cường sức bền và chức năng hoạt động của cơ bắp, phù hợp cho người sức yếu, cân cơ hay bị rung giật, co cơ, chuột rút, ăn ít, sức lao động giảm sút.
Cần làm gì để phòng chuột rút?
Để phòng chuột rút, nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên làm lưu thông khí huyết. Nên vận động các cơ bắp thật nhẹ nhàng, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi ngày nên tập vận động như đi bộ, tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần.
Thường ngày có thể tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ. Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung dung dịch oresol).