Người ta nói không hề sai, đàn bà có cả trăm lý do để ly hôn nhưng họ luôn tìm lấy một lý do để ở lại.
Có một câu chuyện được chị em chia sẻ trên Hội bất mãn chồng có nội dung như sau: Người vợ lấy chồng được 5 năm và hiện đã có hai đứa con. Trước khi tiến tới hôn nhân, cặp vợ chồng này đã có thời gian yêu nhau 5 năm trời. Trở thành vợ chồng bởi một tình yêu “dài lâu” như vậy nhưng cuộc hôn nhân đó cũng không tìm được tiếng nói chung. Người vợ không cảm nhận được niềm hạnh phúc làm vợ, thấy hôn nhân như địa ngục nhưng vẫn cam chịu vì không muốn con thiếu cha hay thiếu mẹ.
Người vợ bày tỏ nỗi bức xúc: Yêu nhau rồi lấy nhau như thế cũng tròn 10 năm rồi nhưng một món quà, một bông hoa nhân ngày sinh nhật hay ngày gì đó cũng chưa từng có. Chồng là một kẻ vô cùng ích kỷ và ghen tuông vô tội vạ. Vợ không có vấn đề gì nhưng trong đầu luôn nghĩ vợ “thích của lạ”. Ra ngoài mà nghe ai đó nói điều gì không tốt về vợ là coi như về nhà xỉa xói mắng mỏ vợ không ra thể thống gì.
Không những vậy người chồng này còn “Đánh vợ như đánh chó ghẻ. Đánh mà đau cả một bầu trời, đau từ trong ruột gan ra ngoài thân thể.
Mặc dù vô cùng chán nản về chồng, nhiều khi muốn ly hôn cho xong nhưng nhìn đứa con 5 tuổi vô cùng đáng yêu lập tức ý nghĩ đó bị chặn lại. Trong suy nghĩ của người phụ nữ này, bố mẹ ly hôn sẽ mang lại nỗi đau cho con, nỗi đau của đứa trẻ sống thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Chị không ly hôn một phần cũng vì không đủ bản lĩnh để làm một bà mẹ đơn thân đã ly dị, không đủ can đảm để công bố cuộc hôn nhân không hạnh phúc với bố mẹ mình…
Người phụ nữ trong câu chuyện trên không phải duy nhất, còn rất nhiều người đang suy nghĩ giống chị. Nếu có một trăm lí do để bỏ chồng thì trong lòng người đàn bà luôn cố tìm kiếm một lí do để ở lại. Họ ngụy biện cho chính sự lưỡng lự và cam chịu của mình: “Chí ít chồng đã từng là người đàn ông rất tốt, là người mình từng thương yêu hết cả thanh xuân, vợ chồng đã có những năm tháng mặn nồng, người đàn ông ấy là cha của con mình…”
Đàn bà khi bước vào hôn nhân có ai không mong muốn mình được trọn vẹn? Trong cuộc sống vợ chồng, người vợ nhiều lần phải chịu sự vô tâm, ích kỉ, lười biếng của chồng. Dưới một căn nhà đều có một người đàn bà đang khóc. Thế nhưng, đàn bà giỏi chịu đựng. Sự vô tâm, ích kỉ của chồng, đàn bà đều ôm vào lòng để gia đình trọn vẹn, bình yên. Sẽ chẳng có một người chồng nào hoàn hảo, chỉ có những đàn bà giỏi chịu đựng.
Đàn bà khi đã kết hôn, lại có con chung với chồng đâu thể nói bỏ là bỏ. Sự an toàn với đàn bà luôn là những điều quen thuộc. Những năm tháng sống chung, người đàn ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Họ quen với mùi mồ hôi cơ thể, cả những thói quen giường chiếu, quen với việc có chồng bên cạnh…
Đứng trước quyết định có ly hôn hay không, đàn bà thường ru ngủ mình bằng những năm tháng đã từng hạnh phúc. Nhiều người đàn bà dùng chính quá khứ để ràng buộc mình dẫu hiện tại họ chẳng hề hạnh phúc.
Đàn bà dẫu chồng có tệ bạc đến mấy họ cũng không dễ dàng rời đi. Đàn bà mạnh mẽ, kiên cường nhưng tự sâu trong thâm tâm luôn mong muốn được yêu thương. Họ sợ con đường phía trước phải đi một mình. Sợ những giông gió, khổ ải mà một người đàn bà chẳng thể vượt qua.
Điều ràng buộc lớn nhất giữa đàn bà với chồng chính là con cái. Đàn bà khi có con, tất cả mọi hành động, suy nghĩ đều mong con mình an yên, hạnh phúc. Trong cuộc sống hôn nhân, dẫu đàn bà tan nát cõi lòng nhưng lại không thể rời bỏ vì con. Đàn bà mong con lớn lên hạnh phúc, mong con mình có một gia đình trọn vẹn đủ cha, đủ mẹ.
Không gì đau khổ với một người đàn bà hơn là có chồng tệ bạc. Càng khổ sở hơn khi có chồng mà không thể rời bỏ. Người đời thường bảo những người đàn bà như thế là nhu nhược, cam chịu, có khi tàn nhẫn hơn là nói họ ngu ngốc. Nhưng chỉ có những người đàn bà đó mới biết mình có lí do để ở lại bên chồng tệ bạc. Chỉ mong những người đàn bà đã và đang chịu quá nhiều thiệt thòi trong hôn nhân hãy mạnh mẽ và có những lựa chọn thật sáng suốt cho cuộc đời mình.
Theo Khỏe và đẹp