Nhờ thổ nhưỡng phì nhiêu hiếm có đã tạo nên những trái bí đao “khủng”, người dân ở Bình Định phải mắc võng để bí “ngủ”.
Những ngày qua, người dân ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang tất bật cho công việc thu hoạch bí đao “khủng” và tìm đầu ra cho sản phẩm này.
Theo người dân địa phương, bí đao thường được người dân xuống giống từ cuối tháng 11 và tháng Chạp và bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng Tư âm lịch, khi trái đã đạt trọng lượng 50kg đến 60kg mỗi trái.
Vì địa phương nổi tiếng trồng bí đao có trọng lượng lớn nên nhiều người dân hay quen gọi là “làng bí đao khổng lồ”. “Cũng không hiểu tại sao bí đao trồng ở đất này lại có trọng lượng lớn đến vậy. Nhưng tôi chắc một điều là nơi này hội tụ thổ nhưỡng phì nhiêu mà nơi khác không có. Cũng hạt giống bí đao này nhưng đem đến các nơi khác trồng thì trái rất nhỏ”, anh Phong người dân xã Mỹ Thọ cho hay.
Hạt bí đao do ông bà tổ tiên để lại từ hàng trăm năm trước và cứ vậy, mỗi mùa họ chọn trái bí đẹp nhất để làm giống cho mùa sau. Vùng đất này được bao vây bởi núi dựng ba mặt, hướng về phía biển, ở giữa là đầm lầy và là nơi hội tụ nhiều phù sa.
Tích xưa kể lại rằng, có một người khổng lồ đã gánh hai quả núi ngăn dòng thủy quái, đến nơi này thì đòn gánh gãy nên núi rơi xuống. Mùa lũ, đất núi lở theo nước chảy ồ ạt xuống lòng sông, lắng lại phù sa. Đến giờ, khu vực xã Mỹ Thọ vẫn là vùng trũng, mỗi năm được bồi đắp phù sa nên đất ở đây rất phì nhiêu.
Chị Bình, một người dân ở xã Mỹ Thọ đang rất lo lắng khi bí đã tới thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. “Năm ngoái giá bán 4.000 đồng mỗi ký. Tuy nhiên năm nay thì chưa thấy gì. Có người đến hỏi mua nhưng giá chỉ 2.000 đồng/kg nên tôi chưa bán dù bí đã tới ngày thu hoạch”, chị Bình cho biết.
Dù được mắc võng chằng chịt nhưng nhiều quả bí đao đã “phá” võng để rơi xuống đất. Trung bình mỗi trái bí đao ở đây đạt trọng lượng 50kg – 60kg. Người dân cho biết, những trái “khủng” còn có trọng lượng lên tới gần 100kg. “Nói vui chứ chui vào thăm bí đao mà lỡ sập giàn thì mệt. Bí đao nặng quá nên đè chết người cũng nên”, anh Hưng người dân xã Mỹ Thọ nói.
Bí khổng lồ vừa là điểm độc đáo nhưng cũng gây khó khăn khi thu hoạch. Người dân làng thường xúm lại hai, ba người để “rước” bí xuống đất. “Thu hoạch không cẩn thận bí rớt đè như chơi. Phải 2 người giữ, 1 người cắt dây”, một người dân thôn Chánh Trạch cho biết.
“Điều đặc biệt nước hứng từ các dây bí đao để càng lâu thì càng trong và thơm. Nếu chỉ cần có một giọt nước lã hoặc một loại nước nào đó mà dính vào nước bí đao hứng được từ dây thì nó sẽ hư và bốc mùi ngay”, anh Nguyễn Thanh Tuấn người dân xã Mỹ Thọ chia sẻ.
Theo Dân Việt