Nhiều người chả ưa gì chúng bởi chúng nào thì đốt, nào thì cắn, mùi thì hôi xì và hình thù thì xấu xí nhưng chúng cũng có thể trở thành những món đặc sản và tăng cường hệ miễn dịch cho con người.
Ong đất (ong vò vẽ)
Đây là một loài côn trùng cánh màng ăn thịt, rất dữ. Chúng sống thành đàn hoặc đơn độc, không làm mật; làm tổ dưới đất hoặc trên lùm cây, mái nhà.
Thế nhưng ấu trùng ong đất (3-5g) sắc uống hoặc sao vàng, tán bột có thể uống chữa bụng đau, nôn khan. Dịch chiết từ ấu trùng ong được pha chế thành dạng nước uống có tên là VAAM (Vespa amino acid mixture) có tác dụng làm tăng và bền sức rất tốt. Thuốc được dùng cho những vận động viên chạy đường dài.
Một số nơi người ta tìm tổ ong đất để lấy nhộng ong và ong non về làm thức ăn bồi dưỡng cho trẻ nhỏ gầy yếu, kém ăn, chậm lớn.
Ngài tằm
Tên thuốc trong y học cổ truyền là tàm nga. Thường chỉ dùng ngài tằm đực bắt vào 5-6 giờ sáng, đem vặt cánh, bỏ đầu và chân, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị mặn, bùi, béo, thơm, tính ấm.
Danh y Tuệ Tĩnh từng dùng ngài tằm đã chế biến tán thành bột, cho bệnh nhân uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói để chữa tiểu buốt do chứng lậu. Hoặc lấy bột ngài tằm trộn với mật ong bôi trong miệng, chữa cho trẻ nhỏ bị trúng gió, cứng lưỡi, khóc không ra tiếng.
Theo kinh nghiệm dân gian, ngài tằm đực còn làm thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh, chữa liệt dương, mộng tinh, không có con.
Kiến đen
Kiến đen chứa 40-67% protein gồm nhiều loại axit amin, trong đó có 8 chất không thay thế được. Tên thuốc trong Y học cổ truyền là hắc mã nghị, dược liệu có vị mặn, cay, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau.
Hàng ngày, lấy kiến đen rửa sạch, xào với mướp đắng ăn; kết hợp lấy kiến ngâm dầu lạc để một thời gian, dùng xoa bóp chữa viêm khớp, tê thấp, viêm gan mạn tính. Có nơi giã nát kiến đen đắp chữa mụn nhọt, rắn cắn.
Trứng kiến đen thường được đồng bào các dân tộc miền núi ở phía Bắc thu về để thổi xôi ăn hàng ngày làm thuốc bổ, tăng cường thể lực.
Cà cuống
Người ta bắt cà cuống vào tháng 4 đến tháng 9. Thịt và trứng cà cuống chứa protein, lipid và các vitamin với hàm lượng khá cao. Dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Từ xa xưa, cà cuống đã được coi là một loại thực phẩm quý thuộc hạng “sơn hào hải vị”. Trong dân gian, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc rán sau khi đã lấy túi tinh dầu.
Ngoài ra, cũng có thể để nguyên con, chỉ vặt bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang.
Sâu chít
Sâu chít là ấu trùng của một loài bướm. Sâu màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông, cắn đục thân cây làm cây ngừng sinh trưởng.
Dược liệu này có vị ngọt, tính ôn, được dùng thay thế vị đông trùng hạ thảo của thuốc bắc với tác dụng bổ tinh tủy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối.