Hành tăm là loại hành củ bé, vị cay, tính ấm, hương nồng, thường được dùng làm gia vị. Trong Đông Y hành tăm có tác dụng giải cảm , trị ho, giải độc, trúng gió cực hiệu nghiệm.
Mô tả cây
Hành tăm hay còn có tên gọi là hành trắng, củ nén, nén, tên khoa học là Allium schoenoprasum một loại thực vật thuộc họ hành. Được trồng ở nhiều nước châu Âu, châu Á, và Bắc Mỹ.
Hành tăm thường được dùng làm gia vị. Trong Đông Y nó có tác dụng như 1 vị thuốc.
Hành tăm thuộc giống thân thảo hình dáng giống cây hành hương nhưng chỉ cao từ 10-15cm cây nào cao nhất cũng chỉ tới 20-30cm.
Củ hành rất bé, đường kính chỉ tầm khoảng 2cm (vì vậy có tên gọi là hành tăm), áng chừng bằng đầu ngón tay út hay hạt ngô. Lớp vỏ bao quanh là các vẩy dai.
Lá và cán hoa hình trụ rỗng, nhỏ như cái tăm. Cụm hoa hình đầu cầu mang nhiều cuống ngắn.
Cây gần như mọc hoang ở vùng Địa Trung Hải tới Himalaya, được trồng ở Việt Nam từ rất lâu đời, cây dễ trồng, dễ nhân giống như hành hoa bằng cách tỉa hạt hay tách củ trồng như vào vụ Đông Xuân.
Hành tăm thu hoạch vào mùa hè thu, thường được dùng tươi cũng có khi ngâm rượu và sắc uống.
Ở nước ta hiện nay hành tăm được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, nhất là Nghệ An và Hà Tĩnh.
Công dụng chữa bệnh của hành tăm
Theo Đông y, hành tăm vị cay, tính ấm, mùi hăng nồng, có tác dụng ôn ấm tỳ vị, giải cảm, trúng gió á khẩu, nóng rét, tiêu đờm, trị ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, trị cảm hàn, bí tiểu, ngộ độc chì, côn trùng, rắn độc cắn…
Chứng trúng phong á khẩu và bài thuốc cứu người từ hành tăm
Trúng phong á khẩu là chứng bệnh có thể gặp ở bất kỳ người nào, ở mọi thời điểm, đến bất chợt và nếu không sớm biết cách xử lý sẽ gây cấm khẩu, dị tật, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Biểu hiện:
Người bệnh đột ngột ngả lăn ra bất tỉnh nhân sự, miệng méo xệch, hai hàm răng cắn chặt với nhau, tiếng đờm khò khè, hai tay nắm chặt, bán thân bất toại, vật vã không yên, mạch huyền sác, rêu lưỡi vàng nhớt.
Bài thuốc:
Theo Lương y Đình Thuấn (Báo sức khỏe và đời sống) người bị trúng phong á khẩu có thể dùng bài thuốc cứu nguy từ hành tăm như sau:
Lấy khoảng 20 củ hành tăm đem giã nát, vắt lấy nước cốt rồi dùng lông đuôi gà chấm nước hành thoa vào cổ cho người bệnh.
Vài phút sau người bệnh sẽ giảm dần triệu chứng co quắt tay, quai hàm cũng dần dần mềm và nhả ra, răng không còn nghiến chặt,…nên để bệnh nhân ở nơi thoáng mát, tránh gió để dần hồi phục tinh thần và trạng thái.
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng bài thuốc chữa chứng trúng phong á khẩu mà TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng hướng dẫn như sau:
Ngưu tất 40g, đại giả thạch 40g, long cốt 20g, huyền sâm 20g, thiên môn 20g, nhân trần 8g, mẫu lệ 20g, quy bản 20g, bạch thược 20g, khổ luyện tử 8g, sinh mạch nha 8g, cam thảo 6g. Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày lúc đói.
Những bài thuốc quý khác từ hành tăm
Theo Lương y Đình Thuấn (Báo sức khỏe và đời sống) hành tăm là vị thuốc quý và được sử dụng để chữa nhiều chứng bệnh thường gặp như:
– Giải cảm: Lấy 1 nắm củ hành tăm giã nát, hòa với ít nước để uống đồng thời lấy lá hành tăm vò nát với gừng cho vào túi vải hay khăn dùng để đánh gió bên ngoài cho người bệnh.
– Ho gà: lấy củ hoặc lá hành tăm giã nát hấp cách thủy với đường phèn, lấy nước uống.
– Bí đái, đái buốt, bụng đầy trướng: Đối với người lớn lấy 1 ít hành tăm đập dập, xào nóng lên rồi đắp vào bàng quang. Trẻ nhỏ đang bú mẹ thì lấy 4g hành đập dập cùng với 1 chén sữa mẹ hấp cách thủy lấy ra cho trẻ uống nóng.
– Chấn thương máu tụ: Lấy hành tăm nấu nước rửa vết thương rồi giã nát củ hành tăm đắp lên vết thương bên ngoài để qua đêm.
– Phòng trị rắn độc, trùng thú cắn: Trồng hành tăm quanh nhà để xua đuổi rắn độc. Khi bị trùng thú cắn nên nhai 1 nắm hành tăm, nuốt 1 nửa còn 1 nửa đắp lên vùng bị cắn sau đó kết hợp với Tây Y để điều trị.
– Ngộ độc thức ăn, ngộ độc chì: 6g hành tăm giã nhuyễn hòa rượu uống.
– Thổ tả nguy cấp: Giã nát 100g hành tăm sao nóng lên rồi chườm lên rốn, khi hành nguội thì thay mới, làm vài lần trong ngày sẽ khỏi.
– Côn trùng chui vào tai: Vắt nước củ hành nhỏ vào tai côn trùng sẽ tự chui ra.
– Nghẹt mũi, thở không thông: Lấy 1 ít hành tăm sắc lấy nước uống ngày 2-3 lần, vài ngày sẽ khỏi.
– Giun chui ống mật: Lấy 80g hành giã nát, vắt nước cốt trộn với 40ml dầu vừng hoặc dầu lạc để uống.
– Trị trúng độc, mặt xanh, thân lạnh: Gĩa nát 100g lá hành tăm lấy nước xoa khắp cơ thể.
– Trị chứng chảy máu cam: Nấu cháo với 100g hành tăm để cả rễ rồi cho thêm ít dấm, ăn nóng.
– Trị trẻ em hói đầu: Nấu nước hành tăm gội đầu rồi giã nát rồi trộn với ít mật bôi lên chỗ hói.
– Chữa mụn nhọt: Củ hành tăm nướng rồi giã nát đắp vào mụn nhọt khi còn nóng.
– Chữa tai biến mạch máu não: Ngay khi mới bị, giã nát nắm hành tăm trộn với nước tiểu trẻ em chắt lấy nước uống.
– Chữa viêm tuyến vú: Hấp 20-30g hành tăm đắp chườm vào chỗ bị đau.
– Chữa xơ vữa động mạch: 60g hành tăm, giã nát đun với 60g mật ong sau khi nguội cho vào bình đã khử khuẩn để dùng dần. Mỗi lần 5-7g hòa với nước sôi uống 2 lần/ngày.
– Chữa đau thần kinh sườn: 100g củ hành tăm tươi, 2 củ gừng sống, 2 miếng củ cải trắng đem giã nát, sao nóng cho vào khăn vải đắp vào chỗ đau.
– Chữa viêm khớp: 60g củ hành tăm, 15g gừng già giã nát, cho rượu trắng vừa đủ, đánh đều đắp vào chỗ đau.
– Chữa tay chân tê: Củ hành tăm 62g, gừng 16g, ớt 3g, đun nước uống. Ngày 2 lần.
Lưu ý: Hành tăm không được dùng chung với mật ong (sẽ gây buồn nôn, chóng mặt), kỵ với thuốc thường sơn, thục địa, sinh địa. Tháng giêng không nên ăn nhiều hành tăm vì dễ bị chứng phong chạy trên mặt.
Cách bảo quản hành tăm
Để hành khô vào rổ thưa, để nơi thoáng mát, lâu lâu phơi chỗ râm mát cho thoáng. Khi dùng bạn chỉ cần xoa xoa trong lòng bàn tay là lớp vỏ ngoài bong tróc hết rất dễ dàng.
Nếu để giải cảm bạn nên ngâm hành tăm với rượu để dùng dần. Khi bị cảm chỉ cần mang ra uống kết hợp xoa lên người thì giải cảm rất nhanh.