Đây là một trong những điều cực kì quan trọng bạn cần làm ngay sau khi tắm của bạn để giữ cho “vùng kín” khỏe mạnh.
Trong khi tắm, cơ thể bạn tiếp xúc với nước và xà phòng, sữa tắm hoặc các sản phẩm khác… Và chúng cũng không bỏ qua vùng kín của bạn. Vậy, sau khi tắm sạch sẽ, bạn cần làm gì tiếp theo?
Jason James, Giám đốc y tế của trung tâm y tế FemCare Miami, giải thích cho Glamour rằng: Việc vô cùng quan trọng mà chị em nào cũng cần làm ngay sau khi tắm là lau khô phần bên ngoài của âm đạo bằng một chiếc khăn sạch trước khi mặc quần áo. Ông cũng nhấn mạnh, đây là việc không cần phải vội vàng và bạn càng tuyệt đối không được mặc quần áo khi “vùng kín” vẫn còn ẩm ướt.
James giải thích rằng, bạn mặc quần lót khi âm đạo vẫn còn ẩm ướt tức là bạn đang khiến cho “vùng kín” của bạn có độ ẩm cao. Điều này có thể làm cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn, dẫn đến các vấn đề phụ khoa như nhiễm trùng nấm men. Và thực sự không chị em nào muốn mình bị nhiễm trùng nấm men.
” Nấm men có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường ẩm. Sự ấm áp, độ ẩm, và ma sát do cọ xát giữa âm đạo và quần áo có thể dẫn đến những khó chịu và những thay đổi độ pH, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và trở thành một bệnh lâm sàng”, James giải thích.
Ngoài ra, bạn có thể làm theo những lời khuyên sau để bảo vệ “vùng kín” của mình:
– Tránh tiếp xúc nhiều với xà phòng: Không sử dụng xà phòng có mùi thơm mạnh để vệ sinh “vùng kín” khi tắm vòi sen. Có nhiều loại dung dịch vệ sinh có sẵn nhưng chị em cần nhớ rằng nước sạch mới là tốt nhất, đặc biệt là nếu da bạn thuộc diện dễ kích ứng. Ngoài ra, tuyệt đối không thụt rửa bên trong âm đạo là một nguyên tắc hàng đầu chị em nào cũng cần nhớ.
– Không dùng nước hoa, chất khử mùi hoặc thuốc xịt thơm hay khăn lau khử mùi… cho “vùng kín”: Tất cả những sản phẩm có mùi thơm đều có thể gây kích ứng da và làm mất cân bằng pH bên trong môi trường âm đạo.
– Mặc đồ lót thoáng khí: Tránh mặc đồ lót quá chặt, bằng vải thun không thoát mồ hôi vì chúng có thể là “cái bẫy” vi khuẩn và dễ gây nhiễm trùng, kích ứng.
– Khám phụ khoa đúng định kì: Đi khám phụ khoa không chỉ đảm bảo bạn không có các bệnh nhiễm trùng và bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn giúp bạn kiểm soát sức khỏe sinh sản tốt hơn.