Nhiều phụ nữ đã đối diện với chứng trầm cảm sau sinh đã phải tự chiến đấu, vượt qua sự cô đơn, trong khi người nhà không nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí còn làm họ căng thẳng hơn.
Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy, khoảng 80% người mẹ đã trải qua tình trạng ủ ê, buồn bã ở các mức độ khác nhau sau khi sinh con, nhẹ là dễ xúc động, rơi nước mắt, lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, mất ngủ, nặng hơn là bực dọc, dễ nổi cáu, tính khí thất thường, thậm chí hoảng loạn, ghét con, muốn tự sát…
Tình trạng trầm cảm sau sinh sẽ đỡ hơn nếu như bà mẹ được nghỉ ngơi hợp lý, có sự hỗ trợ chăm sóc bé từ người thân hoặc hỗ trợ tinh thần từ phía gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít người mẹ đã phải vượt qua cơn khủng hoảng trầm cảm sau sinh này một mình mà không được người nhà thấu hiểu, thậm chí, còn vô tình làm họ bị căng thẳng kéo dài.
Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự chuyện nuôi con, nhiều người mẹ đã kể lại chuyện mình vật vã vượt qua trầm cảm sau sinh một mình mà không nhận được sự thông cảm từ phía gia đình và những người chăm sóc.
Bị trầm cảm vì “lời ong tiếng ve” của mọi người
Bị trầm cảm sau sinh do thay đổi đột ngột thói quen sống, cảm thấy tự ti về bản thân là điều nhiều người mẹ đã trải qua, nhưng có lẽ cảm giác này sẽ nặng hơn nếu không được người nhà thông cảm. Chị Đỗ Thị Hạnh chia sẻ: “Thoát ra khỏi trầm cảm sau sinh đã nửa năm, nhưng nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy sợ hãi, thậm chí không dám nghĩ đến chuyện sẽ có thêm em bé, vì sợ mình sẽ thành “bà điên” như đợt trước. Trong suốt thai kỳ, mình rất tự tin sẽ có thể sinh thường và nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng cuối cùng, thai nhi đã quá 41 tuần mà mình vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ nên phải mổ cấp cứu. 6 tiếng sau khi mổ, con được trả về cho mẹ. Mình muốn ôm con vào lòng, cho con bú ngay, nhưng vết mổ và những cơn co dạ con quá đau, mình như người bại liệt, không thể nhúc nhích được. Nhìn con bú bình sữa bột, mình cảm thấy bất lực, thấy mình là một người mẹ tồi vì đã không đem lại cho con khởi đầu hoàn hảo. Em bé bú bình chùn chụt, mọi người xung quanh nói cười ầm ĩ, khen bé bú giỏi, mình thì nằm bẹp trên giường và cảm thấy vừa tủi thân, vừa căm ghét chính mình. Sang ngày thứ hai, mình gượng dậy ôm con cho bú, nhưng do ít được mẹ ôm ấp từ đầu, lại bị bú bình, bé không biết cách bú mẹ, bú một lúc lại phải nhả ra hít không khí, còn mình thì nhói buốt hai bên ngực.
Nếu lúc ấy, mọi người động viên mình thì có lẽ, mình sẽ đỡ căng thẳng hơn. Thế nhưng, những người chăm sóc mình ở viện lại lời ong tiếng ve khiến mình như bị hóa rồ. Chị chồng mình bế bé, dí đầu bé vào ti mẹ, nhưng khi thấy mình vạch ti ra thì dè bỉu: “Giời ơi, cái đầu ti to đùng như ngón chân cái thế kia nó bú làm sao được?”. Khi mình mượn máy hút sữa để hút cạn sữa trong ngực và để dành cho bé bú cữ đêm, chị phán: “Hút ra được có 20ml thì chưa bõ dính mép nó, chị cho nó tu đã 60 ml/lần rồi!”. Đêm, con tự dưng khóc nức nở, mình dỗ thế nào bé cũng không nín. Mình nằm ôm con, định gượng dậy cho con ti, nhưng thấy bé khóc quá, bà nội giật bé ra khỏi tay mình, vừa bế bé đi loanh quanh trong phòng bệnh viện, vừa rung lắc bé, vừa hát ru cả tiếng. Mình xót quá bảo bà: “Mẹ đưa cháu đây cho con dỗ” thì bà cáu quát lại: “Mày có dỗ được nó đâu mà đòi, ngồi dậy còn không xong, việc đi vệ sinh còn phải có người giúp mà còn ý kiến gì” khiến mình càng đau khổ hơn.
Khi về nhà, mình quyết tâm dẹp hẳn bình, chỉ cho bé ti mẹ, nhưng bé thường xuyên bị sặc sữa, lại ngủ rất ít, cả đêm gần như thức trắng, khóc ầm ĩ và bắt bố mẹ bế đi rong. Mẹ chồng mình nghe tiếng bé khóc lại chạy vào quát: “Có mỗi việc chăm con, cho nó bú mà cũng không nên thân, để nó khóc kinh thế!” khiến mình càng khủng hoảng. Mình lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp, sợ con bị sặc, lúc con ngủ rồi mình cũng không ngủ nổi, thỉnh thoảng lại dậy sờ mũi con xem còn thở không, sờ ngực xem tim con còn đập không… Có đêm, con khóc dai quá, mình tức run người quát con loạn nhà, mọi người lại mắng mình xối xả, gọi mình là “con điên”, “đồ mẹ quạ mổ”, “vô cảm”, “dữ như chó đẻ”, còn chồng mình thì tát mình một cái đau điếng”.
Chị Hạnh tâm sự, tình trạng căng thẳng tâm lý của chị kéo dài khoảng 3 tháng, cho đến khi em bé hoàn toàn quen hơi mẹ, bú tốt và ngủ thành giấc, chị cũng dần nguôi ngoai. “Nghĩ lại thật kinh khủng! Mình không nghĩ đến chuyện làm hại con hay tự tử, nhưng luôn trong trạng thái bị kích động, luôn nghĩ rằng mình là một người mẹ tồi. Giá như lúc ấy, mọi người nhẹ nhàng, tâm lý với mình hơn, có lẽ mình sẽ không bị trầm cảm lâu thế!”
Cũng dính trầm cảm sau sinh và đã vượt qua, chị Nguyễn Bình Minh tâm sự, chính việc quanh quẩn suốt ngày với em bé, cho bú, thay tã, dỗ ngủ… là hết một ngày đã khiến chị luôn cảm thấy bực bội, căng thẳng. Làm sếp của một công ty truyền thông, ngay cả hồi đang bầu bí, chị Minh cũng rất năng động, gặp gỡ nhiều người, giao lưu công việc, quần áo lúc nào cũng tươm tất. Vậy mà khi sinh con, chị gần như bị “cách ly” với thế giới. Bố mẹ chị đã lớn tuổi nên không thể đến thăm, chăm sóc chị thường xuyên, chị lại là con một, bố mẹ chồng lại không nói chuyện nhiều với chị, bắt chị nói ít vì sợ về già sẽ nói nhịu, chồng thì ít nói, lại bận việc tối ngày, thành thử, chị Minh gần như chẳng nói chuyện được với ai. Chị nói chuyện với con, “thuyết minh” khi thay bỉm, khi massage hay cho con bú thì bị người lớn bảo là “hâm”.
Đã vậy, chị còn sốc vì thân hình “mẹ bổi” của mình. Bận con đến mức không còn thời gian để chải tóc, mất ngủ nên mắt thâm quầng như gấu trúc, cái bụng thì bèo nhèo, sữa lúc nào cũng chảy tong tỏng ướt hết quần áo, quyện với mùi mồ hôi mà lại không được tắm gội thường xuyên khiến chị càng chán hơn. “Được nửa tháng thì mình không chịu nổi nữa, gọi người đến nhà xông hơi, massage toàn thân, vừa để chăm sóc cơ thể, vừa là có người nói chuyện cho vui, bất chấp việc mẹ chồng chị ngăn cản, dọa nạt “không kiêng sau này sẽ khổ”.
Trầm cảm sau sinh vì… được quan tâm quá mức
Nói những lời khiến sản phụ chạnh lòng làm trầm cảm sau sinh nặng nề hơn đã đành, nhiều khi, sự quan tâm, săn sóc quá chu đáo của gia đình cũng có thể dẫn đến chuyện này. Không ít phụ nữ đã chia sẻ, sự thái quá của những người chăm sóc họ lúc sinh nở đã khiến tình trạng trầm cảm sau sinh của họ kéo dài.
Tâm sự trên một diễn đàn, chị Nguyễn Hồng Liên kể, con đã hơn 1 tuổi nhưng chị vẫn chưa vượt qua trầm cảm sau sinh. “Nhiều người nghe mình kể chuyện chắc nghĩ mình thuộc dạng có vấn đề, vì được gia đình chăm sóc như bà hoàng, đáng lẽ mình phải hạnh phúc mới đúng. Nhưng sự quan tâm thái quá lại làm mình thấy bực. Bé Bon nhà mình là cháu nội đầu tiên của gia đình. Bố mẹ ruột mình sống trong miền Trung, mình lại làm dâu miền Bắc. Ông bà ngoại không có điều kiện ra thăm cháu, chăm con nên tất cả do bà nội Bon lo. Suốt 3 tháng đầu, mình bị khủng hoảng vì “được” mẹ chồng tẩm bổ dữ quá, ngày nào cũng 5 cữ ăn toàn đồ bổ như tim hầm, gà, bồ câu hầm thuốc bắc, cháo móng giò, chân dê, chân chó, xôi nếp… Tính ra, mỗi ngày mình phải tiêu thụ hết 5 kg thực phẩm các loại, mà hầu như toàn đồ béo, ngấy. Bà nấu xong bê lên tận nơi và ngồi ép mình ăn hết sạch. Mình vừa ăn vừa khóc, xin bà giảm lượng thì chồng lại động viên: “Em cố ăn cho có sữa nuôi con, khỏi phụ công mẹ”. Hậu quả là sau 3 tháng, mình bị lên thêm 20 kg so với lúc mang bầu Bon.
Bà cũng rất quan tâm đến cháu, nhưng đôi lúc thái quá, ví dụ như cứ thấy Bon khóc, bà lại chạy xộc vào phòng mình dỗ dành, hôn hít nựng Bon, dù mình đã giải thích là kháng thể của trẻ còn non yếu, không nên hôn hít, bé dễ bị nhiễm vi khuẩn lạ. Bà còn ra “tối hậu thư” không được đóng cửa phòng để bà ra vào dễ dàng. Lắm khi, hai mẹ con đang ôm nhau ti, bà lại vào nhòm nhòm, cu Bon thấy thế lại quay ngoắt sang hóng chuyện, khiến mình rất bực.
Giờ Bon được hơn 1 tuổi rồi, phòng mình đã trở thành phòng “công cộng” vì ai cũng có thể xông vào, ức chế khủng khiếp. Hôm rồi bà còn bảo tập cai ti đêm cho Bon để đêm lên ngủ với bà, bà trông hộ “cho chúng mày còn có đứa nữa”. Đồng nghiệp khen mình sướng, chồng mình cũng góp ý, bảo mình không nên cáu kỉnh, nhăn nhó với bà, nhưng quả thực, từ khi sinh Bon, gần như mình không có nụ cười, lúc nào cũng cảm thấy ức chế, cảm giác đang bị kiểm soát, bị mất riêng tư”.
Cũng trong tâm trạng ấm ức giống chị Liên, nhưng là bởi mẹ chồng quá chăm sóc đến chuyện nhan sắc cũng như chuyện yêu đương của con dâu, chị Trần Thị Nga tâm sự: “Mẹ chồng mình suốt ngày ra rả: con ơi con phải nịt bụng vào không nó phèo hết ra, đến khi mày đẻ đứa thứ hai thì kinh lắm; rồi nói thẳng với ông xã mình: phải kiêng nhau ít nhất 6 tháng biết chưa, ham hố sớm là nó ốm yếu. Thậm chí, bà còn đi mua đệm, chăn chiếu riêng để bắt chồng mình ra phòng khách ngủ. Con được 4 tháng, mình nhớ chồng, ra phòng khách ôm anh, anh bảo: thôi cố kiêng như mẹ dặn đi. Lâu dần, mình bực dọc, cáu kỉnh, gây sự với anh. Giờ con được 9 tháng, bọn mình vẫn chưa gần nhau lại, và mình lúc nào cũng cảm thấy uể oải, chán nản”.
Trầm cảm sau sinh chuyện không mới nhưng cũng chẳng hề cũ. Sự nhạy cảm của những bà mẹ khi mới sinh con và những tác động chủ quan, khách quan đều có thể dẫn đến chứng bệnh này. Nếu không có sự quan tâm đúng mực của người trong cuộc và người thân thì tình trạng có thể trở nên diễn biến phức tạp. Cuộc chiến với nỗi cô đơn thường trực của các bà mẹ sẽ trở nên khó khăn nếu chính bản thân họ không chiến đấu với tâm trạng của chính mình. Thêm vào đó, hơn bao giờ hết họ rất cần nhận được sự quan tâm, thấu hiểu từ những người thân xung quanh để giúp họ vượt qua giai đoạn nhạy cảm này.
Theo lamme