Cô gái 22 tuổi đến khám mắt vì xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ, sau mỗi lần cô sử dụng điện thoại thì mắt không nhìn thấy gì như người mù trong vòng 15 phút. Tình trạng đó cứ lặp đi lặp lại và có chiều hướng nghiêm trọng hơn khiến cô rất lo sợ, phải đi khám bác sĩ.
Cô được các bác sĩ khám mắt, chụp MRI và kiểm tra tim nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường.
Cùng lúc, một người phụ nữ 44 tuổi cũng đến khám với dấu hiệu tương tự và sau khi kiểm tra, các bác sĩ cũng không phát hiện ra nguyên nhân do đâu.
Và sau khi tìm hiểu các thói quen, lối sống, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân, cũng chính là một thói quen chung của 2 người phụ nữ gặp hiện tượng kỳ lạ này: Sử dụng smartphone trong bóng tối trước khi đi ngủ.
Có lẽ điều này khiến khá nhiều người giật mình vì ngày nay, smartphone gần như là vật bất ly thân của con người, kể cả lúc ngủ. Do đó, việc dùng smartphone trước khi ngủ là một việc hầu như ai cũng làm.
Tuy nhiên, cơ chế gây mù tạm thời kéo dài suốt nhiều tháng này cũng có điểm đặc biệt, đó là nó chỉ xảy ra với những người nằm nghiêng và lướt điện thoại, đặc biệt là hết sức tập trung vào màn hình điện thoại như đọc tin tức hoặc chơi game. Khi nằm nghiêng, chỉ có một mắt tiếp xúc với ánh sáng màn hình điện thoại còn mắt kia thường chìm trong bóng tối do bị gối che lại.
Đây chính là lý do gây nên hiện tượng mù tạm thời ở con mắt tiếp xúc với ánh sáng màn hình điện thoại, vì nó cần thời gian để thích nghi với bóng tối.
Tình trạng mù tạm thời sẽ không dẫn đến mù vĩnh viễn nhưng khá bất tiện trong sinh hoạt thường ngày và thường kéo dài một thời gian, sau đó, nếu bạn không tiếp tục sử dụng smartphone trong bóng tối, cặp mắt mới trở lại bình thường được.
Theo các bác sĩ, để tránh rơi vào trường hợp này, bạn nên lướt điện thoại bằng cả hai mắt. Tuy nhiên, sử dụng smartphone trong bóng tối cũng không phải là một thói quen hay ho gì, vì nó có thể dẫn đến nhiều phiền toái khác cho cơ thể và làm bạn mệt mỏi.
* Những cách giúp bảo vệ đôi mắt khi sử dụng smartphone thường xuyên:
1. Luôn lau chùi màn hình smartphone bằng vải sợi nhỏ và theo hình vòng tròn của màn hình từ trong ra ngoài.
2. Điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp với mắt và ánh sáng xung quanh để tránh chói mắt.
3. Điều chỉnh kích thước văn bản và độ tương phản để giúp mắt không phải điều tiết nhiều.
4. Không nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại trong thời gian quá lâu, hãy giải lao giữa giờ cho đôi mắt được nghỉ ngơi.
5. Để điện thoại cách mắt một khoảng cách nhất định, không nên để quá gần.