Bạn có thể dễ dàng tìm thấy chiếc áo như thế này ở hầu hết cửa hàng bán quần áo trẻ em hoặc ngoài vỉa hè. Chúng rất được ưa chuộng. Vậy có gì không ổn với chiếc áo này?
“Áo khoác loại này có thể giết chết trẻ con”, đây chính là câu trả lời của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ khi họ yêu cầu thu hồi số áo trẻ em này. Bức ảnh trên được dán trên bảng tóm tắt hàng tháng các mặt hàng tiêu dùng nguy hiểm từ Trung Quốc (tháng 12/2014).
Điểm mấu chốt nằm ở hai sợi dây trên nón của chiếc áo. Theo quy định ở Mỹ, các loại quần áo dành cho trẻ từ 2-12 tuổi hoàn toàn không được có dây rút. Bởi vì, trẻ có nguy cơ tử vong khi các sợi dây bị vướng hoặc kẹt vào các vật khác khiến trẻ bị siết cổ.
Điều này, không phải là người Mỹ cẩn thận thái quá mà là do họ đã có những bài học rất bi thảm. Từ tháng 1/1985 đến tháng 6/1995, Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ đã nhận được bản báo cáo về 12 trường hợp bị thương vong vì mặc các loại quần áo dây rút này. Trong khi trẻ em hoạt động, những sợi dây rút dễ mắc vào các thiết bị trò chơi trong sân trường, thang cuốn và các thiết bị khác… làm chúng bị chấn thương, siết cổ, nghẹt thở.
Sau đó, ủy ban đã kêu gọi mọi người nên tránh sử dụng các sản phẩm quần áo dây rút để cải thiện vấn đề, nhưng không thành công. Do đó, họ phải đưa ra quy định trên. Không chỉ Hoa Kỳ, mà ở các nước khác như EU, Canada, Úc… cũng có quy định tương tự. Tất nhiên , trẻ em Trung Quốc cũng không phải là “mình đồng da sắt”. Các kênh truyền thông cũng từng đưa tin rất nhiều về các vụ việc liên quan đến “kẻ giết người” này. Hầu hết xảy ra khi các bé bị trượt ngã trong lúc chơi đùa ở trường mẫu giáo.
Chẳng hạn như vào tháng 1/2007, bé gái 4 tuổi ở Quảng Tây trong khi đang chơi trong sân trường thì bị ngã. Sợi dây rút trên nón áo bị thắt lại quấn quanh cổ làm bé bị nghẹt thở. Tương tự như trường hợp trên năm 2011 tại Giang Tây, một cậu bé ba tuổi cũng bị dây áo từ phía sau xiết chặt cổ. Ngày 5/11/2012, một em bé ở Đông Quan cũng thiệt mạng vì những sợi dây thừng này. Tháng 9/2013, cậu bé ba tuổi đã chết trong một trường mẫu giáo tại Thái Khang, Hà Nam, nguyên nhân cũng là vì những sợi dây rút này…
Mặc dù có rất nhiều lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các sợi dây áo quần, nhưng các doanh nghiệp vẫn làm theo tiêu chuẩn riêng của mình mà ít quan tâm đến chúng. Giờ đây sau khi đọc bài này, bạn hãy kiểm tra lại xem con cháu nhà mình có đang mặc kiểu áo khoác dây rút này không?