Theo các bác sĩ, tụ cầu là một loại vi khuẩn sống trên da rất bình thường nhưng chỉ một vết xước nhỏ tụ cầu vàng này có thể gây tử vong cho bất cứ ai đặc biệt là trẻ em.
Nguy kịch chỉ vì gãi ngứa
Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từng cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhi thập tử nhất sinh vì tụ cầu vàng kháng thuốc. Bé là Nguyễn Thành D. 12 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội bị sốt xuất huyết.
Sau đợt sốt, D. ngứa nên gãi xây xước cả da tay và da chân. Cảm giác ngứa gãi càng mạnh, bé càng dễ chịu. Tuy nhiên được 1 thời gian sau cháu lại sốt trở lại. Đợt sốt này bé bị sốt liên tục, không hạ được sốt.
Gia đình đưa đến bệnh viện huyện nhưng tình trạng tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng diễn biến quá nhanh nên cháu được bệnh viện chuyển thẳng lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Khi đến nơi, các bác sĩ tiếp nhận cháu trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng huyết.
Lúc này, các bác sĩ không biết biểu hiện của bệnh gì vì cháu nhiễm trùng huyết viêm phổi. Nhiều cuộc hội chẩn đã được tổ chức nhưng các bác sĩ vẫn không xác định được đó là vi khuẩn gì, tấn công từ đâu.
Toàn thân bệnh nhân chỉ có vài vết xước đã liền sẹo ở chân và tay.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bằng kinh nghiệm ông nghĩ ngay ra tụ cầu vàng.
Đây là vi khuẩn sống trên da người và dễ xâm nhập vào máu qua vết xước. Đáng lo nhất là vi khuẩn này kháng thuốc.
Bệnh tình của cháu diễn biến xấu, nếu chậm trễ cháu có thể tử vong. Vì thế, không đợi kết quả cấy máu, các bác sĩ đã sử dụng phác đồ kết hợp nhiều thuốc kháng sinh thế hệ mới để cứu cháu bé.
Rất may, đúng như dự tính chẩn đoán, kết quả cho thấy đó là tụ cầu vàng. Nhưng lúc này diễn biến cháu bé viêm phổi, tràn dịch khí màng phổi, nhiễm trùng huyết, tình trạng sốt không giảm.
Sau khi thử các loại kháng sinh không hiệu quả, bác sĩ phải chuyển sang kháng sinh thế hệ thứ 3 mới khu trú được vi khuẩn để điều trị bệnh.
Với vi khuẩn tụ cầu vàng, khi xâm nhập vào cơ thể rất dễ gây nhiễm trùng huyết, biến chứng viêm phổi.
Để điều trị tụ cầu vàng kháng thuốc cũng vô cùng khó khăn và chi phí điều trị rất lớn, vì các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới rất đắt mà phải sử dụng kết hợp nhiều thuốc.
Nguy cơ từ các khu vui chơi
Một trường hợp khác là bé Nguyễn Thiện An, 5 tuổi trú tại Hoài Đức, Hà Nội cũng suýt chết vì nhiễm tụ cầu vàng.
Bé An được mẹ cho đi chơi nhà nhún và nhiều trò chơi khác trong công viên. Chị thấy con bị ngã với vết xước rất bé. Chị không ngờ vết xước nhỏ xíu đó suýt lấy mạng con mình.
Sau hơn 1 tuần, cháu bị ngứa gãi vết xước liên tục rồi chuyển sang sốt cao. Ban đầu chị tưởng con sốt vi rút nhưng cho uống thuốc hạ sốt không đỡ. Càng ngày tình trạng sốt càng cao và bé lịm đi.
Gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu.
PGS Dũng cho biết trước những năm 2000 trẻ bị nhiễm trùng máu do mụn nhọt, mụn đầu đinh, chốc đầu rất nhiều. Đây là do tụ cầu vàng gây ra nhưng đôi khi cha mẹ đổ lỗi đó là mụn nhọt do nóng trong người phá ra.
PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là một loại vi khuẩn sinh sống ở trên da người và ít gây bệnh và khi gặp vết thương nhỏ xíu, vết xước da, mụn trên người kèm theo vệ sinh không sạch sẽ.
Với những người có sức đề kháng kém, vi khuẩn này cũng có thể xâm nhập vào trong máu gây ra các bệnh nguy hiểm nhưng áp xe phổi, viêm tuỷ xương, viêm nội mạc, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết dẫn đến suy đa phủ tạng.
Những năm gần đây, bệnh tụ cầu vàng không còn phổ biến nhưng vẫn rất nguy hiểm. Vì thế, khi thấy các vết xước, mụn nhọt phải hết sức cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ để tránh vi khuẩn tụ cầu vàng di cư vào trong máu gây bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, không chỉ tồn tại trên da mà vi khuẩn này còn có mặt ở nhiều nơi mà có thể lây qua tiếp xúc.
Khuẩn tụ cầu có ba loại: Tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh. Trong đó, tụ cầu vàng nguy hiểm nhất, vì gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là những bệnh cấp tính, nặng và có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khu vui chơi của trẻ em như nhà bóng, nhà hơi, cầu tuột, thú nhún… có thể được xem là “ổ” vi trùng.
Vì mỗi ngày có hàng trăm trẻ chơi, mồ hôi các bé, dịch tiết từ mũi họng, thậm chí là nước tiểu, dịch ói có thể dính vào các quả banh, mặt sàn, nên chuyện lây bệnh là điều khó tránh khỏi.