Bỏ tiền để tráng nhựa con đường lầy lội, một nhà hảo tâm ở huyện Củ Chi tố bị công an xã Tân Thạnh Đông còng tay vì chưa xin phép.
Bị còng tay vì làm đường không xin phép?
Nhiều ngày qua, ông Bùi Hoàng A. (ngụ xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã gởi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng, báo chí trình bày về việc mình bị lực lượng chức năng xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM làm khó dễ, thậm chí còng tay gây thương tích khi chưa xin phép tráng nhựa lại con đường lầy lội.
“Ngày 4/5, tôi có hỗ trợ người dân ở Ấp 6, xã Tân Thạnh Đông 200 triệu để tráng nhựa lại con đường nông thôn dài khoảng 100m, rộng khoảng 3m. Trong quá trình tráng nhựa lại con đường, lực lượng chức năng địa phương đã xuống hiện trường lập biên bản sự việc và yêu cầu đình chỉ thi công”, ông A.thông tin.
“Do người dân phụ việc khá đông nên con đường hoàn thành khá nhanh. Khoảng 8h30 sáng 4/5, công an xã và cán bộ xã đến yêu cầu ngừng thi công vì đường chưa được cấp phép.
Sau đó, tôi đi mua xăng đổ vào xe lu để tiếp tục làm việc. Trên đường về, tôi bị tai nạn giao thông ngã văng ra đường. Ngay sau đó, nhóm cán bộ thuộc người trong UBND đến còng tay tôi rồi đưa cả người lẫn xe về trụ sở”, ông A. nói.
Theo lời kể của ông A, đến khoảng 21h đêm 4/5, vết thương của ông A sưng to nên các cán bộ đưa ông đi bệnh viện chụp X Quang, sau đó đưa trở về trụ sở xã và đến 10h ngày 5/5 thì ông được về nhà.
Ông A. cho rằng, con đường này giá trị rất nhỏ, do thấy trước đây trời mưa trơn trợt, dễ gây té ngã cho người già và trẻ em nên ông hỗ trợ miễn phí làm đường do đó, không xin phép UBND xã Tân Thạnh Đông.
“Sau khi làm việc, phía UBND phường yêu cầu tôi nộp phạt với số tiền 4 triệu đồng và yêu cầu hoàn trả lại mặt đường hiện hữu từ trước. Bên cạnh đó, công an còn tạm giữ 2 phương tiện là 1 xe lu, xe máy và 1 điện thoại di động của tôi”, ông A. cho biết thêm.
Có mặt tại con đường trên vào chiều 13/6, phóng viên ghi nhận, đường được san phẳng và mới tráng nhựa, trong con đường ngắn có 3 hộ dân đang sinh sống.
“Việc làm đường cho người dân để tránh té ngã là cần thiết. Tuy nhiên, ông A. chưa xin phép chính quyền nên có thể bị cưỡng chế”, ông T. (người dân sống tại đây) cho hay.
Ông T cho hay, con đường này hiện hữu từ trước, giáp ranh bên trái là đất của công trường. “Trước đó, người dân đã làm hồ sơ xin UBND xây dựng lại đường nhưng không được chấp thuận. Từ đó, đường trở nên lầy lội, xấu xí khi trời mưa xuống, nhiều người dân đi vào đường bị té ngã, thậm chí cắm đầu xuống cống”, ông T. thông tin.
Được biết, ông A. từng được UBND xã Tân Thạnh Đông tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác tham gia bắt cướp. Theo tìm hiểu của PV, ông A. từng xây dựng nhiều cây cầu dân sinh miễn phí ở huyện Củ Chi để tiện cho việc đi lại của người dân sống tại đây.
Sẽ trả lời bằng văn bản?
Để tìm hiểu thực hư thông tin sự việc, PV đã đến UBND xã Tân Thạnh Đông.
Tiếp chúng tôi, một cán bộ văn hóa cho biết, Chủ tịch UBND xã đang họp nên không thể tiếp báo chí, phóng viên để lại câu hỏi và UBND sẽ trả lời bằng văn bản trước 10 ngày.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết, chưa nắm được sự việc và sẽ cho rà soát lại.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin phóng viên phản ánh rồi gởi đến Chánh Văn phòng huyện để trả lời báo chí”, vị đại diện nói.
Sáng 18/6, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện Công an huyện Củ Chi xác nhận đã nghe sự việc trên và đang tiến hành điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi đang chờ báo cáo bên Công an xã Tân Thạnh Đông về sự việc và sẽ có báo cáo chính thức cho báo chí”, vị đại diện Công an huyện Củ Chi khẳng định.
Ngày 22/6, chúng tôi tiếp tục đến UBND huyện Củ Chi để phản ánh về sự việc gây bức xúc trên, tại đây, vị Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi cho biết đã đề nghị Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông trả lời báo chí về sự việc trên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi đến trụ sở UBND xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) thì phía UBND xã lại tiếp tục đề nghị phóng viên để lại câu hỏi và sẽ trả lời bằng văn bản!
Theo Trí Thức Trẻ