Stress cũng có lợi! Nghe có vẻ lạ, nhưng ở một chừng mực vừa phải, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng những lợi ích mà stress tích cực mang lại.
1. Sự căng thẳng tích cực
Hans Selye – nhà khoa học tiên phong trong các nghiên cứu về stress nhận định: stress như là muối của cuộc đời. Trong một chừng mực vừa phải stress không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Thậm chí, ông còn đưa ra khái niệm “eustress” dùng để chỉ những căng thẳng lành mạnh. Tiền tố “eu” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tốt, khi gắn liền với từ stress nó mang nghĩa là những loại stress tốt, stress tích cực (trái ngược với nó là distress – căng thẳng tiêu cực).
Eustress chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng nó đem đến sinh lực mới cho cơ thể bạn. Eustress tạo cho chúng ta tâm lý cạnh tranh và quyết tâm cao độ trong học tập làm việc, đầu tư kinh doanh, thi đấu thể thao hay phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm… Loại stress này giúp lượng máu dồn đến các cơ bắp để làm các cơ bắp cứng lên, nó cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp trong máu. Khi sự kiện hay mối nguy hiểm qua đi, cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.
2. Stress chuyển dạ có lợi cho trẻ
Những bà mẹ đang nung nấu ý định sinh mổ đơn giản chỉ vì sợ đau hay muốn chọn ngày tốt có thể suy nghĩ lại khi biết được những thông tin thú vị sau đây:
Khi stress chuyển dạ xuất hiện, ngay lập tức cơ thể sản phụ tiết ra những nội tiết tố để chống lại stress, đồng thời làm dịu bớt cơn đau. Trong đó, sự xuất hiện của catecholamines (một loại nội tiết tố có lợi) trong cơ thể người mẹ và trẻ sắp sinh cũng tương tự như việc cơ thể phản ứng lại sự tác động của stress hay các tình huống đe dọa sự sống để đấu tranh sinh tồn.
Ngoài ra, tuyến yên của sản phụ và đứa trẻ cũng được kích thích để tiết ra các loại hormone khác có lợi cho cả mẹ và con. Từ đó, có thể khẳng định, phản ứng stress tạo ra trong quá trình chuyển dạ có tác dụng nâng đỡ trẻ khi chuyển sang cuộc sống bên ngoài tử cung.
3. Mẹ stress sinh con nhanh nhẹn
Chúng ta luôn nghĩ, mọi sự lo âu phiền muộn của thai phụ đều bất lợi cho đứa trẻ trong bụng nên phải tránh càng xa càng tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH John Hopkins (Baltimore) lại chứng minh điều ngược lại: stress tất nhiên không tốt cho mẹ nhưng một chút căng thẳng, lo âu lại là điều có lợi cho thai nhi.
Khi theo dõi 137 thai phụ (không có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không bị trầm cảm, thụ thai tự nhiên, thai nhi phát triển bình thường), nhóm nghiên cứu phát hiện: Sự lo lắng, căng thẳng ở mức bình thường của các bà mẹ mang thai từ tuần 24-32 sẽ cho ra đời những đứa trẻ lanh lợi, hoạt bát và hiếu động từ tuổi lên 2.
Các nhà khoa học giải thích, khi bà mẹ bị stress (mức độ vừa phải), não bộ sẽ điều khiển các bộ phận chức năng tiết ra các hóa chất, những hóa chất đó đều là những chất có tác dụng tốt cho sự tăng trưởng và phát triển cho trẻ.
4. Thông minh hơn
Khi bạn căng thẳng, tuyến thượng thận sản sinh ra các loại hormone, trong đó có cả adrenaline (làm tăng nhịp tim và tăng năng lượng) và cortisol (tăng glucose trong máu). Nếu cơ thể bạn bị áp đảo bởi các hóa chất này trong một vài tuần hoặc vài tháng, bạn bắt đầu thấy những tác động có hại. Nhưng trong một thời gian ngắn (một ngày hoặc ít hơn), stress có thể làm cho cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn và trí óc trở nên nhạy bén hơn.
Vì vậy, khi bạn đã cố hết sức để đi ngủ nhưng không được thì đừng cố ép mình, hãy ngồi xuống cùng với bản báo cáo hay bảng tính và nghỉ ngơi sau khi đã bình tĩnh lại. Ngay cả khi bạn tham gia một cuộc phỏng vấn trực tiếp (VD: phỏng vấn xin việc) hay khi làm bài thi, sự căng thẳng, hồi hộp sẽ khiến bạn tập trung, suy nghĩ nhanh và rõ ràng hơn.
5. Dễ dàng “kết nối” với người khác
Khi bị stress, cơ thể bạn giải phóng ra hormone oxytocin. Oxytocin có thể giúp bạn bình tĩnh hơn, nó khiến cho cảm giác căng thẳng trong bạn không biến thành những cơn giận dữ.
Một công trình nghiên cứu tại Đại học Bar IIan của Israel còn chứng tỏ, những phụ nữ có mức oxytocin cao hơn khi mang thai có mối quan hệ thân thiết hơn với đứa con vừa chào đời. Những bà mẹ có mức oxytocin cao hơn thường nhìn con bằng ánh mắt âu yếm, sờ nắm và có những biểu cảm tích cực khi chăm sóc trẻ hơn những bà mẹ có nồng độ oxytoxin trong máu thấp khi mang thai.
6. Tăng cường hệ miễn dịch
Sự xuất hiện của stress có thể là dấu hiệu thông báo cơ thể bạn sắp sửa phải đối mặt với bệnh tật. Chúng có thể tăng cường hệ miễn dịch trong một thời gian tương đối dài, một nghiên cứu tại Trường Y khoa Stanford cho biết. Và bạn không phải làm gì hết ngoài việc tận hưởng hiệu quả của sự căng thẳng ngắn hạn đối với cơ thể.
7. Hy vọng về loại vaccine trị cúm mới
Một thập kỷ qua, giới khoa học đã rất nỗ lực trong việc kìm hãm và đẩy lùi stress (vốn được cho là nguyên nhân khiến cho con người dễ dàng nhiễm các loại virus, đặc biệt là bệnh cúm).
Nhưng, phát hiện mới của các nhà khoa học thuộc ĐH Columbus đã khiến cho giới chuyên môn hết sức kinh ngạc. Họ phát hiện ra có ít nhất một loại stress có thể cũng cố phản ứng miễn dịch khi thí nghiệm trên chuột (điều này có thể diễn ra tương tự ở người).
Họ dự đoán, loại stress này có khả năng tăng cường “bộ nhớ” của vaccine cúm và do đó tăng cường khả năng chống chọi với virus. Hiện tại, cơ chế hoạt động cụ thể của loại stress tích cực này vẫn chưa được khám phá. Nhưng các nhà khoa học vẫn có cơ sở để hy vọng sẽ tạo nên một loại vaccine chữa cúm mới hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với người già bởi họ thường kém phản ứng với vacine, phản ứng miễn dịch không còn tốt.
Các nhà khoa học thấy rằng, stress ở mức độ thấp sẽ sản sinh ra những hormone có ích chống lại những sự thay đổi khác nhau. Nhưng cũng phải nói rõ, stress mãn tính sẽ khiến cơ thể dư thừa loại hormone đó. Điều này lại thực sự nguy hiểm. Và trong lúc chờ đợi sự ra đời của vaccine tương lai này, không có nhà nghiên cứu nào cho rằng chúng ta nên thường xuyên tiếp xúc với stress nhẹ để tránh cúm.