Cho dù nhu động ruột của bạn có mượt mà cỡ nào thì táo bón cũng có lúc tìm đường đến với bạn. Lúc này, bạn có thể tìm mua thuốc chống táo bón cả Đông và Tây y, nhưng điều quan trọng là tìm cho ra nguyên nhân gây táo bón.
Nếu bạn thắc mắc tại sao việc đại tiện lại khó khăn hơn bình thường, 11 gạch đầu dòng dưới đây sẽ giải thích tất tần tật cho bạn. Đừng ngạc nhiên nếu một vài nguyên nhân có thể khiến bạn ngã ngửa nhé.
1. Chất xơ
Đúng vậy, loại chất quan trọng giúp bạn nhuận tràng đôi khi lại gây tắc nghẽn ruột già. Sai lầm mà nhiều người phạm phải là nạp quá nhiều chất xơ mà không uống nhiều nước. Vì chất xơ hút nước nên việc thiếu nước sẽ khiến thức ăn nằm lại trong dạ dày lâu hơn và vón lại như… đá cuội vậy. Vì vậy, để phát huy hết công dụng của chất xơ thì bạn hãy uống nhiều nước nhé.
2. Mất cân bằng tuyến giáp trạng
Tuyến giáp điều tiết rất nhiều cơ quan trọng cơ thể. Khi các hóc-môn tuyến giáp không hoạt động đúng chức năng, toàn bộ cơ thể sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, đặc biệt là ruột. “Hệ thống càng chậm thì ruột già càng vận hành mất thời gian khi phải tái hấp thụ các chất cặn bã từ hệ tiêu hóa, kết quả là bạn vừa khó đi tiêu vừa ít đi tiêu. Tiên sĩ Catherine Ngo thuộc Trung tâm Y khoa Saddleback Memorial ở California, Mỹ, khuyên bạn nên đi khám để kiểm tra chức năng tuyến giáp. Khi sức khỏe tuyến giáp ổn định, bạn sẽ đi tiêu trở lại dễ dàng.
3. Du lịch
Bị táo bón khi đi du lịch là điều rất thường gặp, nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt hằng ngày. Giải pháp là bạn nên bổ sung nhiều chất xơ và uống nhiều nước, cố gắng vận động thường xuyên và giữ cho lề thói sinh hoạt càng giống ngày thường càng tốt.
4. Cơm trắng
Gạo bị tẩy trắng sẽ mất hết các dưỡng chất giúp bạn nhuận tràng như chất xơ, protein, canxi, magiê và kali. Còn lại những chất xơ khó tiêu hóa sẽ cản trở ruột hoạt động, dẫn đến táo bón. Thay vì gạo trắng, hãy chọn gạo lứt giàu dưỡng chất.
5. Thói quen nhịn đi nặng
Nhiều người cố nhịn để tránh phải đi nặng trong nhà vệ sinh công cộng, còn một số khác lại nhịn vì đang bận rộn công việc. Nếu việc này diễn ra quá thường xuyên, cơ quan thụ cảm tự nhiên trong cơ thể (cơ quan thông báo đã đến lúc phải đi tiêu) có thể bị mất khả năng. “Rốt cuộc các cơ trong trực tràng và cơ vòng khoang trong hậu m.ôn sẽ bị mất phương hướng, dẫn đến táo bón”, tiến sĩ Gina Sam thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ) cho biết. Thêm vào đó, phân càng nằm lâu trong cơ thể, ruột già sẽ càng hấp thụ hết nước từ phân khiến nó trở nên… chai ngắt. Tới lúc chỉn chu ngồi vào nhà vệ sinh thì bạn đã hết đi được rồi.
6. Thiếu hụt kali
Kali là một chất điện giải quan trọng giúp các cơ hoạt động nhịp nhàng. Khi cơ thể thiếu hụt kali, các cơ trong ruột sẽ lười biếng vận động, dẫn đến táo bón. Gải pháp rất đơn giản, hãy ăn các thực phẩm giàu kali như chuối, khoai tây, xoài, nho khô, mận khô, kiwi…
7. Mang thai
Sự thay đổi hóc-môn trong quá trình mang thai sẽ khiến đường tiêu hóa chuyển qua chế độ thư giãn, nghĩa là giảm độ co bóp của dạ dày. Khi bào thai càng lớn, áp lực từ thai nhi càng khiến việc thông ruột trở nên khó khăn. Bạn hãy năng vận động nhẹ, bổ sung nước và chất xơ để làm mềm mớ… hỗ lốn trong dạ dày. Nếu cần thiết, bạn có thể dùng các loại thuốc nhuận tràng dành cho thai phụ.
8. Hội chứng ruột kích thích
Nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C), cơ thể sẽ không thể đẩy thực phẩm từ dạ dày xuống ruột già nhanh được. Điều này kết hợp với việc ruột già tiết không đủ nước, sẽ dẫn đến phân cứng. Giải pháp là uống thuốc kê toa, áp dụng chế độ ăn uống đặc biệt, thiền và liệu pháp nhận thức hành vi.
9. Sữa và chế phẩm từ sữa
Các loại sữa béo có thể gây táo bón do hàm lượng chất béo cao mà lại ít chất xơ. Chất béo có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, trong khi đó, bệnh khó dung nạp lactose (đường có trong sữa) sẽ gây tiêu chảy hoặc táo bón. Bạn có thể cắt giảm lượng sữa và chế phẩm từ sữa, hoặc tăng cường bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.
10. Viên uống bổ sung canxi
Việc bổ sung canxi dù dưới hình thức nào cũng có tác động nhẹ đến phân. Dư thừa canxi trong máu có thể khiến các mô dạ dày rơi vào tình trạng lười biếng. Bột canxi carbonate (CaCO3) gây ra táo bón nặng nhất, bạn nên chuyển qua canxi citrate Ca3(C6H5O7)2. Tuy nhiên, cách tốt nhất để bổ sung canxi mà không gây táo bón là uống sữa tách béo và nước cam tăng cường canxi.
11. Uống quá nhiều thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng kích thích hoạt động của dạ dày, nhưng quá lệ thuộc vào thuốc có thể dẫn đến táo bón. Theo thời gian, các tế bào thần kinh chuyên giải phóng các chất giúp dạ dày thực hiện nhiệm vụ sẽ bị tê liệt. Điều này buộc bạn phải uống thêm nhiều thuốc nhuận tràng liều cao. Cuối cùng là thuốc cũng mất tác dụng vì các nơ-ron thần kinh đã chết. Vì vậy, bạn nên chuyển qua bổ sung nhiều chất xơ và uống nhiều nước, hoặc lựa chọn các loại thuốc có thể sử dụng lâu dài.