Cỏ huyên là một loài thực vật thuộc họ bách hợp, còn có tên là lộc song, hoàng hoa thái, kim châm thái. Cỏ huyên có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, có khả năng thích ứng cao, trồng đơn giản. Nở hoa vào mùa hạ, thu, hoa cao vượt ra khỏi khóm lá, hoa có mùi thơm nhẹn nhàng, có giá trị thưởng ngoạn nhất định. Nhưng vị trí của cỏ huyên trong lịch sử văn hóa về hoa cỏ của Trung Quốc lại được quyết định bởi đặc tính hóa giải phiền muộn, giúp sinh con trai, đây cũng là cơ sở để cỏ huyên trở thành vật cát tường.
Trước đây cỏ huyên còn được gọi là cỏ vong ưu (quên phiền muộn), cũng có người đọc sách gọi nó là “liệu sầu” (giải sầu). Thực ra, sở dĩ cỏ huyên có thể khiến người ta quên sầu, chính nằm ở chỗ có giá trị thưởng ngoạn nhất định. “Kinh Thi” cũng có viết về cỏ huyên. Lý Kiểu đời Đường có một bài thơ tên “Huyên”, cũng là bài thơ nói về cỏ huyên: “Sỉ bộ tầm phương thảo, vong ưu tự kết tùng. Hoàng anh khai dưỡng tính, lục diệp chính y lung. Sắc trạm tiên nhân lộ, hương truyền thiếu nữ phong. Hoàn y bắc đường hạ, Tào Thực động hùng văn” (Bước chậm rãi tìm cỏ thơm, thấy cỏ vong ưu tự kết thành nhóm. Hoa vàng nở nuôi dưỡng tính tình, lá xanh dựa bên bờ rào. Sương tiên sắc trong lành, gió thiếu nữ lan tỏa hương thơm. Lại nương tựa dưới gian nhà phía bắc, khiến Tào Thực rung động mà sáng tạo ra áng hùng văn). Chính vì người ta trồng cỏ huyên ngay trong vườn, thưởng ngoạn ngắm chơi, cả ngày bên cạnh, mới có thể làm tiêu tan nỗi buồn.
Một tên gọi khác của cỏ huyên là nghi nam. Trong bài thơ “Nghi nam hoa tụng” của Tào Thực từng nhắc tới khả năng giúp sinh con trai của cỏ huyên, có câu “Phúc tề Thái Tự, vĩnh thế khắc xương” (có phúc ngang với bà Thái Tự, đời đời hưng thịnh). Tương truyền, cỏ huyên có tác dụng giúp phụ nữ có thai sinh con trai. Cuốn “Bác vật chí” có viết: “Phụ nữ không mang thai, mang theo cỏ huyên có thể sinh con trai”. Cuốn “Thảo mộc ký” còn khẳng định rằng: “Phụ nữ mang thai, mang theo cỏ huyên chắc chắn sinh con trai”. Đương nhiên, điều này không có căn cứ khoa học, chẳng qua chỉ là một loại tín ngưỡng dân gian, nhưng đối với những người dân Trung Quốc luôn mang quan niệm “trọng nam khinh nữ”, nó có sức hút tương đối lớn, và từ đó đã trở thành biểu tượng cát tường.
Ngoài ra, thời cổ thường dùng cỏ huyên để đại diện cho người mẹ; cây xuân, cỏ huyên, lần lượt thay thế cho cha và mẹ. Trước đây, cỏ huyên thường được trồng ở căn phòng phía bắc, mà gian phòng phía bắc trước đây được quy định là nơi ở của mẹ, sau đó được dùng để chỉ nơi ở của mẹ. Vở kịch “Kinh thoa ký” của Chu Quyền có câu: “Bất hạnh xuân đình sớm mất, phải dựa vào huyên đường dạy dỗ nên người”. Xuân đình, huyên đường lần lượt chỉ phụ thân và mẫu thân. Còn có thể thấy cách gọi thay thế này trong các câu đối chúc thọ, như: “Bàn đào tử kết tam thiên tuế, huyên thảo hoa khai bát bách xuân” (Bàn đào ba ngàn năm kết trái, cỏ huyên hoa nở tám trăm năm).