Làm trong lĩnh vực truyền hình nên công việc của Hồng Anh khá bận. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của bà mẹ trẻ này vẫn là cô con gái nhỏ
Làm trong lĩnh vực truyền hình nên công việc của Hồng Anh khá bận. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của bà mẹ trẻ này vẫn là cô con gái nhỏ, 15 tháng tuổi, đã biết làm đủ trò – Bảo Trân. Đã là U30, nhưng nhìn ngoài đời, Hồng Anh trẻ hơn rất nhiều. Khi được hỏi bí quyết gì giúp bạn lúc nào cũng tươi sáng, rạng rỡ đến thế. Bà mẹ trẻ hóm hỉnh chia sẻ, thực ra chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Chỉ là do cô luôn sống lạc quan, không tham lam, biết hài lòng với những gì đang có và đặc biệt là cười nhiều.
Đòn roi không dạy được con
– Chào Hồng Anh, trước tiên, bạn có thể chia sẻ một chút về tính cách của bé Bảo Trân không?
Bảo Trân nhà mình khá hiếu động và… bướng bỉnh. Chỉ có lúc ngủ bé mới để chân tay ngưng nghỉ còn bình thường thì lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và hoạt động không ngừng. Bé cũng rất lém lỉnh nên cả nhà thường được những trận cười no nê vì hành động đáng yêu của bé.
– Vậy để thay đổi tính bướng bỉnh của con, bạn đã lên ‘kế hoạch’ thế nào?
Mình quan niệm, trẻ con như cái cây, đẹp hay xấu là do bàn tay người ‘uốn’ từ lúc còn non. Do vậy, gia đình mình luôn nhất quán trong cách dạy bé. Không có kiểu ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ – mẹ mắng, bố bênh. Trước hết là tập trung vào hành vi tốt của con để khuyến khích hoặc khen ngợi đúng. Còn khi con ‘lên cơn’ bướng, mè nheo hay ăn vạ… mình sẽ lờ đi, coi như không biết rồi thu hút sự chú ý của con vào một hoạt động khác để đánh lạc hướng, ‘cắt cơn’ của con.
– Cố lờ đi nhưng có khi nào bạn mềm lòng khi thấy con khóc?
Có chứ! Mình có cứng rắn đến đâu cũng chỉ là một người mẹ, sao tránh khỏi những phút giây mềm lòng khi con khóc.
… Và, thế là lại ‘thỏa hiệp’ chiều theo ý con?
Cũng có lúc ‘thỏa hiệp’ chứ nhưng chỉ trong một phạm vi nhất định thôi. Ví dụ, sắp đến giờ ăn mà con vẫn chỉ tay đòi bim bim thì mình kiến quyết KHÔNG. Có thể lúc đó con sẽ khóc hờn nhưng rồi ‘bình minh’ sẽ trở lại sớm thôi. Còn nếu con khóc đòi bim bim vào lúc mẹ đang bận thì có thể ‘thỏa hiệp’, ngưng tay một chút để chiều theo ý con. Vì mình nghĩ, việc làm đó của bé lúc này chỉ là muốn được mẹ chú ý thôi.
Nói chung theo mình, muốn dạy con ngoan, mẹ cần linh hoạt chứ không nên cứng nhắc, nhất nhất phải thế này, phải thế kia. Có những cái mẹ nghĩ là tốt cho con nhưng bản thân đứa trẻ không thích hay kém hào hứng thì cũng không nên ép. Trẻ con, cũng cần được tôn trọng.
– Đã bao giờ bạn phải dùng đến đòn roi để dạy con?
Bé nhà mình mới 15 tháng tuổi nhưng cũng đã biết thể hiện cái TÔI rồi. Ví dụ, không muốn ăn đồ gì hoặc không thích chơi với bạn nào là quay mặt đi ngay. Cũng có những lúc, bé quậy khiến mình muốn đánh ngay cho mấy cái. Nhưng rất may, mình đã kịp kiềm chế, bình tĩnh lại để không làm tổn thương con. Bản thân mình nghĩ, đòn roi không giúp trẻ nên người. Mình thấy, nhiều người lớn thậm chí còn lạm dụng việc sử dụng đòn roi để dạy con, bởi họ nghĩ rằng trẻ sẽ chừa khi nhớ lại các trận đòn đau. Tuy nhiên, mình từng ‘mục sở thị’ có đứa trẻ trở lên lỳ đòn và càng bị đánh thì càng bướng.
Qua sách báo mình hiểu rằng, việc cha mẹ liên tục quát nạt sẽ làm cho trẻ dễ sinh ra thói sợ sệt, nhút nhát, không dám thể hiện mình, hoặc trong một số trường hợp còn sinh ra thói cáu bẳn và lì lợm.
– Khi con mắc lỗi, bạn phạt con thế nào?
Khi bé nhà mình phạm lỗi hay không nghe lời, mình sẽ từ từ nói ngắn gọn con sai chỗ nào, vì sao con sai (15 tháng tuổi mà nói dài dòng thì con cũng không hiểu – Cười (P.V). Đối với những lỗi nghiêm trọng, mình sẽ nghiêm túc răn đe và nói KHÔNG kiên quyết. Ví dụ: khi con gái vứt đồ chơi bừa bãi, mình kiên quyết nói con dọn bỏ gọn lại thay vì làm giúp con. Tất nhiên, trước đó mình đã làm mẫu vài lần dọn đồ chơi bỏ vào giỏ cho con quan sát và bắt chước theo. Trẻ con thời nay chúng khôn lắm, chỉ cần cha mẹ nương tay là bị lấn lướt ngay. Vì vậy, mình phải nghiêm ngay từ bé. Để con biết sợ cái uy của cha mẹ thì mới dễ dạy dỗ.
– Cách phạt của bạn xem ra hơi nhẹ nhàng? Liệu có hiệu quả không?
Hiệu quả chứ. Con mình là minh chứng hùng hồn (Cười). Nhiều khi bé chạy nghịch, quậy phá… chỉ cần mẹ ‘lừ mắt’ là biết điều ngay. Đâu phải cứ ‘đao to búa lớn’ mới dạy được con. Những cách phạt tưởng chừng nhẹ nhàng như úp mặt vào góc tường… đôi khi hiệu quả hơn lời quát mắng gấp nghìn lần đấy. Theo mình, mục đích của việc phạt con là mong cho con có sự chuyển biến tốt về mặt nhân cách. Vì vậy mức phạt, hình thức phạt phải phù hợp với hành vi và độ tuổi của con thì mới có tác dụng.
– Bạn có vất vả nhiều trong việc nuôi dạy con không?
Sinh con lần đầu mình cũng có khá bỡ ngỡ và nhiều cái không biết. Nhưng trộm vía, bé nhà mình ngoan và may mắn là mình lại được ông bà nội ngoại ‘trợ sức’ rất nhiều nên cũng đỡ. Ông bà cũng rất tâm lý, khuyến khích mình đọc nhiều sách để nuôi con theo cách hiện đại, không áp đặt phải theo những mẹo hay cách của các cụ ngày xưa. Có lẽ vì tâm lý thoải mái nên mình cảm thấy không vất vả gì nhiều trong việc nuôi con.
Bạn có áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm để dạy con? Ví dụ: khi mang thai thì chăm chỉ đọc sách cho con nghe hay nghe nhạc. Hoặc lúc con mới chào đời thì mua tranh phong cảnh thiên nhiên treo trong nhà…
Thật ra mình quan niệm như thế này, muốn giáo dục con tốt thì trước tiên phải nuôi con cho tốt đã. Ví dụ, lúc còn mang bầu, mình chú trọng vào việc bổ sung chất dinh dưỡng cho con hơn là việc đọc sách hay nghe nhạc. Trong lúc nghỉ ngơi, mình đọc truyện cười, xem một bộ phim hài hay nghe những bản nhạc không lời mà mình yêu thích. Đó là cách mình thư giãn cho bản thân và cả em bé trong bụng.
Mình nghĩ mọi người nên làm những việc bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Không nhất thiết cứ phải đặt tai nghe vào bụng hay đọc to sách cho con nghe. Việc mua đồ chơi cho con cũng vậy. Đến giai đoạn bé bắt đầu nhận biết được những thứ xung quanh, mình mới cho con chơi đồ chơi có sắc màu. Khi bé mới chào đời, khoảng cách bé nhìn được rất ngắn, đâu có thể biết chơi trò chơi. Lúc ấy, mình nghĩ bé chỉ cần được giữ ấm, được mẹ ôm ấp yêu thương và được ti mẹ là đủ rồi.
– Hiện nay nhiều mẹ Việt ‘sốt’ huấn luyện con tự lập theo cách của mẹ Mỹ hoặc Nhật, dạy tiêu tiền theo cách người Do Thái… Còn bạn thì sao?
Mình dạy con theo cách của riêng mình (Cười)… Nền giáo dục của bất kỳ nước nào dù tiên tiến đến đâu cũng có những nhược điểm. Nếu bê nguyên xi cách người Mỹ, Nhật hay Do Thái… dạy một đứa trẻ người Việt, theo mình không tốt chút nào, vì thế chẳng khác nào biến con thành người Mỹ/ Nhật hay Do Thái lai. Mình cũng hay tìm đọc các bài viết, chia sẻ về phương pháp rèn con nhưng chỉ ‘cóp nhặt’ và áp dụng một chút. Theo mình, mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng. Cách người này dạy con thành công chưa chắc đã áp dụng được và đúng với con mình. Muốn dạy được con, trước tiên, mẹ phải hiểu con. Để hiểu được con thì mình phải dành nhiều thời gian quan sát, nắm bắt tâm lý và biết được sở thích/ sở ghét của con.
Mình dạy con bằng tình thương của một bà mẹ và mong con trở thành người có ích cho xã hội khi trưởng thành chứ không nhất thiết phải là ‘ông nọ bà kia’ nên không gò ép hay gây bất kỳ áp lực nào cho con cả. Bé nhà mình mới 15 tháng tuổi nên hiện giờ mình quan trọng nhất là nuôi con thật khỏe mạnh. Còn việc ‘huấn luyện’ con tự lập hay biết chia sẻ… thì phải ‘mưa dầm thấm đất’ dạy từ những việc nhỏ hàng ngày như rủ cùng rửa rau với mẹ… nhưng cũng phải lựa theo bé để dạy.
Nhiều ông bố bà mẹ khi con được 4-5 tuổi đã đưa con đi học chữ, tiếng Anh, các môn nghệ thuật…, ngày nào cũng học, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Trẻ con thì cần có tuổi thơ, có những nhu cầu về vui chơi, giải trí. Mình thấy trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình cho con đi học theo kiểu “chạy sô”, giải quyết khâu tâm lý, khâu ‘oai’ của bố mẹ chứ kiến thức mà con trẻ thu được thì chưa chắc đã được bao nhiêu.
Đối với bé nhà mình, khi đến tuổi đi học, mình sẽ cho con học những gì cần và đủ. Việc học ngoại ngữ hay các môn nghệ thuật mình sẽ để con tự quyết định. Mình nghĩ rằng một đứa trẻ muốn phát triển tốt thì không chỉ cần kiến thức trường lớp mà còn cần những kĩ năng xã hội. Việc cho con đi học quá sớm, quá nhiều, không có thời gian cho giải trí hay nghỉ ngơi cũng làm hạn chế nhận thức và kĩ năng sống của bé khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài.