Đã khi nào bạn vô tình nói ra những câu này với con cái? Nếu có hãy rút kinh nghiệm và đừng nói thêm lần nào nữa vì những câu nói này sẽ hủy hoại cuộc đời của con bạn.
“Sao con không được như…”
So sánh con mình với những đứa trẻ khác là một xu hướng tự nhiên ở nhiều bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ không biết rằng con dễ tổn thương khi nghe cha mẹ so sánh mình với bạn bè khác.
Dù biết rằng, cha mẹ cũng chỉ muốn con có thể giỏi hơn. Nhưng với cách này, cha mẹ chỉ gây áp lực cho con, nhiều khi sẽ khiến con trở nên tiêu cực với bạn bè hơn. Đừng gieo vào lòng trẻ sự so sánh, ghen ghét, hơn thua khi con còn quá nhỏ.
Hãy để trẻ hiểu, con phải cố gắng hết sức mình, là chính mình tốt nhất. Cũng hãy để con tự tin với những ưu điểm đặc biệt của mình.
Con tệ lắm/xấu lắm/hư lắm!
Trong những thời khắc đen tối nhất, cha mẹ có thể cảm thấy con mình đúng là “một đứa trẻ không ra gì”, là “kẻ thù” đáng ghét.
Và khi trải nghiệm cơn giận dữ bùng nổ vào thời khắc đen tối ấy, họ bỗng không thể kiềm chế nổi khi nói ra “Con tệ lắm/xấu lắm/hư lắm!”.
Trẻ hành xử không đúng vì vô số lý do và chẳng có lý do nào trong đó liên quan tới việc trẻ là người xấu xa cả.
Nhưng nếu cha mẹ nói như vậy với con, đứa trẻ sẽ tự cho mình là kẻ “không ra gì”, trẻ sẽ tiếp tục hành vi, thậm chí, còn tồi tệ hơn và nảy sinh các vấn đề tâm lý phức tạp và nguy hiểm như trầm cảm, lo lắng.
Lựa chọn tốt hơn cho cha mẹ: Chỉ rõ hành vi của con không đẹp chút nào rồi tiếp tục củng cố cảm nhận cho đứa trẻ về việc mình là một người tốt, có khả năng làm việc tốt, đúng đắn.
Gọi tên hành vi xấu, chứ không phải đứa trẻ xấu, cũng cho phép cha mẹ chỉ ra sự kết nối nó với những hậu quả tự nhiên như: “Con ném đồ chơi đi và giờ thì đồ chơi không còn ở bên con nữa rồi”.
“Mày không phải con tao, con tao không có đứa nào ngu dốt như mày!!!”
Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thế tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con.
Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được.
Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.
Nếu không… thì đừng trách/biết tay/liệu hồn!
Cụm từ này thường được thốt ra khi cha mẹ tức giận và muốn đe dọa con. Nhưng đe dọa không phải cách hiệu quả để dạy con và người đe doạ hiếm khi hành động một cách lý trí, tỉnh táo.
Lựa chọn tốt hơn cho cha mẹ: Bạn có thể nhấn mạnh đến hậu quả tất yếu đi kèm với hành vi xấu của trẻ.
Nhưng có một số nguyên tắc: Hậu quả phải có liên quan tới hành vi, một cách hợp lý và lập tức, đồng thời phải được nói đến bằng giọng điệu bình tĩnh để có thể thay đổi suy nghĩ của trẻ.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là khi đề cập tới hậu quả, cha mẹ không quên trấn an con rằng: trẻ vẫn sẽ được yêu thương rất nhiều.
“Loại như mày thì làm nên trò trống gì?”
Bất kể con cái làm việc gì hỏng thì bố mẹ cũng không nên tuôn ra những câu như thế. Người lớn có biết những câu nói như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tự tin của trẻ không? Có biết sau này mỗi lần làm việc gì trẻ cũng không còn tự tin, thoải mái làm như trước không?
Theo QTCS