Nhiều người cha, người mẹ chỉ lo làm sao bảo vệ, bao bọc con cái mà quên mất rằng, quan trọng hơn là cần dạy chúng cách xử lý khi đối mặt với bất cứ vấn đề nào.
Những ngày trên mạng tràn ngập biết bao hình ảnh đau đến xót lòng về 9 em bé bị chết đuối vẫn chưa qua. Nặng lòng, tang thương quá! Có người bố áo rách vai, mắt trũng sâu đến tuyệt vọng, có người bà hốc hác quằn quại giữa cái xóm nghèo, nước mắt cạn dần cạnh thi thể đứa cháu, và mòn mỏi đợi bố mẹ của nó đang đi làm thuê nơi xa tít trở về. Đau lắm, người ngoài còn xót mà, người thân thì biết sống ra sao. 9 đứa bé ấy, sau này sẽ là kĩ sư, bác sĩ, công nhân, nông dân hay tiếp tục làm thuê làm mướn ở vùng đất nghèo ấy, dù làm gì thì vẫn là 9 mạng sống, 9 cuộc đời hiển hiện, vậy mà trong chớp mắt, tất cả tan biến dưới làn nước sâu, chỉ có nỗi đau trôi nổi chẳng biết khi nào mới kết thúc.
Lỗi tại ai thì thôi không bàn nữa, bố mẹ mất con, bà mất cháu, chị mất em,… đau đến thế rồi. Nhưng vì đâu nên nỗi thì cần phải xem xét; bởi vì ao hồ, sống suối vẫn nhiều lắm, trẻ con cũng vậy. Có ai chắc rằng nỗi đau ấy sẽ không tiếp tục xảy ra? Có ai thấy rằng chúng ta đang thiếu sót quá nhiều sự giáo dục dành cho con trẻ? Bởi vì, nếu nhận thức được vùng nước đó sâu, nguy hiểm và hoàn-toàn-không-phải-chỗ-vui-chơi, hay nếu có thể bơi được thành thạo để cầm cự chờ người đến cứu, chắc chắn rằng hậu quả thương tâm ấy đã không xảy ra.
Chúng ta thường quen áp đặt “giáo dục” đơn thuần là “học chữ”, chứ không phải “học”. Vậy nên dù ở nhà hay đến trường, việc quan trọng nhất của bọn trẻ chỉ là học chữ sao cho giỏi. Còn lại, các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, kĩ năng sống,… không bỏ qua thì cũng coi nhẹ. Môn giáo dục thể chất ở trường luôn chỉ như một giờ “trốn không phải học chữ”. Các kĩ năng tự bảo vệ, giữ an toàn,… cũng như một chuyện “xa vời”, cả nhà trường hay bố mẹ ít khi quan tâm con em mình đã bao nhiêu tuổi mà vẫn chưa biết bơi.
Thứ quan tâm nhất vẫn luôn là điểm số! Càng ngày, bố mẹ càng muốn bao bọc con một cách thái quá, họ chỉ đơn giản là dạy con cách tránh xa nguy hiểm mà không nói cho chúng biết nếu gặp nguy hiểm thì phải xử lý ra sao. Giống như câu chuyện dùng dao, nếu ta dạy con biết sử dụng ra sao thì bọn trẻ đã không đứt tay nhiều như thế. Không ai ngăn được sự tò mò của bọn trẻ, bởi vậy, dạy dỗ bất cứ điều gì là chuyện không được bỏ qua.
Quay lại câu chuyện đau lòng kia, nếu các em đều biết bơi thì đâu có bị đuối nước. Chứ liệu rằng khi lỡ bị ngã xuống hồ rồi, mang sách vở, giấy bút ra làm toán, làm văn có thể cứu được không? Chuyện học toán, học văn là quan trọng, nhưng đừng bó hẹp cuộc sống của con bằng những giờ tính toán. Các kĩ năng khác vẫn cần được nâng cao. Hãy nhìn xa một chút, ở nhiều nước tiên tiến khác, trẻ em được phát huy toàn diện về cả trí tuệ và thể chất, thậm chí chúng có thể đến trường chỉ để “chơi” nhưng phải khỏe mạnh – đó mới là quan trọng. Và hãy xem trẻ em ở Mỹ, ở Nhật, liệu các bé có kém thông minh hơn trẻ em Việt Nam?
Đừng bao giờ “ham” sự “thông minh” trên sách vở. Bởi thực tế có đến 8 loại hình trí thông minh, bao gồm trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh suy luận, tư duy, trí thông minh không gian, thị giác, trí thông minh âm nhạc, thính giác, trí thông minh vận động,… và toán học cũng chỉ là một phần trong đó. Vậy tại sao bố mẹ thường chỉ mong muốn (thậm chí ép buộc) con em mình phải học giỏi toán, giỏi văn? Những kĩ năng cần thiết thì lại bỏ qua mất, sao không trang bị cho con để ít nhất khi gặp nguy cũng có thể xoay sở mà sống sót?
Đừng đổ tại nhà trường giáo dục chưa tốt, cũng đừng đổ tại xã hội chưa “lên tiếng” báo nguy; bởi lúc con gặp nạn thì ai là người đau lòng, xót xa nhất? Liệu có ai chia sẻ, gánh vác bớt được nỗi đau. Có chăng, chính bố mẹ là người đầu tiên nên “cảnh tỉnh”, học cách nhìn nhận ngay từ khi con chào đời để dạy dần con đường đi nước bước, cách xử lý trước mọi vấn đề. Và hơn hết, “buông bỏ” bớt sách vở đi, vì thứ trẻ con cần nhiều hơn là thực tế!