Xi tè cho con là thói quen được rất nhiều người áp dụng để giúp con có sự chủ động trong việc đi tiểu tiện. Tuy nhiên trên thực tế, việc này lại gây ra nhiều tranh cãi bởi những ảnh hưởng không tốt của nó.
Các mẹ ơi, giờ thật sự em muốn ra ở riêng để được chăm con theo cách của mình quá. Quá kinh hãi khi có con nhỏ mà phải ở chung với mẹ chồng ạ!
Chuyện là thế này ạ! Con em mới 1 tuổi rưỡi. Em phải đi làm nên gửi con cho mẹ chồng chăm. Mấy ngày nay, nghỉ phép ở nhà, em phát hiện cứ cách 30 phút là mẹ lại ẵm bé ra ngồi bô để luyện xi tè cho con. Mà thật ra trước giờ em không có ý định tập xi tè cho con nên chỉ mua bỉm về mặc cho con thôi. Cũng vì chuyện này mà hai mẹ con xích mích nhau miết. Hôm đó cứ thấy bà liên tục xi cho con, nóng ruột quá nên em mới chia sẻ quan điểm của mình cho mẹ chồng nghe. Tức thì bị mẹ nói lại như thế này, các mẹ xem có bức xúc không chứ:
– Mẹ đẻ ra chồng con trước khi con sinh con đấy. Mẹ quá biết rõ phải chăm thế nào cho tốt. Chồng con đấy, ngày xưa mẹ cũng xi tè mà đến bây giờ vẫn khỏe mạnh bình thường, có sao đâu. Còn nếu muốn chăm con theo cách mình thì ở nhà, đừng đi làm, lúc đó muốn mặc bỉm thì mặc, muốn ở chuồng thì ở, người mẹ này coi như không mắc mớ các người nữa!
Thật sự em nghe xong mặt đổi màu luôn các mẹ ạ! Thấy khó chịu lắm! Biết rằng mẹ bỏ công bỏ sức chăm con mình là điều may mắn rồi, thế nhưng sự khác nhau trong cách chăm sóc, dạy dỗ con làm em thấy mệt mỏi. Chẳng phải tự nhiên mà em có quan điểm không muốn xi tè cho con đâu, điều này là em dựa trên một nghiên cứu khoa học hẳn hòi. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của Tiến sĩ/bác sĩ Tiết niệu Trẻ em Steve Hodges về tác hại của việc xi tè cho bé. Các mẹ xem qua là sẽ hiểu chuyện ngay:
Tập xi tè sớm sẽ phá vỡ quy trình phát triển bàng quang của trẻ
Từ xưa đến nay, nhiều ông bà, cha mẹ tập xi tè cho con ngay từ rất sớm nhằm hạn chế bé tè bậy, làm hôi bẩn nhà cửa và hạn chế tối đa việc mặc bỉm, gây hăm tã. Việc làm này mang lại nhiều ích lợi cho phụ huynh như tiết kiệm chi phí mua bỉm và hạn chế thời gian phải giặt quần áo nếu con tè ra quần. Tuy nhiên, điều này chỉ mang lại thuận tiện cho bố mẹ, ông bà chứ không có lợi cho bé như các mẹ thường nghĩ đâu nha. Theo các bác sĩ nhi khoa, bố mẹ xi tè cho con khi bé chưa được 3 tuổi sẽ phá vỡ quy trình phát triển bàng quang. Vì trẻ dưới 3 tuổi, bàng quang đang trong giai đoạn phát triển và hoàn chỉnh, nếu mẹ tập xi tè trong thời gian này sẽ phá vỡ quy trình này. Bàng quang cần được tích đầy và xả rỗng tự do như một quy trình tự nhiên. Chính vì vậy mẹ xi tè khiến việc bài tiết diễn ra mà không theo nhu cầu của trẻ.
Thời điểm nào là thích hợp để xi tè bé
Nói không xì tè quá sớm cho bé nhưng không có nghĩa là để bé cứ tự tè (tè dầm) tới năm 3 tuổi, mà khi bé đã có thể hiểu và giao tiếp với mẹ, mẹ có thể dạy bé khi muốn tè thì báo cho mẹ “tè” hoặc ra dấu hiệu nào đó. Mấu chốt là để bé đi tè khi bé mắc tè chứ không phải đi tè khi mẹ bảo bé đi tè (bằng cách xi tè).
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ/bác sĩ Tiết niệu Trẻ em Steve Hodges cho thấy, trẻ được tập xi tè cho con trước khi lên 2 sẽ có khả năng tè dầm (vào ban ngày) cao gấp 3 lần trẻ được tập xi tè trong độ tuổi từ 2 đến 3. Thậm chí nhìn vào các kết quả X-quang được thực hiện tại Bệnh viện Wake Foreset, 90% trẻ được tập ngồi bô sớm có vấn đề về táo bón. Theo ông, độ tuổi tốt nhất để tập xi tè cho trẻ chính là khoảng từ 3 tuổi. Lúc này, trẻ đã có nhận thức, biết nói những điều mình cần, biết gọi bố mẹ khi có vấn đề. Do đó, mẹ đã có thể tập cho con gọi người lớn khi bản thân bé cảm thấy mình có nhu cầu tiểu tiện, đại tiện.
Để khuyến khích con hào hứng trong việc tự tiểu tiện thì cha mẹ nhớ khen ngợi để bé hãnh diện vì bé đã lớn nhé. Đặc biệt không nên chế diễu hay phạt nếu bé chưa biết tự vệ sinh mà hãy kiên nhẫn với bé.
Dấu hiệu nhận biết con muốn đi tè
Mẹ cũng có thể dễ dàng nhận biết khi nào con muốn đi vệ sinh bằng cách sau:
– Đối với bé trai: dấu hiệu đi tè, ị ở bé trai thường dễ nhận biết hơn bé gái. Nếu bé muốn tè, bộ phận sinh dục sẽ cong lên, nếu bé muốn “ị”, hai bên tinh hoàn săn lại. Ngoài ra, một số bé có dấu hiệu như ngừng bú, khóc, đạp chân cũng cho thấy bé muốn đi vệ sinh và khi mẹ xi bé dễ dàng “xả tự do”.
– Đối với bé gái: dấu hiệu nhận biết bé gái phức tạp và khó hơn so với bé trai. Mẹ cần dành thời gian quan sát dấu hiệu quả bé để xi con đúng lúc, kịp thời. Bé có thể khóc, không bú, rùng mình… khi buồn đi vệ sinh.
Với những giải thích của các bác sĩ ở trên, hy vọng các mẹ sẽ hiểu hơn về việc xi tè cho con để có những phương pháp chăm sóc con hợp lý mà không hại cho con nhé.
Theo myeva