Đa phần các trẻ thường bị sốt, họ khi bắt đầu mọc răng. Theo dân gian, có rất nhiều cách từ tự nhiên giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng. Các mẹ cùng nhau tham khảo các mẹo sau nhé.
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang mọc răng.
Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng thường là từ 6-8 tháng tuổi, sớm hơn là 4-5 tháng tuổi hoặc một số trẻ mọc răng muộn hơn thì đến tận 9-10 tháng. Bạn có thể nhận biết con mình đang mọc răng bằng một số dấu hiệu sau:
Khi mọc răng, trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, dễ bị kích động, bứt rứt khó chịu trong người.
Một số trẻ hay bị chảy nhiều nước miếng và thường gặm thứ gì đó trong miệng vì ngứa lợi. Khi dồn năng lượng cho việc mọc răng, sức bảo vệ cơ thể yếu đi nên trẻ dễ bị bệnh, bị rối loạn tiêu hóa. Vào thời kỳ này hoặc sớm hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi kèm đi tiêu phân lỏng, dân gian thường gọi là “tướt mọc răng”.
Nướu có thể bị sưng đỏ làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng nhú lên, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất kỳ đồ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3 – 5 ngày. Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra, có thể bị nhiễm trùng vùng răng miệng. Những triệu chứng này khiến trẻ thường quấy khóc nhiều hơn và ăn uống kém, thậm chí trẻ có thể bị sụt cân.
Thông thường, mọi dấu hiệu trên kéo dài khoảng 2-3 ngày thì chiếc răng mới nhú lên, đó cũng chính là thời điểm dấu hiệu sốt và tiêu chảy ở bé giảm dần rồi mất hẳn.
Mẹo giúp trẻ không sốt khi bé mọc răng
Theo dân gian, có rất nhiều cách từ tự nhiên giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng.
Lá hẹ
Lá hẹ có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, răng đau nhức. Khi trẻ thường bú tay, nghiến răng hay chảy nước dãi nhiều hơn bình thường vào tháng thứ 3 hay tháng thứ 4 thì các mẹ chọn mua một ít lá hẹ tươi đem về rửa thật sạch, cắt nhuyễn rồi giã nhỏ, vắt nước cốt lá hẹ cho vào chén sạch.
Sau khi trẻ bú được khoảng 30 phút, mẹ rửa tay sạch, quấn gạc tiệt trùng vào đầu ngón tay trỏ. Lấy đầu ngón tay quấn gạc chấm vào chén nước cốt lá hẹ lâu một chút cho băng gạc thấm nước lá hẹ. Mẹ nhẹ nhàng đưa ngón tay chấm nước hẹ vào miệng trẻ, bắt đầu rà sát vào vùng lợi trên, vùng lợi dưới của bé vài lần.
Ngoài ra, mẹ có thể cắt lá hẹ ra cho vào chén rồi đổ nước nóng vào nhưng đừng làm chín lá, rồi đâm lá hẹ ra lọc lấy nước, dùng miếng gạc chấm nước hẹ rồi thoa đều nướu của con. Ngoài lá hẹ thì nha đam hoặc cây dạ cầm cũng có thể giúp phòng tránh sốt khi trẻ đến tuổi mọc răng.
Quả na
Na vừa là loại quả ngọt thơm, bổ dưỡng lại vừa là vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Không những thế na còn giúp bé tránh bị nóng sốt lúc mọc răng nữa.
Cách làm: Quả na chín mềm, bóc tách hạt, lấy phần thịt dằm nhuyễn cho bé ăn thường xuyên và đều đặn trong thời kỳ mọc răng.
Hạt đậu xanh
Đậu xanh là một trong những loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng và rất an toàn với trẻ. Không những thế, theo dân gian dùng hạt đậu xanh rơ lợi cho con còn giúp bé tránh nguy cơ nóng sốt khi mọc răng.
Lấy 100 hạt đậu xanh dùng chai thủy tinh cán cho vỡ đôi hạt đậu. Cho đậu và nồi nhỏ đun với một chút nước cho sôi một lúc (không cần nhừ). Dùng nước này rơ lợi cho bé đúng vào ngày bé tròn 100 ngày tuổi. Nên rơ nhiều lần cho bé.
Lưu ý: Trẻ vào giai đoạn này thường lười bú, quấy khóc, các mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ có thể uống thêm nước đỗ đen để cho con bú tốt.