Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp hiện đang được rất nhiều mẹ quan tâm. Phương pháp này không chỉ giúp trẻ hấp thu tối ưu chất dinh dưỡng mà còn rèn cho trẻ kĩ năng nhai, nuốt, xúc thức ăn,.. Dưới đây xin giới thiệu 17 thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi để các mẹ tham khảo.
Từ 5- 6 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Do đó, mỗi ngày bố mẹ có thể cho trẻ ăn 1 bữa (với trẻ 5 tháng tuổi) và tăng dần lên 2 bữa (khi trẻ được 6 tháng tuổi) để giúp trẻ có thời gian làm quen với thức ăn.
Dạng thực phẩm cần ưu tiên cho trẻ ở giai đoạn này là các món cháo, súp lỏng, đã được xay nhuyễn, mịn.
Tỷ lệ thành phần trong các món ăn dặm:
– Độ thô của cháo: tỷ lệ 1 gạo: 10 nước
– Đạm: 5-10 gr (cá thịt trắng: ít béo như tara, đậu phụ 25 gr, trứng: dưới 2/3 lòng đỏ, trứng ở Nhật to hơn ở VN)
– Cháo : 5 gr – 30 gr (gạo, mì, bánh mỳ)
– Rau: 5-20 gr (cà rốt, bí đỏ, chân vịt, cà chua, kabu (giống su hào), bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo, quýt)
Với trẻ ở độ tuổi này, bố mẹ không nên nêm thêm muối hoặc nước mắm vào món ăn dặm vì có thể hại đến thận của trẻ. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ ăn cá thu, tôm, cua, các loại ốc, soba (mì sợi lúa mạch đen), thịt, sữa bò vì chúng dễ gây dị ứng trẻ.
Tuyệt đối không ép trẻ ăn. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, hãy ngừng cho trẻ ăn 1-2 ngày và đổi mới thực đơn cũng như cách thức chế biến để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
Gợi ý công thức ăn dặm kiểu Nhật cho trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi:
1. Cà rốt nghiền (thời gian thực hiện: 2 phút)
Nguyên liệu:
Cà rốt nghiền: 2 thìa cà phê; Cháo trắng: 2 thìa cà phê
Cách làm:
Cháo trắng rây nhuyễn, đổ vào bát. Cà rốt luộc chín, nghiền nhuyễn, cho lên trên. Khi cho trẻ ăn có thể xúc 1 thìa cháo trắng ăn trước, sau đó xúc 1 thìa cà rốt nghiền. Hoặc trộn chung 2 thứ và cho ăn cùng lúc.
2. Súp sữa bí đỏ (10 phút)
Nguyên liệu:
20g bí đỏ, 1/2 cup sữa (60ml)
Cách làm:
Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, cắt miếng nhỏ, đun chín tới trong 5 phút.
Bước 2: Sữa bột pha theo đúng tỷ lệ tới lượng yêu cầu, sau đó cho bí đỏ đã chín tới vào đun ở lửa nhỏ tới khi mềm nhừ. Cuối cùng nghiền nhỏ hỗn hợp trên.
Chú ý: Bí đỏ màu sậm sẽ nhiều vitamin A hơn bí đỏ màu tươi.
3. Súp bánh mỳ sữa (5 phút)
Nguyên liệu:
Sữa: 1/2 cup (60ml); Bánh mỳ gối: 1/4 lát
Cách làm
Nếu là sữa bột thì cần pha theo đúng tỷ lệ để có được lượng trên. Bánh mỳ bỏ phần riềm cứng, xé nhỏ và cho vào sữa. Đun ở lửa nhỏ cho tới khi thấy súp sôi thì tắt bếp.
Chú ý: Chỉ đun cho tới khi hỗn hợp sôi, sau đó đậy vung kín để bánh mỳ mềm bằng hơi là được.
4. Cháo đậu cô ve (10 phút)
Nguyên liệu:
Cháo trắng: 2 thìa cà phê; đậu cô ve nghiền: 2 thìa cà phê
Cách làm
Bước 1: Đậu rửa sạch, trần qua cho bớt mùi nồng, sau đó luộc chín mềm, nghiền nhỏ.
Bước 2: Cho đậu nghiền vào giữa bát cháo trắng.
5. Cháo rau chân vịt (2 phút)
Nguyên liệu:
Cháo trắng: 2 thìa cà phê; rau chân vịt nghiền: 2 thìa cà phê
Cách làm
Rau chân vịt rửa sạch, chỉ lấy phần lá. Luộc cho tới khi chín mềm rồi nghiền nhỏ. Sau đó trộn với cháo trắng.
Chú ý: Các loại rau có lá rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
6. Sữa đậu nành trộn chuối (2 phút)
Nguyên liệu:
1/8 quả chuối, 1 thìa súp sữa đậu nành
Cách làm:
Chuối nghiền nhỏ, sau đó trộn chung với sữa đậu nành.
Chú ý: Nên dùng chuối chín nục để tránh vị chát.
7. Mỳ (Udon) nấu nước rau củ (10 phút)
Nguyên liệu:
20g mỳ, 1/2 cup nước súp rau củ (60ml), bột gạo (để tạo độ sánh) vừa đủ.
Cách làm:
Bước 1: Cho mỳ vào nước súp rau củ, sau đó đun ở lửa nhỏ cho mỳ chín mềm trong 5 phút.
Bước 2: Cho bột gạo vào, đun thêm trong 5phút thì tắt bếp.
Chú ý: Có thể mua mỳ làm sẵn thay vì tự làm.
8. Cháo bắp / Cháo ngô ngọt (5 phút)
Nguyên liệu:
Cháo trắng: 2 thìa cà phê; Ngô/bắp nghiền: 2 thìa cà phê
Cách làm:
Cho cháo vào nấu cùng hạt ngô đến khi mềm thì rây nhuyễn, bỏ bã và cho trẻ ăn. Nấu cháo cùng với hạt ngô cho tới khi mềm, sau đó nghiền nhuyễn, bỏ bã.
Có thể nấu hạt ngô riêng, sau đó dùng máy xay cho nhanh. Nhớ lọc hết bã ngô.
9. Thạch táo tươi (5 phút)
Nguyên liệu:
1/4 quả táo, 1/4 thìa cà phê gelatine (bột làm đông) hoặc1/2 thìa cà phê bột thạch, 1 thìa súp nước lạnh.
Cách làm:
Bước 1: Táo gọt vỏ, bỏ lõi, cắt nhỏ rồi hấp chín mềm.
Bước 2: Nghiền nhỏ táo, cho bột gelatine và nước vào hòa tan, sau đó cho vào lò vi sóng trong 30 giây để làm nóng. Cuối cùng để lạnh cho hỗn hợp đông thành thạch là dùng được.
Chú ý: Có thể thay táo bằng lê nghiền cũng rất ngon.
10. Nước đào với chanh (3 phút)
Nguyên liệu:
1/4 quả đào, nước chanh vừa đủ.
Cách làm:
Đào gọt vỏ, bỏ hạt, cắt miếng mỏng rồi hấp chín (có thể bọc trong giấy wrap rồi cho vào lò vi sóng trong 2 phút). Sau đó lấy ra nghiền nhuyễn, trộn với nước chanh.
Chú ý: Nước chanh cho vào để giúp món nước đào không bị thâm, vì thế ko nên lạm dụng. Có thể bỏ nước chanh nếu không cần thiết.
11. Thạch cà chua (30 phút)
Nguyên liệu:
1 quả cà chua nhỏ, 1 thìa cà phê gelatin, 1/2 thìa súp nước lạnh
Cách làm:
Bước 1: Cà chua gọt vỏ, bỏ hạt, hấp chín và nghiền nhuyễn
Bước 2: Gelatine trộn với nước, cho vào lò vi sóng trong 1 phút. Trộn những nguyên liệu trên lại với nhau, sau đó cho vào tủ lạnh trong 20 phút cho đông.
Chú ý: Nếu cà chua không chín để có vị ngọt tự nhiên, thì có thể cho thêm 1/4 thìa đường.
12. Sữa chua dưa lưới (3 phút)
Nguyên liệu:
1/2 thìa dưa lưới (hoặc 1 miếng cỡ 10g), 2 thìa cà phê sữa chua trắng.
Cách làm:
Dưa lưới hấp chín, sau đó nghiền nhỏ rồi trộn với sữa chua.
Chú ý: Có thể dùng sữa bột của bé/ sữa mẹ để làm sữa chua.
13. Tào phớ vị cam (3 phút)
Nguyên liệu:
1 thìa cà phê nước cam, 2 thìa cà phê đậu phụ tươi.
Cách làm:
Đậu phụ nghiền nhỏ mịn, sau đó cho nước cam vào. Để lạnh cho đậu phụ đông lại là ăn được.
Chú ý: Nên làm đậu phụ nóng lên 1 chút thì sẽ dễ nghiền nhỏ mịn hơn.
14. Táo nghiền (3 phút)
Nguyên liệu: 1/4 quả táo
Cách làm:
Táo gọt vỏ, bỏ lõi, sau đó cắt miếng mỏng, dùng nilon thực phẩm bọc kín, quay trong lò vi sóng trong 1,5p cho mềm. Nghiền khi còn nóng ấm cho nhuyễn.
Chú ý: Nếu táo chua, có thể cho thêm 1/4 thìa đường, và rim táo trước khi nghiền.
15. Súp khoai tây sữa (10 phút)
Nguyên liệu
1/8 củ khoai tây, 1/2 cup sữa (60ml)
Cách làm
Khoai tây gọt vỏ, cắt nhỏ rồi luộc chín. Sau đó cho tiếp khoai tây vào sữa đã pha thành dạng lỏng, đun ở lửa nhỏ cho tới khi mềm nhừ. Cuối cùng là nghiền thành súp.
Chú ý: Đây là món ăn dễ tiêu và thơm ngon cho tất cả các thành viên trong gia đình.
16. Súp sữa chua dâu tây (2 phút)
Nguyên liệu:
2 quả dâu tây, 2 thìa sữa chua trắng.
Cách làm:
Dâu tây xay nhuyễn, trộn với sữa chua là xong.
Chú ý: Dâu tây là loại quả giàu vitamin C nhất, do đó dùng để giải nhiệt trong mùa nóng là rất hợp lý.
17. Đậu hũ trộn nước cam (3 phút)
Nguyên liệu:
1 muỗng lớn nước cam (15 ml), 2 muỗng lớn đậu hũ non (30 ml)
Cách làm:
Đậu hũ luộc sơ, nghiền nhuyễn, ray qua luới trộn với nước cam.
Chú ý: Có thể dùng lọai nước cam dành cho em bé hoặc nước cam vắt pha loãng tỉ lệ 1:5.