Một trong những tư duy của người thành công là tự nhận trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.
Phần lớn chúng ta ít nhiều đều có khuynh hướng đổ lỗi lên người khác cho những thiếu sót, những hạn chế trong việc nuôi dạy con, trong việc làm kinh tế gia đình, trong sự thăng tiến công việc,… của chính mình. Chẳng hạn, nếu con bạn có khuyết điểm gì đó thì bạn sẽ đổ lỗi cho chồng (hoặc vợ) bạn. Một ông chồng thấy đứa con học kém, không nghe lời người lớn thì đổ lỗi cho vợ mình như: “Tại cô hay bênh con, ít quan tâm đến con nên nó mới thế đấy…” hay nặng hơn là đổ lỗi cho ông bà ngoại, cho họ hàng bên vợ:“Cái gen bên nhà cô thế đấy, bên nhà tôi ai cũng học giỏi và tính tình vui vẻ”,… Thậm chí còn đổ lỗi cho nhà trường, cho cô giáo chủ nhiệm, cho ngành giáo dục,…
Số đông chúng ta đều tự nhận về mình những điều hay, điều tốt là do công sức của mình, do “gen nhà mình”,… Chẳng hạn, con học giỏi là “do tôi chỉ bảo cho con nhiều, do gen bên nhà tôi, con xinh đẹp là do con giống tôi,…”. Rất ít người tự nhận trách nhiệm về mình khi gặp một sự cố, một sự thiếu sót nào đó. Số đông luôn tự nhận mình là tốt rồi, những điều chưa tốt là do người khác và không có trách nhiệm gì về những việc tiêu cực đó cả.
Nếu con trẻ chúng ta sống trong môi trường có bố luôn đổ lỗi cho mẹ và ngược lại, mẹ luôn đổ lỗi cho bố, mỗi người chỉ nhận những cái hay cái tốt về mình thì rồi các con cũng sẽ như thế. Những đứa trẻ sống trong môi trường này sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp mà cứ mải tìm cách đổ lỗi cho người khác. Đầu óc chúng sẽ chỉ chất chứa sự oán trách, thù hằn và vô vọng, sẽ mất đi sự sáng suốt để có sự chọn lựa khôn ngoan. Đổ lỗi cho người khác còn có nghĩa là bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của riêng ta.
Nhưng, nếu không nhận trách nhiệm về mình, luôn đổ lỗi cho người khác thì sẽ không bao giờ hoàn thiện được bản thân mình, không tiến bộ lên được, không hạn chế được những điều tiêu cực xảy ra và hạn chế những thành công trong tương lai của đứa trẻ.
Vì vậy, để giúp con, rèn cho con mình biết cách chịu trách nhiệm với việc chúng làm, cha mẹ hãy luôn có thái độ sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình để làm gương cho trẻ. Chẳng hạn, khi con bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, bố mẹ hãy nói với thầy cô giáo của con rằng: “Đó là lỗi của tôi”, hoặc nói với con rằng “Đó là lỗi của bố/mẹ…”, sau đó, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giúp con tiến bộ. Trong trường hợp này nếu bố/mẹ về nhà lại trách mắng con, đổ lỗi cho con là “lười học, ngu, dốt,…” thì kết quả có khi lại xấu hơn…
Còn nhớ, lúc con tôi học lớp 2, có một hôm do cháu không nhớ thời khóa biểu có tiết học thuộc lòng vào ngày hôm sau, nên khi đến lớp con không thuộc bài. Bị cô giáo cho điểm kém, về đến nhà con lo sợ lắm, nhưng tôi nói luôn: “Đó là lỗi của mẹ” và sau đó hai mẹ con ngồi với nhau nói chuyện rất lâu, giúp con giải tỏa tâm lí lo sợ và con cũng tự nhận: “Đó là lỗi của con, lần sau con sẽ cẩn thận hơn và có kế hoạch học sớm hơn để học hết bài cô giáo”.
Điều đặc biệt tránh là bố mẹ không nên đổ lỗi cho nhau hoặc đổ lỗi, chê trách thầy cô giáo, đổ lỗi cho ông bà,… trước mặt con cái. Mỗi người cần nhớ rằng khi các con chúng ta còn nhỏ thì trách nhiệm dạy dỗ con cái là thuộc về chúng ta, vì vậy mỗi sơ suất của con cái, hoặc của các thành viên trong gia đình đều có phần trách nhiệm của các thành viên còn lại.
Nếu ai cũng tự nhận một phần trách nhiệm về mình thì mọi rắc rối sẽ trở nên rất đơn giản, khi đó mọi thành viên trong một gia đình, một cộng đồng, một cơ quan, đơn vị,… sẽ thân thiện với nhau hơn. Người tự nhận trách nhiệm cũng là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là mẫu của những người chủ, những người lãnh đạo…
Vì vậy, hơn hết, bất luận việc gì xảy ra mỗi người hãy tự nhận một phần trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.