Dùng nhiều các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại di động, máy tính bảng…sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Mới đây, trên một diễn đàn nổi tiếng chuyên dành cho các bà mẹ, một thành viên đã chia sẻ phương pháp tránh cho con trẻ nghiện xem tivi.
Phương pháp cực kì đơn giản – chỉ bằng một câu nói, nhưng lại đem đến hiệu quả không ngờ này đã được nhiều người liên tục chia sẻ.
Cụ thể, người phụ nữ này có con năm nay 4 tuổi. Cũng như nhiều bé khác, bé trai này rất mê xem tivi, chơi điện thoại, ipad.
Thói quen của bé bắt đầu từ năm 2 tuổi, khi mẹ bé đi làm trở lại. Vì bé lười ăn nên mỗi khi bà nội ở nhà cho cháu ăn lại bật tivi lên để dỗ, lâu dần trở thành thói quen.
Mặc dù biết rõ tác hại của việc cho trẻ xem tivi sớm: Hại mắt, tăng nguy cơ béo phì, khả năng ngôn ngữ không phát triển, dễ mắc bệnh tim mạch…
Nhưng vì không còn cách nào để dỗ bé trong mỗi bữa ăn nên mọi người trong nhà tiếp tục áp dụng cách này, khiến bé dần “nghiện” xem tivi.
Quả thật, không chỉ riêng người kể câu chuyện này, ngày nay, việc cho trẻ làm quen với máy tính, điện thoại thông minh không còn là chuyện hiếm thấy trong các gia đình, nhất là khi bố mẹ bận rộn không có nhiều thời gian chơi với con.
Con khóc cho con “nghịch” điện thoại; con lười ăn – cho con “mày mò” máy tính bảng; con không có ai trông – cho “tự chơi” với Ipad…
Dần dần, những hoạt động khám phá thế giới của con được gói gọn trong một thiết bị công nghệ tinh xảo. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã tỏ ra lo ngại khi con trẻ đang lao mình vào thế giới ảo, biến thành những “đứa trẻ công nghệ”.
Nhiều phương pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này. Trong đó, có một “chiêu” rất hay mà các bà mẹ Nhật thường áp dụng khiến con cái ngay lập tức tắt tivi, máy tính:
“Đó là người mẹ nhân cách hóa chiếc tivi, bảo với con rằng tivi cũng như con người, làm việc cũng cần có lúc nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động, nếu không sẽ dễ đổ bệnh, nhanh hỏng hóc, rồi quy định thời gian xem tivi cho con trong ngày.
Và đây là cách của em đây.
Một sáng chủ nhật, em đưa con đi chơi công viên và cho con chơi tất cả trò chơi đến khi mệt nhừ luôn mà không cho ăn uống thêm gì.
Sau gần 2 tiếng chơi mồ hôi con vã đầy người, bụng đói meo, em vẫn tiếp tục yêu cầu con chơi các trò khác, đến khi con thấm mệt và đòi ngồi nghỉ. Lúc này em mới bảo:
– Con mệt không?
– Dạ mệt
– Chơi nữa không?
– Dạ không
– Vậy giờ con muốn làm gì?
– Dạ về nhà và nằm ngủ thôi ạ.
– Không được, con chơi tiếp đi chứ mẹ thấy con chưa mệt mà
– Con mệt sao mẹ biết được chứ. Con không chơi nữa mẹ ơi, con muốn xỉu rồi. Mẹ mau chở con về nhà đi, năn nỉ mẹ.
– Được thôi. Nhưng mà mẹ thấy tội cái tivi quá! Hôm nào nó cũng mệt như là con mệt như hôm nay vậy, nhiều lần nó nói với mẹ là kêu con cho nó đi ngủ đi, nó đuối nó mệt lắm rồi vì phục vụ con liên tục mà con vẫn không cho nó nghỉ, cứ xem miết.
Nó còn bảo ngày nào con cũng bắt nó làm việc như vậy nó sẽ bị bệnh và chết luôn cho coi. Không tin, lúc nào xem tivi con thử sờ vào nó xem, nó nóng kinh khủng luôn á.
– Ủa, cái tivi cũng biết mệt hả mẹ? Nó sao giống con người được?
– Biết chứ sao không. Cái tivi nó cũng giống như con người vậy, hoạt động nhiều cũng mệt và muốn nghỉ ngơi.
Giống như con mệt con muốn nghỉ ngơi để lấy lại sức thì nó cũng muốn nghỉ ngơi đó. Hàng ngày con bắt tivi làm việc liên tục, bộ con không thấy tội cái tivi hả?
– Dạ tội chứ, mà con không biết nó cũng mệt. Con cứ tưởng nó là máy móc thì không biết mệt chứ!
Sau cuộc trò chuyện đó hai mẹ con em chở nhau về nhà và em không nhắc gì về cái tivi nữa. Suốt ngày hôm đó em để ý thấy con ít mở tivi lên xem lắm.
Và nếu ghiền quá, mở lên xem thì thằng bé cứ lâu lâu lại chạy đến bên tivi sờ xem nó thế nào rồi tắt tivi và ra chơi cái khác chứ không ngồi ôm riết tivi như mọi ngày.
Hoặc khi con xem tivi, em yêu cầu tắt là con ngoan ngoãn tắt ngay không kỳ kèo xem thêm ít phút nữa”
Có thể thấy rằng, đối với trẻ con, đôi khi hành động ra lệnh cho con thường không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể trẻ chỉ sợ lúc đó và làm theo nhưng về sau sẽ có những phản ưng đối phó.
Nhiều ông bố bà mẹ đang đau đầu với bệnh ‘nghiện công nghệ’ của con. Vì cứ lấy lại thiết bị từ tay con thì trẻ ngay lập tức có những phản ứng dữ dội và tiêu cực. Mà nếu để con sử dụng suốt cả ngày dài thì rất có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, để thắt chặt quản lý giờ giấc sử dụng các thiết bị, tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời thì cách tốt nhất để con trẻ nghe lời là các bậc làm cha làm mẹ cần ngồi xuống và nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vì sao con nên làm như vậy, không nên làm như vậy.
Bé trai trong câu chuyện này khi hiểu ra được bản chất của vấn đề đã tự động sửa sai, nghe lời mẹ mà không cần bất kì một hình thức dọa nạt, đòn roi nào.