Nếu mẹ đang có con ở tầm tuổi 9 tháng trở lên, hãy học lỏm những bí quyết sau để “trị” trò ném đồ ăn lung tung của bé nhé.
Đến một giai đoạn nào đó, mẹ bỗng nhận ra sao con mình chẳng dễ thương, bảo gì nghe nấy nữa, nó trở nên quá quắt quậy phá khiến mẹ chỉ muốn phát điên. Và trò quậy phá đầu đời mà bé nào cũng thích nhất là ném đồ ăn. Nếu mẹ đang có con ở tầm tuổi 9 tháng trở lên, hãy học lỏm những bí quyết sau để “trị” trò ném đồ ăn lung tung của bé nhé.
1. Khi trẻ ném đồ ăn, hãy quay lưng đi
Thật khó để làm theo lời khuyên vàng này. Vì mỗi khi trẻ ném đồ ăn, mẹ chỉ có muốn quát ầm lên và kèm theo những lời dọa nạt. Trẻ thấy thế sẽ càng làm ngược lại, ném đồ ăn nhiều và khủng khiếp hơn. Nhưng nếu mẹ vỗ tay khen ngợi trẻ thì sao? Đừng vội mừng vì cách này cũng không có tác dụng gì đâu mẹ ạ. Cách tốt nhất để hạn chế trẻ ném đồ ăn là làm ngơ và quay lưng đi. Nếu lần đầu chưa có tác dụng, mẹ kiên nhẫn dần dần nhé.
2. Đừng chú ý vào hành động của trẻ
Đừng chú ý vào hành động ném đồ ăn của trẻ. Mẹ có thể rửa bát, nấu cơm hoặc nói chuyện điện thoại. Trẻ sẽ nhận thấy trò ném đồ ăn chẳng còn gì thú vị nữa, vì mẹ có tham gia cùng mình đâu.
“Con có thôi không thì bảo.”
3. Đừng cho trẻ quá nhiều đồ ăn
Mẹ đôi lúc muốn cho con được cầm tay bốc ăn, thì nhớ nguyên tắc này. Giới hạn đồ ăn trên khay ăn của trẻ cũng giúp hạn chế việc ném đồ ăn bừa bãi, lung tung.
4. Chắc chắn rằng trẻ đang đói
Chỉ đưa cho trẻ thức ăn khi trẻ đang đói. Vì đói tự khắc trẻ sẽ không hoang phí, coi món ăn là đồ chơi nữa, mà ngoan ngoãn cho thức ăn vào miệng. Thông thường trẻ dưới 1 tuổi sẽ ăn ba bữa/ ngày và có 1-2 bữa phụ. Tập cho bé ăn theo thời gian biểu cũng giúp mẹ phán đoán chính xác thời điểm nào bé đói.
5. Hướng sự tập trung của trẻ vào việc khác
Hướng sự tập trung của trẻ vào vấn đề khác như hỏi trẻ “con ném cái gì đấy”, “con cho thức ăn vào bát đi”, “mẹ đang nhai giống con này”…. Trẻ sẽ nhanh chóng quên đi trò ném đồ ăn và hứng thú với trò chơi mới mẹ bày ra.