Thiếu máu ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện bởi không có biểu hiện cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bố mẹ quan sát thấy trẻ trở nên chán ăn, da xanh xao, hay ốm vặt, kém hoạt bát,….thì khả năng trẻ đang bị thiếu máu là rất cao.
Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi những tế bào hồng cầu của cơ thể chứa lượng hemoglobin (huyết sắc tố mang oxy đến các mô và chuyển đi các chất thải, khí CO2) ít hơn bình thường. Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: do thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn gen di truyền, điều trị thuốc, nhiễm trùng hay các bệnh mãn tính,…
Đối với trẻ sơ sinh, nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu là do sự thiếu hụt chất sắt trong chế độ ăn hoặc do trẻ không hấp thu được chất sắt từ các nguồn thực phẩm. Ngoài ra còn có một vài dạng thiếu máu do di truyền như bệnh hồng cầu hình liềm gây ra do hemoglobin bất thường.
Bên cạnh đó, trẻ sinh non cũng có nguy cơ thiếu máu cao. Với trẻ sinh đủ tháng, mặc dù đã có sẵn chất sắt dự trữ trong cơ thể song nếu sau 6 tháng đầu đời mà trẻ không được bổ sung thêm sắt thì sẽ cũng có khả năng bị thiếu máu. Trong khoảng 9 đến 13 tháng tuổi, trẻ sẽ được kiểm tra lượng hemoglobin để xem có bị thiếu máu hay không.
Thông thường, trẻ thiếu máu sẽ không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, nếu bố mẹ quan sát thấy trẻ chán ăn, da xanh xao, hay ốm vặt, kém hoạt bát,….thì khả năng trẻ đang bị thiếu máu là rất cao.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị thiếu máu
Trẻ yếu ớt, kém hoạt bát
Do số lượng tế bào hồng cầu cung cấp oxy thấp nên các bộ phận trên cơ thể trẻ thiếu máu không thể hoạt động bình thường. Kết quả là trẻ luôn luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và yếu ớt. Với trẻ đang ở độ tuổi đi học, thiếu máu còn có thể làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ khiến kết quả học tập giảm sút.
Nước da xanh xao
Trẻ thiếu máu có số lượng tế bào hồng cầu ít nên da nhạt màu hơn bình thường. Da xanh xao là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh thiếu máu ở trẻ em.
Biếng ăn
Trẻ thiếu máu sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi nên cảm thấy vô cùng khó khăn trước những hoạt động bình thường, trong đó có hiện tượng chán ăn.
Nhịp tim nhanh
Đây cũng là một triệu chứng của thiếu máu. Thiếu máu sẽ dẫn đến thiếu hồng cầu chuyên chở oxy, gây ra thiếu oxy đến các cơ quan. Do đó, cơ thể bù lại bằng cách tăng nhịp tim lên để đẩy máu đi với tốc độ nhanh hơn, hay được hiểu như là tăng tốc độ của “xe” chuyên chở oxy lên để chở đủ oxy giao cho mô.
Khó thở
Thiếu máu sẽ dẫn đến thiếu oxy nuôi cơ thể, thiếu hụt nguồn cung cấp oxy cho tim. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trẻ thiếu máu khó thở.
Suy giảm sức đề kháng
Việc thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Do đó, trẻ thiếu máu thường xuyên bị nhiễm trùng, hay ốm.
Thèm ăn những thứ phi thực phẩm
Một đứa trẻ có dấu hiệu thèm ăn những thứ phi thực phẩm như đất, cát, sỏi, sơn tường… Theo nghiên cứu, tình trạng thiếu dinh dưỡng (như thiếu sắt gây thiếu máu) có thể dẫn đến hiện tượng này.
Cách phòng ngừa thiếu máu cho trẻ
– Cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Sữa mẹ có chứa dạng sắt đặc biệt dễ dàng hấp thu sắt hơn trong các loại thức ăn khác.
– Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt nạc, lòng đỏ trứng, các loại đậu, rau xanh,…cho trẻ.
– Không cho trẻ sưới 1 tuổi uống sữa bò vì sữa bò có lượng sắt thấp và có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bé, dẫn đến sự mất sắt từ từ theo thời gian.
– Có thể cho trẻ ăn thức ăn giàu vitamin C để hỗ trợ hấp thu sắt tối đa. Một vài lựa chọn cho bạn như ớt chuông đỏ, đu đủ, dưa vàng, bông cải xanh, dâu tây và cam.