Theo thống kê, trung bình mỗi ngày ở nước ta có tới 3 trẻ bị xâm hại tình dục. Bên cạnh việc nâng cao cảnh giác, quan tâm hơn đến con cái, bố mẹ cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức cơ bản, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục
Hiện nay trên thế giới, trung bình cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục trước 18 tuổi. Còn ở Việt Nam, theo số liệu công bố do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm, trên cả nước phát hiện gần 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này có nghĩa là cứ mỗi ngày trôi qua lại có 3 trẻ trên khắp đất nước trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục.
Các thống kê đã chỉ ra rằng, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em đa phần là người thân quen với trẻ hoặc gia đình trẻ, và chỉ có 10% thủ phạm là người lạ. Do đó, những gia đình có trẻ nhỏ cần tăng cường cảnh giác, giám sát trẻ để không xảy ra trường hợp đáng tiếc đối với con em mình. Đồng thời, bố mẹ cũng cần trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Cụ thể:
Tỏ thái độ dứt khoát khi người khác chạm vào vùng nhạy cảm
Khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ đã bắt đầu có khả năng nhận thức về cơ thể cũng như biết cách thể hiện cảm xúc, thái độ của mình. Lúc này, bố mẹ có thể bắt đầu dạy con việc bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại bằng cách tỏ thái độ dứt khoát khi có người cố ý đụng chạm vào cơ thể con, nhất là các vùng nhạy cảm.
Hãy nhấn mạnh việc không ai có quyền đụng chạm vào con khi chưa được sự cho phép của con. Nếu ai đó cố tình đụng chạm, ôm ấp, vuốt ve mà con không thích, hãy đẩy tay ra và tỏ thái độ không hài lòng, sau đó hét thật to để yêu cầu họ tránh xa ra.
Dạy con không tự tiện đụng chạm cơ thể người khác
Bên cạnh việc dạy con không để người khác đụng chạm vào cơ thể, bố mẹ cũng cần dạy con tôn trọng cơ thể người khác. Việc này sẽ tránh cho trẻ bị tò mò về cơ thể người khác, dẫn đến nguy cơ bị lợi dụng và xâm hại. Ví dụ, hãy dạy trẻ xin phép trước khi muốn cầm tay hoặc ôm một ai đó, đặc biệt là người lạ.
Luật bàn tay
Dạy con thuộc lòng “luật bàn tay”: ôm hôn đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột; nắm tay với thầy cô, bạn bè, họ hàng; bắt tay với người đã từng gặp; vẫy tay chào người lạ; và xua tay với người cố tình đụng chạm con mà con không muốn.
Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, bạn nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn.
Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh.
Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc bất kì người thân nào trong gia đình để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Nói cho bố mẹ biết khi bị ai đó cố tình đụng chạm cơ thể
Bố mẹ cần nhắc cho trẻ nhớ rằng: khi bị ai đó đụng chạm vào cơ thể trẻ, trẻ đã phản ứng lại bằng thái độ gay gắt nhưng họ cố tình làm và sau đó còn đe dọa trẻ không được nói với ai thì nhất định phải nói cho bố mẹ biết để bố mẹ có biện pháp bảo vệ trẻ.
Dạy trẻ bằng câu chuyện
Chẳng hạn, kể chuyện bạn thỏ trắng bị bác thỏ già gần nhà trêu chọc, đụng chạm vào cơ thể. Thấy vậy, bạn thỏ trắng đã dũng cảm hét lên: bác là người xấu, cháu sẽ mách ba mẹ. Sau đó, bạn đã nói cho ba mẹ nghe… Ba mẹ có thể liên hệ câu chuyện với trẻ để trẻ học được cách phòng ngừa và phản ứng khi bị xâm hại.