Trẻ sơ sinh vô cùng non nớt, rất cần được cha mẹ che chở và bảo vệ để từng ngày lớn lên an toàn và khỏe mạnh. Dưới đây là những điều cấm kỵ mẹ có con nhỏ bắt buộc phải biết để có thể đảm bảo sức khỏe cho con.
Niềm vui của người làm cha làm mẹ là được nhìn thấy con chào đời và lớn nhanh từng ngày. Khi mới sinh ra, do sự thay đổi môi trường đột ngột từ trong bụng mẹ ra thế giới bên ngoài. Em bé cần được chú trọng chăm sóc đặc biệt để trở nên cứng cáp và sức đề kháng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc em bé mới sinh đúng cách. Có một số cấm kỵ mẹ nhất định phải lưu ý đừng mắc phải nếu không muốn “lợi ít hại nhiều”.
1. Để bé nằm ngủ giữa bố và mẹ
Nhiều bà mẹ luôn tin rằng, trẻ sơ sinh nên được tiếp xúc nhiều nhất có thể với cả bố lẫn mẹ ngay cả lúc ngủ để gia tăng mối dây liên kết tình mẫu tử, phụ tử. Thực tế cho thấy, việc cho bé nằm ngủ giữa bố và mẹ sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hơn là lợi ích. Cụ thể bé sẽ bị thiếu oxi và thừa CO2 do hệ hô hấp của người lớn trưởng thành và mạnh mẽ hơn của trẻ sơ sinh, khiến trẻ không hô hấp kịp. Việc này sẽ khiến cho bé ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình, gặp ác mộng, quấy khóc giữa đêm khuya.
Các nhà khoa học còn chứng minh rằng, đa số các trường hợp đột tử xảy ra ở trẻ sơ sinh đều là do cha mẹ để con dưới 6 tháng tuổi ngủ chung giường. Bởi lẽ có nhiều cha mẹ ngủ say không kiểm soát được hành vi của mình dễ dẫn đến tình trạng vô tình đè, kẹp con đến mức ngạt thở hoặc cũng có thể do chăn, mền, thú nhồi bông xung quanh che mặt mũi con mà người lớn không hay biết.
Tốt nhất khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên để con trong nôi hoặc cũi riêng đặt bên cạnh mình. Tránh để quá nhiều chăn mền, đồ chơi lộn xộn sẽ dễ gây nguy hiểm cho bé. Chú ý thường xuyên kiểm tra con nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu không bình thường và xử lý đúng lúc.
2. Rung lắc trẻ sơ sinh
Khi bé khóc hoài không chịu nín, đa số ông bà, cha mẹ sẽ bế bé lên để đung đưa dỗ dành mà không hề biết việc làm này có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng từ bên trong não bộ của trẻ. Khi rung lắc bé ở tần số thấp, chỉ trong khoảng 5 đến 10 giây cũng đã có nguy cơ gây tổn thương não khiến bé bị chậm phát triển. Nếu trẻ bị đung đưa, rung lắc mạnh và lâu hơn thì hậu quả còn khủng khiếp hơn nhiều. Bé có thể bị xuất huyết não, tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn đi kèm là việc xuất huyết giác mạc gây mù, điếc thậm chí có trường hợp còn dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ khóc nhiều không có dấu hiệu nín, người lớn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân (bé có đói không, kiểm tra tã, kiểm tra cơ thể xem có dấu hiệu gì bất thường không,…) và nhẹ nhàng dỗ dành chứ không nên ngay lập tức bế bé lên đung đưa qua lại và rung lắc. Ngay cả những hành động như bế xốc nách, nhấc bổng bé lên cao cũng được liệt kê vào danh sách cấm kỵ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến não và phần đầu còn non yếu của trẻ.
3. Ôm hôn trẻ sơ sinh
Một nụ hôn có thể cướp đi sinh mạng của trẻ, chuyện tưởng đùa nhưng đây hoàn toàn là sự thật. Hiện nay, các bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng nguy cấp, thậm chí nếu nặng có thể dẫn đến tử vong ngay do nhiễm phải virus đến từ những nụ hôn của người lớn. Chắc hẳn ai cũng biết, hệ miễn dịch và sức đề kháng của các em bé vô cùng yếu ớt do chưa được hoàn thiện như người trưởng thành. Đó là lý do các loại vi khuẩn rất dễ dàng xâm nhập và tấn công trẻ sơ sinh.
Nụ hôn thể hiện tình yêu thương của mọi người đối với con trẻ nhưng mẹ phải biết nói “không” để đảm bảo an toàn cho con. Tuyệt đối không hôn con khi bản thân đang bị bệnh, mới ra ngoài về chưa tắm rửa sạch sẽ hoặc mặt còn nguyên lớp trang điểm dày. Mẹ cũng nên nhất mực từ chối cho người ngoài hôn và tiếp xúc quá gần với mặt của con, yêu cầu khéo người thân, bạn bè hãy rửa tay và vệ sinh sạch sẽ trước khi bế và chơi cùng em bé.
4. Để trẻ nằm gối cao
Rất nhiều mẹ vẫn thắc mắc việc liệu có nên cho trẻ sơ sinh nằm gối hay không? Câu trả lời là hoàn toàn không cần thiết vì xương của trẻ sơ sinh vẫn còn rất yếu và mỏng manh. Cấu trúc từ đầu đến lưng lại là một đường thẳng nên rất dễ bị biến dạng nếu phải chịu một lực tác động từ bên ngoài vào. Khi mẹ cho trẻ sơ sinh nằm gối, nhất là gối cao, phần xương cổ sẽ bị cong dẫn đến việc xương sống bị vẹo theo. Bên cạnh đó, việc cho bé nằm trên gối quá lâu có thể khiến đầu cũng bị biến dạng, móp méo, bé lại khó ngủ, hay trằn trọc và thức quấy đêm khuya.
Nếu vẫn chưa yên tâm khi để con ngủ mà không có gối, các mẹ có thể sử dụng một chiếc khăn bông mỏng và mềm để lót đầu cho con. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc cho bé dưới 2 tuổi nằm gối là hoàn toàn không cần thiết.
5. Tắm cho bé quá nhiều
Tắm là hình thức vệ sinh thân thể sạch sẽ. Giống như người lớn, trẻ sơ sinh cũng cần phải được tắm rửa để loại bỏ các bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh tồn tại trên cơ thể của bé. Nhưng không vì thế mà mẹ lại lạm dụng tắm cho bé quá thường xuyên. Da của bé rất mỏng manh với những mạch máu cần được bảo vệ kỹ lưỡng, nếu mẹ tắm cho bé quá nhiều lần sẽ gây ra những căn bệnh về da như phát ban, dị ứng, da trở nên nhạy cảm và càng ngày càng mỏng hơn.
Các chuyên gia chăm sóc trẻ sơ sinh đã khuyên chỉ nên tắm cho bé 2 – 3 lần một tuần nếu thời thiết ổn định, có thể tắm hằng ngày nếu đang là mùa hè và ít nhất 1 lần/tuần khi đang trong mùa đông. Đồng thời với trẻ sơ sinh, không nên tắm quá 5 phút và mẹ hãy chọn lựa các sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bé luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh.
Theo WTT