Với người lạ hay ngay cả với chồng, người thân trong gia đình, đôi khi chị em vẫn nghe thấy những câu nói làm tổn thương người mẹ đang nuôi con nhỏ
Em mới sinh con vừa tròn một tháng, bé ra đời nặng 3kg và hiện chưa đầy 4kg. Hôm qua mẹ chồng em lên thăm cháu, chê em không biết chăm con, sữa nóng nên bé lên ít cân rồi còn so sánh em với người chị chồng có con béo khỏe, tháng đầu con tăng được gần 2kg. Em buồn tủi lắm các mẹ ạ, lần đầu sinh con, nhiều thứ còn bỡ ngỡ, nhìn con còi em cũng xót lắm chứ.
Có lẽ các mẹ đã và đang trải qua cảnh nuôi con như em mới thấm thía nỗi vất vả, cực nhọc, những lo lắng, cô đơn, cả ngày lẫn đêm ở nhà trông nom. Vậy mà nhiều người vô duyên vẫn cho rằng ở nhà trông con là sung sướng, nhàn hạ, là thảnh thơi, hạnh phúc hơn những người phải ra ngoài làm việc kiếm tiền. Họ không hiểu những câu nói vô tình làm tổn thương người mẹ đang nuôi con nhỏ đó như lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim mỏng manh của phụ nữ…
- Sao con còi thế? Không biết nuôi con à?
Mỗi đứa trẻ có cơ địa, khả năng hấp thụ thức ăn khác nhau hay do gen nên thể trạng cũng khác nhau. Nếu con ăn uống tốt, tăng cân đều, bụ bẫm thì không sao, con mà “còi” mặc dù nó nhanh nhẹn kiểu gì cũng bị dè bỉu là: “có mỗi việc cho nó ăn mà cũng không xong”, “để con còi dí thế à”, “chăm con kiểu gì vậy”.
Hay như khi trẻ bắt đầu mọc răng, chẳng may cảm do thời tiết thay đổi… thì cũng là điều bình thường thôi mà, tại sao cứ phải nói những lời cay đắng làm gì.
Thậm chí đến lúc con biết đi, chuyển sang ăn cơm, nói được nhiều hơn, thì người mẹ lại phải lo dạy con thế nào, đối phó với những khủng hoảng của con ra sao. Khi ấy con không vâng, ạ, dạ, thưa với người lớn, con ngang bướng, ương ngạch, nghịch ngợm thì cũng đổ lỗi hết lên đầu người mẹ rằng “mẹ không biết dạy con”, “con hư tại mẹ”. Miệng lưỡi thế gian thực sự đáng sợ quá!
- Nuôi con thì tiêu gì mà tốn tiền!
Người mẹ ở nhà nuôi con nhỏ lúc nào cũng bị phụ thuộc vào đồng tiền lương của chồng. Dẫu biết ăn bám thật nhục nhã ê chề nhưng không thể nào thoát ra được vì con còn quá nhỏ. Những lúc cần tiền mua đồ cho con, mua thức ăn, nước uống mà mở mồm xin tiền chồng cũng rất ngại chứ nhưng chẳng có cách nào khác.
Thực sự thì việc tiêu tiền của chồng cũng chẳng sướng gì đâu vậy mà còn nghe được nhà chồng, người thân hay hàng xóm nói mình là “đồ ăn bám”, hay chồng bảo là “mới đưa tiền tiêu gì mà đã hết rồi” thì người phụ nữ sẽ đau lòng, tủi nhục đến thế nào chứ.
Ở nhà chăm con vất vả chẳng khác nào đàn ông đi làm đâu. Nhiều lúc chỉ muốn đổi vị trí với chồng để họ hiểu nỗi khổ này. Nhưng dù cho người đời có nói thế nào, thì mẹ sẽ bỏ qua tai tất cả để tiếp tục chăm lo cho cuộc sống của con, nuôi dạy con từng ngày lớn khỏe.
- Có mỗi việc ở nhà chăm con mà cũng kêu mệt
Mọi người hình như đã quên rằng, chăm con là cho con bú, cho con ăn, vệ sinh cho con, tắm cho con, chơi với con, bế con khi con muốn, nói chuyện với con khi con cần, thức đêm cùng con khi con không chịu ngủ.
Chăm con còn là dọn dẹp nhà cửa, chăm con còn là phải luôn vui vẻ, tinh thần thoải mái để đủ sữa cho con. Là tắm, là vệ sinh cá nhân thật nhanh, là bật dậy như lò xo khi nghe tiếng con khóc, ọ ọe bên tai. Chăm con là những giấc ngủ lơ mơ, là tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu cơm…
Với tất cả những định nghĩa trên, vậy tại sao chăm con lại không mệt cơ chứ? “Có mỗi việc ở nhà chăm con cũng không xong” là câu nói mà hầu hết mẹ nào cũng đã từng nghe được. Một câu nói đủ để người làm mẹ đi hết từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Tức giận, khóc lóc, tủi thân và stress, cuối cùng là quay sang nghi ngờ chính bản thân mình rồi tự hỏi “chẳng lẽ mình lười nhác lắm sao”, “sao ai làm mẹ cũng nhẹ nhàng, nhàn hạ, còn mình thì vất vả nhường này”.
Trong mắt nhiều người, chăm con đơn giản chỉ là ôm con cả ngày, nhàn hạ và sung sướng lắm, đâu có vất vả bằng 8 tiếng ngồi lì văn phòng, đầu tuần họp, cuối tuần báo cáo công việc. Cuộc đời này vốn chẳng bao giờ công bằng.
- Phải cho con ăn, mặc thế này thế kia
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, con cũng là con mình, không ai hiểu con bằng mẹ hết. Vậy mà vẫn có những người thích “nuôi con bằng mồm” hộ. Họ tỏ ra hiểu biết, chê bai mình, dạy dỗ mình rằng phải cho con ăn cái này mới tốt, thời tiết này phải cho con mặc những thứ này này…”
Mẹ dễ chạnh lòng trước lời ra tiếng vào của người khác, nhưng đôi khi vấn đề cũng nằm ở sự sĩ diện của mẹ. Nếu mình tin tưởng ở bản thân, ở con và nghĩ rằng mình có thể nuôi con tốt được thì sẽ không bị chi phối nhiều bởi chỉ đạo của người khác. Còn với những góp ý chân thành thì em cũng biết là mình nên nghe theo chứ ạ!
- Sao không tranh thủ lúc con ngủ mà ngủ đi
Mẹ nào mà chẳng mệt mỏi trong những tháng đầu chăm con, cũng muốn ngủ lắm chứ nhưng còn bao việc phải lo. Giặt giũ, dọn dẹp, làm đồ ăn, tranh thủ ăn cơm, tắm gội, để ý con… thì thời gian đâu mà ngủ.
Kêu ca một chút là nhận lại ngay những câu nói vô tâm làm tổn thương người mẹ đang nuôi con như này. Đúng là chẳng mong ai thông cảm và thương bản thân mình được cả, nhất là khi người nói những câu đó lại là người thân của mình!
- Sao dạo này xuống sắc thế?
Vẫn biết nhan sắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của chị em phụ nữ nhưng với người các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, họ rất khó có thể chăm chút cho bản thân mình. Vậy mà có người nỡ lòng nhận xét: “Đẻ xong vẫn xồ nhỉ” “Sao vẫn béo thế”, “Da mặt xấu thế”… cũng đủ khiến tâm trạng họ thêm não nề, buồn chán.
Mẹ vì tất bật lo cho con mà lôi thôi nhếch nhác, thậm chí là bốc mùi, xấu xí… Không có thời gian làm đẹp, tập gym đâu mà đã về lại dáng, hồi phục da dẻ mà xinh đẹp được. Độc tâm đừng độc cả miệng, hãy đặt mình vào vị trí của người mẹ nuôi con mà cảm thông chứ đừng phán xét, chê bai khiến họ thêm đau lòng.