Đa số mẹ bầu thường “cố đấm ăn xôi”. Tuy nhiên, mẹ sẽ làm gì nếu ốm nghén ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ, làm mẹ không thể ăn được gì? Có thể dùng thuốc để điều trị ốm nghén?
Khi đối mặt với khó chịu mà cơn ốm nghén mang lại, lựa chọn đầu tiên của các bà bầu thường là những phương pháp dân gian, tự nhiên để giảm thiểu tiếp xúc của thai nhi với thuốc. Tuy nhiên, vẫn có 10 -15% phụ nữ mang thai phải nhờ đến sự trợ giúp của các loại thuốc chống buồn nôn để ngăn ngừa tình trạng mất nước và giảm cân nhanh chóng.
Metoclopramide là một trong những loại thuốc ngăn ngừa tình trạng buồn nôn. Tuy nhiên, mức độ an toàn của metoclopramide với phụ nữ mang thai mới là vấn đề khiến nhiều người quan tâm.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, metoclopramide không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hay khả năng sảy thai nếu được sử dụng trong thời kỳ mang thai. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học người Đan Mạch, tiến hành trên 1,2 triệu phụ nữ mang thai cũng không tìm thấy mối liên quan giữa các trường hợp dị tật thai nhi với việc sử dụng thuốc chống buồn nôn khi mang thai.
Tuy nhiên, bởi vì dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp, nên rất khó có thể đánh giá sự an toàn của thuốc dựa trên những quy mô nhỏ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, mức độ rủi ro trong những trường hợp này vẫn có thể xảy ra. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để kiểm tra mực độ an toàn của việc sử dụng thuốc chống buồn nôn để giảm các triệu chứng ốm nghén.
Thuốc Emetrol, một loại thuốc chống buồn nôn được xác định là an toàn với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, Emetrol không được sử dụng một cách chính thức để điều trị ốm nghén. Ngoài ra, một số mẹ bầu “trị” ốm nghén bằng cách bổ sung vitamin B6 cho cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu nên chú ý liều lượng khi sử dụng vitamin B6. Bổ sung vitamin B6 quá liều có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi.
Nếu không có sự cho phép của bác sĩ, mẹ bầu không nên tự ý uống thuốc. Trong trường hợp ốm nghén nặng, và không thể hấp thụ bất kỳ thực phẩm nào, bạn có thể sẽ phải nhập viện để truyền nước biển.